Trong khó khăn ấy rõ biết bao tình!

Cập nhật, 16:12, Thứ Hai, 14/06/2021 (GMT+7)

Cuộc sống của chúng ta dường như đang bị đảo lộn vì dịch bệnh. Không “cà kê tán dóc” nơi hàng quán, không tụ tập bia bọt với bạn bè. Và còn… còn rất nhiều cái không nữa. Nhưng “chấp nhận” và bỏ qua những “bứt rứt” ấy để đồng lòng phòng chống dịch ta vẫn thấy còn rất nhiều điều bình dị phải làm mà đôi khi cuộc sống tất bật đã chiếm hết quỹ thời gian của chúng ta. Hãy bình tĩnh “sống chậm” để thấy yêu thương hơn.

1. Khoảng thời gian này, tôi thấy cô Tư gần nhà vui hẳn ra. Chú thì nghĩ ra hết trò này đến trò nọ để chơi với đứa cháu nội, còn cô thì loay hoay tối ngày với bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Vậy mà gặp ai cô chú cũng cười: “Nhà có con nít, người già khỏe hẳn ra” rồi cô cũng như chú liền lật đật đi nhanh về nhà: “Thôi chú đi đây! Mình phải thực hiện nghiêm, không được tụ tập để phòng chống dịch với lại về lẹ để thằng cháu nội nó trông”.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta, đứa cháu nội (5 tuổi) được ba mẹ gửi về đây ở với cô chú. Con một, cháu đích tôn mà ra riêng ở tận Sài Gòn thì không cần phải nói ai cũng hiểu được “ruột gan” của cô chú. Mấy lúc hay tin sắp nhỏ chuẩn bị về là tôi thấy cô Tư giặt giũ mùng mền, chuẩn bị đồ ăn thức uống từ 1- 2 ngày trước. Thương cho những người cha, người mẹ, suốt cuộc đời vì những đứa con.

2. Hẳn cũng vì dịch bệnh mà những ngày vừa qua khoai lang Bình Tân cần được “giải cứu”. Chia sẻ với bà con nông dân, người người, nhà nhà vào cuộc “giải cứu” khoai lang. Bà Bảy (ở gần nhà tôi, sống cu ky một mình bằng nghề bán vé số) sáng nay mang sang nhà tôi biếu mấy cái bánh ít khoai lang tím nhân đậu xanh vừa mềm, vừa dẻo, vừa ngọt. Bà bảo: “Khoai rẻ, bà mua vài ký về để mấy hôm nay cho khoai ngọt hơn rồi mua nếp, đậu xanh về gói vài chục bánh ít.

Bánh ít khoai lang tím ăn cũng ngon lắm con! Mấy tháng nay, chân đau không đi bán vé số được, hàng xóm, láng giềng giúp đỡ bà rất nhiều. Bà không biết lấy gì trả ơn. Thôi thì mua khoai lang tím vừa góp phần giúp bà con nông dân mình vừa có thể gói bánh ít biếu mấy đứa ăn”. Tình nghĩa xóm giềng rõ rành rành trong những lúc khó khăn. Thương cho bà Bảy, thương cho những phận người tuổi xế chiều mà vẫn còn vất vả với cuộc mưu sinh.

3. Nhìn lại sinh hoạt nhà tôi những ngày này cũng có nhiều thay đổi. Những ngày cuối tuần thay vì đi ăn ở tiệm, hàng quán để tập cho con tính dạn dĩ thì nay địa điểm sẽ là bàn đá nơi góc sân nhà. Cả nhà ngồi bên nhau ăn sáng, uống cà phê “made in ở nhà”, dạy con cách ăn, cách uống, cách nói, cách cười.

Cũng hay! Buổi chiều, thay vì đến siêu thị, trung tâm mua sắm thì tôi có thể mua hàng qua mạng để cùng con đạp xe lòng vòng quanh khu nhà ở, nhổ cỏ cho mấy chậu rau trước sân nhà, thay nước hồ kiếng nuôi cá bảy màu,... Những việc nho nhỏ như thế mà được làm cùng chồng, cùng con thì cũng là hạnh phúc!

Dịch bệnh rồi đây chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Cháu của cô chú Tư rồi đây sẽ về lại thành phố. Bà Bảy cũng phải tiếp tục với cuộc mưu sinh. Những đứa trẻ đến trường. Những người lớn lại lao vào công việc. Nhưng, chắc chắn một điều là việc dành thời gian cho gia đình, cho gắn kết tình xóm giềng là việc nhất định phải duy trì dù cho dịch đã đi qua.

DIỄM KIỀU