Sum vầy tết nội, tết ngoại

Cập nhật, 05:05, Thứ Ba, 28/01/2020 (GMT+7)

 Tết là sum họp, đoàn viên nên nhà nào cũng mong muốn con cháu tề tựu đông đủ để cùng đón giao thừa, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, tạo không khí gia đình đầm ấm, yêu thương trọn vẹn. Thế nên “ăn tết” sao cho thuận lòng cả bên nội và bên ngoại là cả một sự chu toàn, khéo léo.

 
Tết là dịp sum họp, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.
Tết là dịp sum họp, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Dịp tết làm sao để được về nhà ngoại chơi vài hôm, làm sao để thuận lòng, chu toàn cả đôi bên nội ngoại, rồi làm sao để mình có một cái tết vui vẻ, thoải mái nghỉ ngơi, thưởng thức món tết, du xuân, luôn là những vấn đề “lăn tăn” phải suy tính của chị em. Điều này rất cần sự sắp xếp, lên kế hoạch từ trước, bàn bạc với chồng và gia đình chồng một cách hợp tình hợp lý.

Theo quan niệm xưa, con gái khi gả đi thì hoàn toàn thuộc về bên chồng, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhà chồng, ngày tết cũng khó lòng về thăm nhà mẹ đẻ. Nhưng tết lại là dịp sum vầy, nên các bậc cha mẹ có con gái lấy chồng xa thường vô cùng mong mỏi con gái được về nhà ăn tết, mà đó cũng là mong muốn của rất nhiều người làm dâu xứ lạ.

Sum vầy “ăn tết” nhà ngoại
Sum vầy “ăn tết” nhà ngoại

Chị Kim Thoa (39 tuổi) đang sống tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Vợ chồng tôi ra riêng mấy năm nay. Nhà chồng cũng tại thành phố nên thường xuyên tới lui, còn quê tôi thì tận An Giang.

Vì thế gia đình chồng tôi rất tâm lý và thoải mái khi cho phép tôi được về ăn tết nhà ngoại. Nhưng không vì thế mà tôi chỉ biết vui mừng lo sắm sửa về ăn tết ngoại. Bởi chồng tôi là con trai út, mọi chuyện trong nhà chồng, tôi cũng phải có trách nhiệm lo toan.

Thế là tôi lên kế hoạch và bàn bạc với chồng bắt đầu từ việc lo dọn dẹp sắp xếp nhà riêng của mình trước tiên, mua đầy đủ những thứ cần thiết chưng bày tết trong nhà nhưng không mua nhiều thức ăn. Sau đó là ngày 30 và mùng 1 tết là vợ chồng con cái ở nhà nội, phụ nội sắp xếp nhà cửa, mua sắm tết, cùng đón giao thừa, sáng đầu năm cùng chúc tết nhau rồi đi hái lộc.

Xong nhiệm vụ bên nội, sáng sớm mùng 2 là gia đình nhỏ của tôi náo nức lên xe về quê ngoại. Thế là tôi được ở nhà mẹ đẻ đến tận mùng 5 mới trở lên Sài Gòn, về mái ấm nhỏ của mình đón những ngày tết còn lại. Với sự sắp xếp hợp lý như vậy, mấy năm nay, hai bên gia đình luôn hài lòng, vui vẻ sum vầy, rất hạnh phúc”.

Đầu năm, bà nội lì xì chúc may mắn các cháu.
Đầu năm, bà nội lì xì chúc may mắn các cháu.

Chị Thanh Tâm (30 tuổi, TP Vĩnh Long) chia sẻ thêm: “Năm đầu về làm dâu, tôi chưa hiểu chuyện nên làm phật lòng nhà chồng. Ngày 30 tết tôi cứ một mực đòi chồng chở về đón giao thừa với cha mẹ ruột mà không biết rằng gia đình chồng có tục lệ là đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình phải tề tựu đông đủ chúc tết nhau, rồi muốn đi chơi đâu cũng được.

Tôi cũng không quan tâm nhiều đến việc mua sắm tết phụ với nhà chồng hay chọn vài món quà tết ưng ý cho mẹ chồng, mà chỉ lo háo hức sắm sửa cho vợ chồng mình và một ít quà cho cha mẹ ruột.

Tuy cha mẹ chồng không nói gì nhưng khi nghe chồng “nhỏ to tâm sự” thì tôi mới nhận ra mình đã không tạo sự hài hòa giữa hai bên. Rút kinh nghiệm, tết năm sau đó là tôi sửa đổi liền, ngày 29 tết là tôi đã lo chuẩn bị mọi thứ chưng mâm ngũ quả và mua bánh mứt, cả vài bộ đồ mới tặng ba mẹ chồng, tuy không giá trị lắm nhưng ba mẹ chồng rất vui và tôi thấy việc mình làm là đúng, thuận lòng mọi người.

Được đi chợ tết quê ngoại thật là thích.
Được đi chợ tết quê ngoại thật là thích.

Tết vui vầy cùng cha mẹ, anh chị em vốn là truyền thống lâu đời của người Việt Nam và nhà bên nào cũng muốn con cái được ăn tết cùng gia đình, do đó cần thiết phải bàn bạc, đưa ra một giải pháp chung nhất để tránh tranh cãi, giận hờn làm mất vui trong những ngày xuân.

Ngoài việc sắp xếp ăn tết ở đâu thì câu chuyện quà tết, lì xì tết cũng là vấn đề cần được chị em phụ nữ phải cân đo đong đếm các khoản thu nhập và chi tiêu của mình sao cho hợp lý, tránh vung tay quá trán. Điều này cũng rất cần sự khéo léo và tâm lý vì chỉ cần một chút “thiên vị” nhỏ đôi khi cũng vô tình tạo nên sự phiền giận trong gia đình.

Tùy theo hoàn cảnh từng gia đình mà có rất nhiều cách để ăn tết hợp tình hợp lý, vui vẻ đôi bên. Quan trọng nhất là sự đồng lòng yêu thương của cả vợ chồng và cha mẹ đôi bên để gia đình cùng ấm êm, sum họp.

Ngày tết là ngày đoàn viên, lưu giữ những hình ảnh đẹp.
Ngày tết là ngày đoàn viên, lưu giữ những hình ảnh đẹp.

Bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, phụ trách Ban Gia đình và Xã hội- chia sẻ: Một năm có mấy ngày tết, ai cũng muốn sum vầy bên gia đình “ruột” của mình là chuyện bình thường. Nhưng chính mong muốn bình thường đó lại nhiều khi trở thành mấu chốt bất hòa bởi vợ chồng không thống nhất được với nhau. Cho nên, cần bình tĩnh nhường nhịn, nghĩ một chút cho nhau thì tết sẽ đầm ấm yên vui cho cả hai bên nội ngoại.

Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, hôn nhân ngoài tình yêu còn là trách nhiệm, việc về nhà chồng hay nhà vợ ăn tết là trách nhiệm của cả hai bên chứ không riêng gì phụ nữ. Thế nên, vợ chồng nên chia đều khoảng thời gian nghỉ tết để vui vầy bên cha mẹ, người thân. Chuyện tết nội, tết ngoại nếu được vợ chồng đồng lòng, cảm thông; người chồng tâm lý, người vợ khéo léo thì mọi chuyện sẽ vô cùng tốt đẹp.

Bài, ảnh: LAM NGỌC