Ống ngoáy trầu

Cập nhật, 14:48, Chủ Nhật, 20/06/2021 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

 

Hồi còn trẻ, bà Trùm Bì mồm năm miệng mười, nhưng khi trở về già lại rất ít lời, họa hoằn lắm mới hỏi han cô bác cận lân một đôi câu, hay miễn cưỡng trả lời qua loa khi có ai đó cố tình bắt chuyện.

Điều này qua lý giải của Cả Hanh- trụ trì chùa Tòa Sen- thì gần hai trăm hộ dân ở sóc Chòm Tre không lấy gì làm lạ, bởi họ hiểu ra rằng: Ở cái tuổi “chiều nghiêng sắp sập”, bà Trùm Bì không có chồng con cháu chắt nên cái cảm giác cô độc tủi buồn cùng cảnh sống bồng bềnh trong nghèo túng đã đè nặng lên tâm hồn, khiến bà mới ra nông nỗi như vậy.

Thế rồi, có chuyện xảy ra gây sững sờ cho bà con phum sóc: một người đàn ông tuổi gần năm mươi, trắng trẻo béo tốt, đắp trên người bao nhiêu là của quý lạ, đánh thức mấy cô mặt hoa da phấn, sung mãn trong những bộ đồ bó mông hở ngực và phơi nây trắng hếu. Tay này từ Mỹ về Việt Nam, rồi xuống liền Chòm Tre lúc trời xâm xẩm tối, khi những chiếc lá sầu đâu sắp khép vào nhau đặng vo tròn trong giấc ngủ, để tìm nhà bà Trùm Bì. Hắn còn nói mình tên Còn- cháu ngoại bà Trùm Bì. Mọi người không khỏi thắc mắc nhưng thấy vui ở trong lòng.

Bà cháu gặp nhau mừng vui đến trào nước mắt. Và không lâu sau ngôi nhà lụp xụp, mái lum khum như toan sắp đổ xuống ngày nào của bà Trùm Bì được thay thế bằng ngôi biệt thự khang trang, sạch sẽ và đỏm dáng hơi quá mức, với tường sơn nhẵn lỳ, gồm hỗn hợp sơn ngoại trộn bột thạch cao mua từ bên Lào. Xung quanh tường ốp gỗ cẩm lai cao chừng một mét bóng loáng, vân hoa thật đẹp.

Nó thật sự quay mặt với cái lo, cái buồn của cả sóc Chòm Tre. Phần bà Trùm Bì trông khỏe hẳn ra, nụ cười dường như to hơn trước. Còn điều người ta không ngờ đến là bà Trùm Bì chợt đâm ra dẻo miệng lợi khẩu vô cùng, thích trò chuyện nên ở đâu cũng mời gọi hỏi chào bà con đon đả. Do vậy, kế hoạch tới đây của gia đình bà Trùm Bì ai nấy đều biết, bà sẽ bàn giao phần đất còn lại cho cháu mình để cất nhà bảo sanh, đến khi nào hoàn tất mới hiến cho Trạm Y tế xã mình.

Cái hôm khởi công làm nhà bảo sanh, thằng Cà Tuôl còng lưng đào tiếp thêm lớp đất nữa ở lỗ cột cho đủ kích cỡ nhà thầu quy định, bỗng lưỡi leng vấp phải vật cản nghe cái “cạch”. Nó liến thoắng reo lên:

- Gặp vàng rồi tụi bây ơi! Chuyến này tao mua đứt quán “ba gò” của Kim Thi. Thằng nào vào nhậu sẽ có tiền “bo” ngược lại. Đám đóng cừ ở những lỗ cột đào rồi vội bu lại nhìn. Có thằng nói:

- Coi chừng “vàng khè” đó nghe mậy!

- Không dám đâu! Vàng thỏi vàng lá nè- Vừa nói thằng Cà Tuôl bỏ leng ngồi xuống dùng tay moi móc- trời đất! Cái ống ngoáy trầu làm bằng iti đạn 20 ly. Thôi, “tặng cho bà thủy ăn trầu!” Thằng Cà Tuôl định ném ống ngoáy trầu xuống sông, hòng cắt đứt chuỗi cười đang hồi nắc nẻ của lũ bạn thì bà Trùm Bì đột ngột xuất hiện, hất mặt về phía nó, mắt trợn ngược long lên sòng sọc, giọng đay nghiến chảy qua bờ môi:

- Mắc mớ gì mầy hành hạ nó? Cái đồ gà toi vịt cúm!

- Bây giờ ai ăn trầu nữa đâu mà để xài bà ơi!

- Còn chớ, của tao trả đây! - Bà Trùm Bì chồm tới giựt ống ngoáy trầu trên tay thằng Cà Tuôl như người ta đoạt lại báu vật từ hầu bao kẻ cướp. Rồi đôi mắt bà hấp háy nhìn soi mói ống ngoáy trầu: “Đúng là nó đây mà. Trời ơi!” Bà Trùm Bì thều thào nói vậy và những giọt nước mắt òa ra như suối. Bà khóc, khóc tức tưởi, nghẹn ngào, toàn thân rung lên một nỗi xót thương đầy cay đắng! Thằng Cà Tuôl thấy mất vía lạc hồn, trắng mắt đứng nhìn lâu lắm mới định thần được và thẻ thọt:

- Già quá “lẫn” rồi. Có ai đụng chạm tới đâu mà làm “sống nhăn” vậy trời! Thằng Cà Tuôl cáu kỉnh bỏ ra về.

Chiều xuống. Dòng kinh êm ả lạ lùng, gió từ đồng lúa thổi ngang mơn man ướt rượt. Khói lam mờ nhà ai tỏa lên giữa rẫy bí vườn cam.

Tội nghiệp! Thằng Cà Tuôl thật sự không đụng tới vàng bạc của bà Trùm Bì, nhưng đã vô tình chạm đến chiều sâu thẳm nhất của trái tim bà, để rồi phải trả giá bằng việc làm “sống nhăn” như lời nó nói.

Ngày ấy chiến tranh càng lúc càng khốc liệt hơn, hơi thở thần chết hà nóng tới tận sau gáy của từng người một. Bộ mặt phum sóc trở nên nham nhở xấu xí vì mang đầy thương tích. Nhiều gia đình cồng kềnh, nhếch nhác, nặng trĩu ưu tư lũ lượt tản cư ra thành thị, tìm nhà người quen tạm trú, tránh mưa bom bão đạn và sự o ép chà xát dữ dằn của bọn làng lính. Cả sóc Chòm Tre ngoài ngôi chùa Tòa Sen mái cong vút, lợp ngói hình vẩy rồng đã đen xỉn nắng mưa ra chỉ còn lại vài gia đình, phần đông họ sống trong cảnh neo đơn không họ hàng thân thích hoặc có người thân đi kháng chiến. Cụ thể như gia đình bà Trùm Bì, cha mẹ bà cưỡi hạc bay qua ngọn lửa thiêu, bà ở vậy không lấy chồng nên thành gái lỡ thì, giờ tuổi cũng bước sang ba mươi chẵn. Còn chị Thạch Thoa đang thời thai nghén, có chồng là bộ đội thuộc tiểu đoàn ba lẻ sáu đang đứng chân tại xã nhà. Đáng thương nhất là gia đình ông Chín Đờn, vợ và hai con ông bị máy bay Mỹ phóng rốc- két chết sạch, cả ba người chỉ còn một nhúm thịt xương bầy nhầy đen đặc ruồi nhặng. Và ngoài ra còn gia đình Tư Tụi, Tám Do, Mười Thừa nữa.

Trong chiến tranh, sự sống và cái chết gần nhau trong tấc gang nên những gia đình này không nghĩ chi khác, ngoài sự yêu thương gắn bó với nhau. Họ túm tụm lại dựng chòi kề cận chùa Tòa Sen. Trước lo khói hương cúng quải người đã khuất, sau núp bóng cội bồ đề để nuôi hy vọng đạn bom còn nể nang cửa Phật. Nhưng vỡ lẽ ra mọi người mới rõ, chiến tranh độc ác như chằn tinh luôn rình rập để gieo thương đau tang tóc. Vì lẽ đó, ai nấy cùng chung tay đắp cái trảng-xê to như cái đồn giặc, để có chỗ trốn đạn lạc, miểng phang bởi ô-buýt rung.

Thời buổi loạn lạc chiến tranh, trong nỗi buồn còn leo lét niềm vui. Cái trảng-xê đắp xong ngày nào cũng không lỏi, ít lắm là một lần mọi người chui vô trốn đạn pháo. Không biết trời xui đất khiến hay do chiến tranh thu xếp. Mỗi bận người ta nháo nhào gieo mình xuống trảng-xê, nơi mùi bùn còn ung ủng ẩm ướt lạnh lẽo, ghẻ xốn chực chờ mọc đầy mình mẩy thì đầu ông Chín Đờn đều va vào đầu bà Trùm Bì một cái tưởng chừng như trời đánh! Mắt hai người nẩy đom đóm xây xẩm mặt mày muốn xỉu! Thế rồi họ cãi vã với nhau om sòm, đến ngớt tiếng súng nổ bà con tản lên mặt đất hết thì “cuộc chiến” mới chịu kết thúc.

Lần sau, Chín Đờn tránh bị “trời đánh”, nghe tiếng súng nổ ông chậm bước là người cuối cùng bò xuống trảng-xê nhưng vẫn quan tâm đến chị Thạch Thoa. Tánh ông là vậy:

- Ê, “nhất có râu nhì bầu bụng” ưu tiên hai cho con Thạch Thoa nghe quý vị!

Bà Trùm Bì nhanh nhẩu:

- Còn ưu tiên một thì không có, bởi ông đâu có râu chỉ có vài sợi tóc lơ thơ cắm vào cái đầu hói giống như cái sọ dừa!

Chín Đờn nháy nhó mãi vì tức giận nên lâu lắm mới nói được:

- Tại bà sớn sác đụng riết nó vậy đó! Ở sóc mình ai già hơn tui ngoài ông Cả Hanh?

Bà Trùm Bì cướp lời liền:

- Phải, ông già người nhưng còn non dạ. Trời ơi! Cái đêm đi coi hát dù-kê ở chùa Phù Ly cứ lết lết theo mấy cô nghệ sĩ hoài. Già không nên nết! Bộ định tán tỉnh chờm hớp người ta hả? Đồ trâu già đòi ăn cỏ non!

- Trời ơi trời! Người ta hâm mộ nghệ sĩ à. Mà nè, già không ăn cỏ non chớ ăn cỏ già cái nướu đau chịu sao nổi?

Nói rồi, Chín Đờn cười rung rung đôi vai nhọn lểu. Sấp nhỏ nghe khoái “lỗ nhĩ” cùng cười theo nghe một cái “rần”. Bên ngoài, đạn pháo vẫn còn gào thét ầm đùng, trông chúng hùng hổ nhẫn tâm và sẵn sàng tước đoạt triệt để sự sống của con người. Nhưng ở trong trảng-xê, dưới ánh đèn tù mù đủ để Chín Đờn nhìn thấy đôi mắt bà Trùm Bì hình như không chịu rời xa ông nữa. Ôi! Nó đau đáu, khắc khoải, chới với, dạn dĩ và xót xa đến ngượng ngùng. Chín Đờn đảo mắt nhìn mọi người trong trạng thái sợ sệt, rồi một chút bâng khuâng pha trộn với sự xao xuyến như con chim nhỏ nhảy nhót trong lồng ngực của ông. Từ đây, Chín Đờn ghét bom đạn nhưng thích chui trảng-xê chắc vì lẽ này(!)

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

HỒNG SƠN