Nếu có ai hỏi nơi sinh thì ông không biết, bởi ông ra đời trên đường lưu diễn của gánh hát bội, rày đây mai đó nên không biết lúc sinh ra ở địa giới hành chính nào, mà ông cũng chưa từng nghe cha mẹ nói nơi sinh của ông.
Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Răng (bầu Răng). Ảnh: Nguyễn Phải |
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Răng (sinh năm 1934, quê quán xã Trung Thành- Vũng Liêm), tên thường gọi bầu Răng, hiện là Trưởng đoàn hát bội Đồng Thinh tỉnh Vĩnh Long; hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Nếu có ai hỏi nơi sinh thì ông không biết, bởi ông ra đời trên đường lưu diễn của gánh hát bội, rày đây mai đó nên không biết lúc sinh ra ở địa giới hành chính nào, mà ông cũng chưa từng nghe cha mẹ nói nơi sinh của ông.
Ông nội của ông là bầu hát bội. Cha của ông là bầu Sâm nổi tiếng một thời cũng là bầu gánh hát bội. Nay đến thời của ông cũng tiếp tục nối bước cha ông. Như vậy là trong gia đình đã có 3 đời làm bầu gánh.
Trong đoàn hát bội Đồng Thinh hiện nay, còn có thế hệ thứ tư là con gái, con trai, dâu, rể của ông; đồng thời có thêm thế hệ thứ năm là cháu nội, cháu ngoại. Tính đến nay, với 84 tuổi đời, ông đã có trên 70 tuổi hát. Sự thăng trầm của gánh hát bội Đồng Thinh gắn liền với cuộc đời của ông.
Lúc nhỏ, đêm đêm xem cha mẹ và những người thân biểu diễn, hát bội đã thấm vào tim óc ông tự lúc nào không biết. Trên 10 tuổi, ông đã lên sân khấu biểu diễn, thường là các vai đơn giản như quân sĩ, quân báo…, lời thoại ít. 15- 16 tuổi, ông hát kép phụ.
17 tuổi, ông đã diễn kép chánh. Ông sở trường và thích vào những vai kép võ. Ông thành công và tâm đắc nhiều vai diễn như Đinh San trong “Tiết Đinh San chinh Tây”, Võ Tam Tư trong “Tiết Giao đoạt ngọc”, Tạ Ôn Đình trong “Sơn Hậu”, Cao Quân Bảo trong “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, Điền Côn trong “Chung Vô Diệm”,…
Ông thường hồi tưởng những ngày theo cha mẹ rong ruổi khắp nơi để đem nghệ thuật hát bội đến với bà con vùng sâu, vùng xa.
Ông kể: “Mấy năm đó, gánh hát đi từ nơi này đến nơi khác, chủ yếu bằng ghe xuồng. Một chiếc ghe lớn chở đồ đạc, dụng cụ. Trên chục chiếc ghe nhỏ và xuồng chở diễn viên và gia đình. Nhiều chiếc xuồng chở theo trái cây, rau quả, đồ tiêu dùng… để bán tại điểm biểu diễn, tạo thêm thu nhập cho anh em. Có nhiều lúc phải di chuyển bằng cộ trâu- bò, vượt qua những cánh đồng có khi hàng chục cây số. Hai bên cộ treo đồ, treo phông màn để bà con biết gánh hát tới. Cực vậy, nhưng mà vui.”
Còn nói về chỗ ngủ, nghỉ trong quá trình lưu diễn, ông cho biết ngủ đình, ngủ chợ là chủ yếu. Nhiều khi chỉ đủ cơm ăn cho một suất diễn, nhưng ông và anh em trong đoàn vẫn rất yêu nghề. Ông tâm sự nhiều đêm nằm chiêm bao thấy đang diễn tuồng, giấc mộng trải dài theo năm tháng...
Những năm 1970 (ông nhớ phỏng chừng), khi cha mất, ông thay cha làm bầu gánh, tính đến nay gần 50 năm.
Làm bầu thì chủ yếu là quản lý, sắp xếp, đối ngoại…; nhưng vì lý do nào đó cần vai diễn (như đột xuất thiếu diễn viên) thì ông diễn được ngay, bất cứ vai gì. Có những nơi, thấy đoàn đến, bà con nói tối nay bầu Răng có diễn thì họ mới đến xem; ông bầu không ra sân khấu thì không xem. Vậy là bầu Răng phải hứa và đêm đó phải diễn, dù công việc quản lý rất bề bộn.
Trước năm 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, ông và anh chị em trong đoàn vẫn lưu diễn khắp nơi. Có những điểm đến diễn, đoàn phải xin phép cả đôi bên; vậy là trong đêm diễn, trong số bà con đến xem, thỉnh thoảng có cả những khán giả ở 2 đầu “chiến tuyến”.
Sau ngày giải phóng năm 1975, gánh hát bội của ông rơi vào giai đoạn đầy khó khăn. Việc xin phép biểu diễn rất khó. Một số địa phương thấy đời sống anh em quá khổ, nên cho biểu diễn để cứu đói. “Hát để cứu đói” trở thành câu nói quen thuộc của đoàn trong thời kỳ này. Có những lúc gánh hát cắm sào lại hàng mấy tháng trời để vừa hát vừa bán hàng rong, vừa làm công, làm mướn kiếm sống qua ngày.
Còn nói về tuồng tích thì thời kỳ này cũng lắm gian nan. Một số địa phương không cho diễn các tuồng tích, điển tích nước ngoài. Như vậy là muốn được diễn phải có tuồng tích trong nước.
Ông bèn nhờ người chuyển thể các câu chuyện từ thơ như: Phạm Công- Cúc Hoa; Thạch Sanh- Lý Thông; Thoại Khanh- Châu Tuấn; Lâm Sanh- Xuân Nương… thành kịch bản hát bội. Ông trực tiếp gợi ý và góp ý cách chuyển thể. Có kịch bản rồi thì mời đạo diễn đến phối hợp tập dợt. Vậy là tùy theo địa phương, đi đâu gánh hát của ông cũng có thể biểu diễn được.
Một thời gian dài, gánh hát của ông gắn với Phòng Văn hóa Thông tin huyện với tên gọi là CLB của huyện; đầu quân ở huyện nào thì lấy tên của huyện đó, thí dụ như CLB tuồng cổ huyện Vũng Liêm… Rồi sau đó trụ quân tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với tên gọi CLB tuồng cổ Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long.
Biểu diễn ở đình làng nhân các dịp cúng lễ, Ban quản lý đình thường yêu cầu ông phải làm thêm lễ xây chầu, đại bội. Các gánh hát nhỏ khó thực hiện được các nghi lễ này, nhưng với ông thì không có gì là khó.
Thời kỳ này, CLB không được diễn ngoài tỉnh, trừ trường hợp có thơ mời giao lưu. Có lần, ông xin phép biểu diễn ở một ngôi đình nhân lễ kỳ yên, lúc đó việc quản lý các gánh hát còn nhiều lúng túng nên anh em ở ngành văn hóa không cho vì không biết căn cứ vào đâu để cấp phép.
Ông giận quá, tuyên bố: “Không cho diễn, tôi vẫn cứ biểu diễn”. Câu nói “bốc lửa” này thể hiện máu huyết của ông với nghề và trở thành giai thoại mỗi lần nhắc đến. Anh em văn hóa thấy vậy mới ngầm hỗ trợ để ông được biểu diễn.
Năm 1997, thấy được tâm huyết của ông với nghệ thuật hát bội truyền thống, anh em ở Phòng Quản lý nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Vĩnh Long, nay là sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mới tham mưu lãnh đạo sở làm hồ sơ, thủ tục để thành lập một đoàn hát chính thức.
Vậy là kể từ năm 1997, gánh hát có tên chính thức là Đoàn hát bộ Tuồng cổ Đồng Thinh tỉnh Vĩnh Long, có con dấu riêng, có bảng hiệu riêng. Danh sách đoàn có trên 20 diễn viên, nhân viên chính thức được công nhận. Phó đoàn là vợ của ông đồng thời cũng là đào chính của đoàn. Đoàn hát có hơn phân nửa là các thành viên trong gia đình.
Danh mục các tuồng được cho phép biểu diễn là 20 tuồng, gồm các vở kinh điển như: “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”; “Tiết Giao đoạt ngọc”; “San Hậu thành”; “Long Phụng kỳ duyên”… Nội dung các vở diễn thường là đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đạo lý làm người…
Cũng năm đó, trước khi được cấp phép chính thức, ông tổ chức nhiều suất diễn phúc khảo để Hội đồng Nghệ thuật tỉnh thẩm định. Lần đó, nhân chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Trung tâm Văn hóa tỉnh. Bầu Răng được gặp mặt Thủ tướng và biểu diễn cho Thủ tướng xem.
Sau suất diễn, Thủ tướng cởi mở, vui vẻ nói chuyện với bầu Răng, khen đoàn hát hay và nói thuở nhỏ ông cũng đã từng xem đoàn biểu diễn. Rồi Thủ tướng quay qua nói với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa- Thông tin là phải tạo điều kiện hỗ trợ cho đoàn để bảo tồn nghệ thuật hát bội.
Từ năm 1998 đến những năm 2010- 2015 là thời kỳ vàng son của đoàn hát. Đoàn chẳng những biểu diễn phục vụ các lễ hội đình làng trong tỉnh mà còn lưu diễn các tỉnh vùng ĐBSCL, thậm chí biểu diễn tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,… Mỗi năm đoàn biểu diễn 40- 50 suất; có năm cao điểm biểu diễn 70- 90 suất, phục vụ hàng chục ngàn người xem.
Năm 2007, đoàn hát bội Đồng Thinh vinh dự được mời biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới tại Hoa Kỳ (Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông- Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại Washington).
Đây là dịp để đoàn hát bội Đồng Thinh biểu diễn giới thiệu với bạn bè khắp năm châu loại hình sân khấu cổ điển của dân tộc. Đoàn hát bội tham gia lễ hội tại Mỹ có tác động tích cực tới việc bảo tồn, phát triển loại hình hát bội.
Bầu Răng trong một vai diễn. Ảnh: Tư liệu gia đình |
Khi được hỏi về chuyến đi Mỹ, ông hồ hởi kể: “Là trưởng đoàn, tôi rất vinh dự với chuyện này. Qua chuyến lưu diễn đó, nhiều người trong và ngoài nước biết đến mình, tạo được tiếng vang cho loại hình nghệ thuật truyền thống này. Nhờ vậy, tôi được nhiều người tìm đến ký tờ (làm hợp đồng biểu diễn)”.
Sau sự kiện đó, đoàn còn được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội năm 2010. Đoàn biểu diễn xen kẽ với các nghệ sĩ Kinh kịch Trung Quốc.
Anh em trong đoàn cũng mừng không kém gì lúc đi diễn ở nước ngoài. Đoàn đã chọn 4 trích đoạn tiêu biểu trong các vở “Đường về San Hậu”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Võ Tam Tư chém cáo” và “Trảm Trịnh Ân” để luyện tập và biểu diễn.
Năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trong đợt này, tỉnh Vĩnh Long có 24 nghệ nhân được phong tặng. Ngoài ông ra thì trong lĩnh vực hát bội còn có 8 nghệ nhân nữa, nhiều người đã từng biểu diễn trong đoàn của ông.
Bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn luôn tận tâm với nghệ thuật, làm sao để nó ngày càng phát triển. Một trong những điều lo lắng của ông, ngoài việc sợ nó mất đi, ông còn sợ nó bị lai căng.
Ông có nguyện vọng là viết và dựng các tuồng sử Việt Nam như “Tiếng trống Mê Linh”, “Lê Lai cứu chúa”… để biểu diễn phục vụ bà con. Nhưng chuyện viết tuồng, rồi dàn dựng, phục trang, sân khấu… đòi hỏi rất nhiều tiền bạc, công sức; đây là điều mà ông nói khó thực hiện.
Khi được hỏi những bước thăng trầm đối với nghề, ông dường như thả dòng suy tưởng, trở về quá khứ theo bước chân gánh hát và nhịp chèo trên sông nước lưu lạc rày đây mai đó.
Ông nói: “Trước kia, loại hình hát bội nói chung và gánh hát bội của tôi có một thời kỳ vàng son, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ rần rần đến đó, đi coi hát chật kín sân đình. Ngày nay thì cũng có lúc lên lúc xuống. Nhờ anh em ở ngành văn hóa hỗ trợ mà gánh hát trụ lại được đến ngày nay. Nghề hát bội cực khổ trăm bề, nhưng anh em chúng tôi nguyện một lòng theo nghiệp tổ, theo nghề ông nội để lại”.
VĂN HIẾN VĨNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin