Sách lá buông lưu truyền qua thế kỷ

Cập nhật, 13:54, Thứ Năm, 30/01/2020 (GMT+7)

Ngày xuân nhàn hạ, ngắm nhìn mai vàng nở nhụy ngát hương, nhâm nhi tách trà, giở sách ra đọc và nghiền ngẫm, hẳn là một trong những thú vui tao nhã…

Nghệ thuật chạm khắc trên lá buông rất đặc biệt.
Nghệ thuật chạm khắc trên lá buông rất đặc biệt.

Đến chùa Kỳ Son (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, Tam Bình), chúng tôi được biết có một loại sách được làm từ những chiếc lá. Trải qua hàng thế kỷ, những trang viết này như vẫn còn nguyên vẹn, sáng tươi màu mực.

Điểm độc đáo của sách lá chính là “tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer”. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình “tri thức dân gian” được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Hàng thế kỷ lưu giữ sách lá buông

Khi những cành mai hé nụ, báo hiệu mùa xuân mới, chúng tôi đến thăm chùa Kỳ Son, ngôi chùa cổ kính (xây dựng năm 1601) pha lẫn nét hiện đại với màu sơn vàng óng ánh nổi bật giữa hàng cây xanh ngát.

Trải qua hàng thế kỷ, ngôi chùa đang cất giữ gần như nguyên vẹn những quyển sách lá buông. Trong đó, kinh thư Phật giáo được cất cẩn trọng trong chiếc rương cổ thơm phức mùi gỗ, hai bên bìa lá sáng óng ánh màu vàng đồng, giữa là màu đỏ tươi.

“Chỉ kinh thư Phật giáo mới có nét đặc trưng này. Nội dung trong đó chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo…”- Sư cả Thạch Chanh Nhenh- trụ trì chùa Kỳ Son cho biết.

Chùa Kỳ Son đang lưu giữ gần 300 quyển sách lá buông.
Chùa Kỳ Son đang lưu giữ gần 300 quyển sách lá buông.

Những quyển sách còn lại chủ yếu viết về phong thủy, đời sống- xã hội và các loại thuốc Nam trị bệnh. “Mùa xuân là thời gian của sự phát triển, cây cối đâm chồi nảy lộc và cuộc sống mới lại bắt đầu…”- Sư cả Thạch Chanh Nhenh giải thích một số nội dung trong sách.

Chữ viết trên lá buông chủ yếu bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahainikai, xuất hiện từ thế kỷ XIX, hiện rất ít người biết đọc và biết viết. Với nguồn gốc chủ yếu từ Campuchia, một phần của Ấn Độ, “không biết kinh lá buông du nhập vào Việt Nam và được đem đến chùa Kỳ Son từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ”- Sư cả Thạch Chanh Nhenh nói.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

“Hiện nay sách lá buông được coi là báu vật, có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Cái hay ở chùa Kỳ Son là bộ sách đã được phân loại rất rõ ràng. Thời gian tới, nếu được chùa cho phép, ngành văn hóa sẽ đến sao chép, dịch lại những quyển sách này để lưu giữ, trao truyền cho hậu thế…”

Báu vật của người Khmer

Lá buông có sẵn từng gân lá nên viết rất thẳng hàng. Một trang sách đẹp phải được viết trên lá vừa đủ độ dẻo, không già cũng không non. Đồng bào Khmer dùng cây viết bằng gỗ gọi là “đek-cha”, một đầu gắn kim loại nhọn để khắc chữ. Sau đó, dùng một loại nhựa cây tẩm lên lá, để nhựa thấm vào nét chữ đã khắc, chờ cho nhựa khô, lau sạch lá rồi kết nối từng lá lại thành quyển sách.

Kinh lá buông là loại thư tịch cổ quý hiếm của người dân tộc Khmer (gọi là Satra).
Kinh lá buông là loại thư tịch cổ quý hiếm của người dân tộc Khmer (gọi là Satra).

Những chiếc lá buông đều có đánh số trang và ở mỗi 1/3 quyển sách được cột chặt với nhau bằng 2 sợi dây luồn- làm từ tơ tằm mạ vàng sáng lấp lánh. Nếu nội dung của từng trang sách được xem như báu vật thì những sợi dây luồn cũng quý giá không kém. Đó là lý do Sư cả Thạch Chanh Nhenh phải tháo hết đem cất vào chiếc hộp riêng và thay thế bằng những loại dây thông thường để tránh… “bị đánh cắp cổ vật”.

Từng trang sách được lưu giữ hàng thế kỷ nhưng chữ viết vẫn còn rõ mồn một và đều đặn thẳng tắp chẳng kém nghệ thuật in ấn hiện đại. Sư cả Thạch Chanh Nhenh chia sẻ “bí quyết” để viết được những dòng chữ này là “tâm rất tĩnh và tâm nằm trong bút... nếu không chữ sẽ không đều và bị đứt gãy”.

Sách lá buông có nhiều loại nhưng tất cả đều có một điểm chung là dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ…
Sách lá buông có nhiều loại nhưng tất cả đều có một điểm chung là dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ…

Mỗi tấm lá buông dài khoảng 3 gang tay, bề ngang chỉ khoảng 5cm, nhưng dịch chữ viết trong đó ra tiếng Việt thì dài 4- 5 tờ giấy. Điều đó cho thấy chữ viết trên từng tấm lá phải mất bao nhiêu tâm tư và kỳ công nắn nót của người cầm bút.

Năm nào cũng vậy, sau khi đón Tết Nguyên đán, tiết trời nắng ấm, tự tay Sư cả Thạch Chanh Nhenh đem tất cả sách lá buông ra phơi rồi lau chùi cẩn thận. Sau đó cuốn lại bằng tấm vải lụa hoặc dùng nẹp tre để nẹp sách lại và cất trong tủ kính, bởi đây chính là bảo vật của người Khmer. 

Với nét văn hóa độc đáo và là sản phẩm vô giá trong Phật giáo Nam tông Khmer, bộ kinh lá buông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) là di sản văn hóa phi vật thể năm 2017. Tại Vĩnh Long, một số chùa Nam tông Khmer vẫn còn lưu giữ sách lá buông, trong đó chùa Kỳ Son đang lưu giữ số lượng lớn nhất với gần 300 quyển.


Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- XUÂN TƯƠI