Đón tết Việt nơi phương xa

Cập nhật, 22:41, Thứ Tư, 29/01/2020 (GMT+7)

Tết cổ truyền- người người nô nức đi mua sắm, trang trí nhà cửa. Tết là dịp gia đình quây quần, bè bạn tụ họp. Thế nhưng với nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, ngày tết không được rộn ràng như vậy.

Tuy vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền nhưng theo cách riêng của từng gia đình và mỗi nơi khác nhau. Trên hết, tấm lòng kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, nhớ da diết những ngày tết đầm ấm bên gia đình.

Chợ Việt Nam tại nước ngoài cũng bày bán nhiều mặt hàng phục vụ tết Việt.

Chợ Việt Nam tại nước ngoài cũng bày bán nhiều mặt hàng phục vụ tết Việt.

Nhiều Việt kiều chia sẻ, mặc dù ở nước ngoài nhưng cứ đến Tết cổ truyền của dân tộc là nhiều người vẫn cố gắng duy trì truyền thống để có một tết Việt ấm áp, ý nghĩa, đậm tình, đậm chất quê nơi phương xa. Để nhớ ngày tết quê hương, người Việt xa quê chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên với đầy đủ các món ăn truyền thống và quây quần bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng chúc tết nhau như tại Việt Nam.

Sang Mỹ hơn 10 năm nhưng chỉ được ăn tết quê nhà 1 lần cách đây 4 năm nên chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (huyện Càng Long- Trà Vinh) hiện đang sống tại Garden Grove- Califonia (Mỹ) “nhớ lắm hương vị tết quê”. “Ngày thường đã nhớ quê, tết lại nhớ da diết hơn. Nhất là thấy cảnh đón tết ở quê, nào hoa mai, cúc, vạn thọ nở rộ, nhà cửa trang trí đỏ rực, lại thấy lòng náo nức hướng về quê hương”- chị Nhung chia sẻ.

Do đó, dù ở nước ngoài khá lâu nhưng chị Nhung luôn muốn con mình được biết đến cái tết của người Việt.

Tết năm nào chị cũng chuẩn bị các món truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả. Đặc biệt, ngày tết chị còn sắm cho 2 con chiếc áo dài truyền thống Việt Nam để mặc. “Tết năm nào tôi cũng chuẩn bị vài món ăn Việt trong nhà, sau đó, thì đến chúc tết họ hàng, mừng tuổi người lớn, rồi đi chùa cầu bình an”- chị Nhung nói.

Những tà áo dài thướt tha tại xứ người chào đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Những tà áo dài thướt tha tại xứ người chào đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Xa quê hương hơn 20 năm, hiện đang sinh sống tại vùng Nam California (Mỹ), anh Nguyễn Minh Trí (TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: “Các gia đình Việt ở California chỉ tổ chức tết trong nội bộ gia đình vì ngày tết vẫn là ngày làm việc bình thường ở Mỹ.

Nếu trùng ngày nghỉ thì tôi cũng đưa các con đi chơi ở Thương xá Phước Lộc Thọ, xem văn nghệ, chụp ảnh gia đình”. Nhưng theo anh Trí: “Ngày tết, người Việt bên Mỹ cũng có nhiều hoạt động mừng tết như du xuân ở chợ hoa xuân, tham gia dâng hương, cúng tổ tiên, xem múa dân tộc, múa lân, xem các chương trình ca nhạc do nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn…

Trong đó, Thương xá Phước Lộc Thọ như khu chợ tết mini ở Việt Nam, cũng bán hoa cúc, vạn thọ, trái cây, mứt, bánh chưng, bánh tét,… Tuy không đủ đầy mặt hàng như ở Việt Nam nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp, người mua sắm, tham quan cũng tấp nập. Ai cũng tranh thủ chọn mua để chưng, cúng tổ tiên, trang trí trong nhà cho có không khí tết Việt.

Cô Nguyễn Bé Bảy (xã Bình Phước- Mang Thít)- Việt kiều đang sinh sống ở Canada hơn 15 năm- cũng chia sẻ: “Lâu rồi tôi chưa có dịp đưa các con về quê hương đón tết nhưng ở đây gia đình tôi vẫn duy trì thói quen làm một mâm cơm cúng đêm giao thừa tiễn năm cũ và một mâm cơm cúng sáng mùng 1 tết để đón chào năm mới. Tôi cũng lì xì mừng tuổi tụi nhỏ trong nhà vào sáng mùng 1 tết. Sau đó cùng nhau ăn uống rồi đi chúc tết mấy gia đình người Việt ở gần”.

Người Việt xa xứ vẫn giữ phong tục lì xì, chúc tết đầu năm.
Người Việt xa xứ vẫn giữ phong tục lì xì, chúc tết đầu năm.

Hơn 2 năm xa quê, anh Nguyễn Minh Thông (Phường 7- TP Trà Vinh) hiện đang học và làm việc tại miền Trung của nước Nhật- chia sẻ “cận tết là trong lòng lại bồi hồi nhớ quê”.

Anh Thông tâm sự: “Thường, ngày 30 tết trùng ngày nghỉ nên tôi cùng bạn bè người Việt bên này tổ chức tiệc nho nhỏ. Bánh chưng, bánh tét thì đặt mua trên mạng, được giao đến tận nhà. Mấy bạn nữ khéo tay thì làm thêm nhiều món ngon, đặc biệt là không thể thiếu nồi thịt kho rệu.

Bên này không có hoa mai nhưng có đào, nên tụi tôi thường mua hoa mai vải về cắm trang trí cho có không khí tết rồi viết câu đối chúc tết dán lên tường. Rồi theo dõi giờ giao thừa qua mạng, vừa nhâm nhi cùng bạn bè vừa chúc tết nhau, cũng lì xì nhau để “lấy hên” đầu năm. Tuy không náo nhiệt, chộn rộn như ở quê nhà nhưng cũng ấm lòng những người xa xứ, đỡ nhớ quê hơn”.

Mâm cơm đoàn viên đêm giao thừa với đủ các món truyền thống.
Mâm cơm đoàn viên đêm giao thừa với đủ các món truyền thống.

Gia đình anh Nguyễn Minh Triết hầu như hơn phân nửa sang Pháp định cư tại Strasbourg gần 20 năm nay. Có rất nhiều năm vì công việc, học hành, họ không thể về ăn tết quê. Vì thế, mỗi dịp Tết cổ truyền họ vẫn giữ những nếp sinh hoạt như khi ở Việt Nam. Đàn ông thì trang trí dọn dẹp nhà cửa, mua hoa đào về chưng, phụ nữ trong nhà thì đi chợ Việt Nam mua đủ thứ món ăn truyền thống người Việt.

Có năm không bận rộn nhiều họ còn mua nếp về tự gói bánh tét, vì theo anh Triết, bánh tét tuy vẫn có bán nhưng không ngon như nhà làm. Đêm 30 tết, cả nhà tụ họp đón giao thừa xa xứ, chúc nhau những điều tốt đẹp và online với người thân tại Việt Nam để tận hưởng không khí tết, rồi sáng mùng 1 tết lại cùng nhau đi chùa hái lộc đầu năm.

Anh Triết chia sẻ: “Tại Pháp, Tết cổ truyền Việt Nam còn được tổ chức tại Tòa thị chính Paris, là dịp để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, các món ăn truyền thống của Việt Nam trong ngày tết tới bạn bè Pháp và quốc tế.  Đây là dịp để các thế hệ người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp sum họp bên nhau mỗi độ xuân về, cùng chia sẻ niềm vui, không khí ấm cúng ngày tết cổ truyền của dân tộc”.

Có thể thấy được, dù ở bất cứ nơi đâu, dù xa quê bao lâu đi nữa thì bà con kiều bào vẫn không bao giờ quên nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Bằng cách này hay cách khác kiều bào vẫn luôn tạo cho mình một không khí tết đầm ấm, vui vẻ vào dịp đầu năm mới với tấm lòng luôn hướng về quê hương.

Bài, ảnh: YẾN LY