Năm 1949, Pháp tái chiếm Tam Bình, Ba Phố, huyện Trà Ôn bị cắt đôi. Cơ quan Liên Việt và Mặt trận Việt Minh thống nhất lại, lấy tên là Mặt trận Liên Việt. Ông chủ Bảy làm chủ nhiệm, kế đến là ông Danh. Anh Thái Văn Giáo vẫn là Phó Chủ nhiệm, tôi là Ủy viên Thơ ký.
Các tin liên quan |
(Phần tiếp theo kỳ trước)
Đồng chí Hồ Minh Mẫn- tác giả (ngồi) cùng người thân trong gia đình. Ảnh: TL |
Cơ quan Mặt trận dời về đóng ở Bến Đổi, nhà ông Cả Mun (chủ chùa Kỳ Son). Lúc đầu ăn uống không quen mùi vị, nấu canh phải nêm thính và mắm bò hoóc, nhưng vài ngày sau thành quen. Đi chùa phải lạy ông lục như dân Khmer nói. Sáng sớm, trời chưa tan sương là có tôi đón ở cổng chùa để mua nước thốt nốt. Nước thốt nốt lấy sớm uống thơm và ngọt thanh, mặt trời mọc là nó chua, uống không ngon. Ở Bến Đổi được 5 tháng thì cơ quan dời về nhà anh Tám Tấn- Xã đội trưởng xã Loan Tân, để gần Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện (đóng ở nhà ông Cả Nguồn- Bình Phú- Loan Tân) tiện việc chỉ đạo các xã Văn Thừa Tự (Ngãi Tứ), Đông Thành, Mỹ Hòa. Lúc này, tôi được bầu vào Chi ủy cơ quan và được dự lớp đào tạo Chi ủy viên do Tỉnh ủy tổ chức. Thời gian học là 1 tháng. Cuối năm 1949, Trường Đảng Trung cấp tỉnh thành lập lấy tên là Trường Lê Duẩn đào tạo huyện ủy viên và phó giám đốc các ty sở. Thời hạn học 1 năm. Tôi lại được chỉ định học lớp này. Hiệu trưởng là đồng chí Sáu Long, giảng viên gồm các anh Thường vụ Tỉnh ủy như: anh Hai Đáng, Lê Thế Tợi, Phạm Ngọc Hưng, Dương Cừ Tẩm, Lê Quốc Sản, Phạm Thái Bường. Lớp học chưa xong thì hay tin 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh nhập lại thành tỉnh Vĩnh Trà.
Trong một cuộc càn quét quy mô lớn gồm trên 1 Trung đoàn Lê Dương, 50 xe lội nước, phi pháo và máy bay oanh tạc, chúng thiêu rụi nhà cửa dân, bắn giết trâu bò. Nhà trường bị đốt hết, tối đến tôi lẻn về trường, khói than còn nghi ngút, xe lội nước còn đóng quân ngoài đồng, đèn rọi sáng choang. Chúng tôi bò khỏi vườn độ 200m, thấy xác người, coi lại là chị Tám thơ ký đánh máy của trường bị chúng bắn chết. Chúng tôi khiêng xác vào vườn, tắm rửa rồi bó xác đem chôn. Lần hồi về khuya, số anh em học viên và dân về càng đông, nhà cửa bị đốt sạch, những bồ lúa còn nghi ngút khói, heo gà bị chúng bắt cướp ăn và giết bỏ tứ tung.
Sau cuộc ruồng bố, trường vẫn cất lại chỗ cũ và lớp học tiếp tục học cho đến hết khóa.
Tin 2 tỉnh nhập lại được Tỉnh ủy thông báo, huyện Cái Ngang được thành lập gồm: Huyện Nhứt, phía trên sông Măng Thít của huyện Trà Ôn và Tam Bình, cánh trên QL16 (nay là QL1) gồm Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hạnh, Hòa Thạnh, Phú Quới.
Tỉnh ủy còn cho biết số cán bộ của các huyện trên được bố trí về huyện Cái Ngang. Tỉnh ủy còn cho biết, khi 3 huyện nhập lại, nội bộ các cơ quan nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Vì thế các đồng chí đi học về phải là hạt nhân đoàn kết, hàn gắn vết thương đang rạn nứt.
Sau một đêm thức suốt, văn nghệ vui nhộn, sau lễ bế mạc lớp học, mỗi người về đơn vị công tác trong niềm lưu luyến lúc chia tay.
Cơ quan tôi là Mặt trận Liên Việt huyện Cái Ngang đóng tại rạch Cái Bần, xã Mỹ Lộc. Bước vào cơ quan ngỡ ngàng quá. Một số anh em thuộc Trà Ôn báo cáo tình hình nội bộ, những khó khăn mà cơ quan gặp phải. Nắm bắt tình hình, tôi đến làm quen với hai anh khó nhất, nhưng hai anh trả lời qua loa rồi bỏ đi. Tôi kiên nhẫn làm như vậy nhiều lần, mà hai anh ấy vẫn làm ngơ. Lòng tự ái nổi dậy, tôi muốn mặc kệ họ, nhưng nhớ lời Tỉnh ủy nhắn nhủ, ở nhà trường, tôi vẫn tiếp tục thuyết phục. Gần 6 tháng tình hình mới yên lại.
Tôi được Huyện ủy chỉ định là Đảng Đoàn Mặt trận cùng anh Hai Nhứt (Nhứt Lộ) Ủy viên Thường vụ làm Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Với cương vị Ủy viên Thường vụ Chấp ủy, tôi đảm nhận trách nhiệm cùng anh Hai Nhứt làm cốt cho Mặt trận.
Năm 1950, lực lượng 3 thứ quân của ta phát triển mạnh, liên tục tấn công địch trên khắp chiến trường, giữ thế chủ động đánh địch.
Chiến dịch biên giới ta giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn mở toang cánh cửa với quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Pháp đưa tướng De Latte de Tassigni sang Đông Dương đánh mạnh vào quân chủ lực của ta, để giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Tháng 2/1951, Đại hội II của Đảng tách thành 3 Đảng: Việt Nam, Campuchia, Lào. Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, ra công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cả nước dấy lên phong trào “tất cả cho tiền tuyến- Tất cả để chiến thắng”.
Lúc này địch lấn chiếm vùng giải phóng, tung bọn Commando đánh vào vùng du kích của ta.
Ta tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, đưa các tiểu đoàn chủ lực về làm địa phương quân của huyện, rút cán bộ dân chính bổ sung cho quân sự, phát triển mạnh nhân dân du kích chiến tranh.
Tôi được quyết định điều động về làm Trưởng tổ Chánh trị Huyện đội Cái Ngang cùng 9 đồng chí phụ trách công tác chính trị Huyện đội.
Commando Ngã Tư Long Hồ do tên Đại úy Michaud (dân gọi là thằng Tây vượn) hoạt động ráo riết ở xã Long An, Phú Đức nên Chi bộ Long An bỏ xã chạy qua Ổ Mối Phú Đức ở. Xã Phú Đức chỉ còn ấp Thông Quan. Anh Trần Bá Bửu lúc đó là Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Cái Ngang nói với tôi: “Huyện ủy quyết định đưa đồng chí về Long An lãnh các nhiệm vụ: Bí thư xã, Chính trị viên xã đội, Xã đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc, Ủy viên quân sự Ủy ban Kháng chiến hành chính xã. Giao cho đồng chí 1 tiểu đội địa phương quân về làm du kích xã, quyết đưa chi bộ ly hương bám xã, bao vây Commando Ngã Tư, mở rộng vùng du kích của ta, tạo điều kiện thuận lợi cho Phước Hậu và Thị đội Vĩnh Long hoạt động”.
Tôi chấp hành nghiêm túc, bỏ ba lô và 1 thùng lựu đạn gài, lựu đạn thô sơ bằng lon xuống xuồng đi về Ổ Mối gặp Chi ủy xã Long An xin lãnh nhiệm vụ.
Tôi trình giấy giới thiệu và quyết định của Huyện ủy Cái Ngang cho đồng chí Thôn- Bí thư xã. Anh xoay qua, mặt anh buồn và nói: “Thôi đồng chí về đi, tôi sẽ mời Chi ủy họp và báo lại quyết định này”. Trong quyết định có nói với đồng chí Thôn- Bí thư nay làm Phó Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã, đồng chí Phát- Chủ tịch nay làm Phó Chủ tịch, sự xuống cấp này gây cho các đồng chí khó chịu. Mặt khác, các đồng chí thấy tôi còn nhỏ quá- mới 21 tuổi, không tin tôi có thể lãnh nổi nhiệm vụ đã giao. Thấy tình hình nặng nề quá, tôi trở về Huyện ủy bàn với anh Bửu- Bí thư Huyện ủy và anh Chỉ- Phó chính trị viên Huyện đội cho tôi lãnh phó bí thư thôi, còn các chức vụ Nhà nước và đoàn thể vẫn giữ như quyết định. Với trách nhiệm đó cũng đủ điều kiện quyết định các vấn đề quan trọng, bí thư nên giữ lại cho đồng chí Thôn (Bí thư cũ). Anh Bửu đồng ý. Sau khi sửa quyết định, Chi ủy thấy dễ chịu. Huyện đội tăng cường cho 1 tiểu đội địa phương quân cùng tôi về xã, chúng tôi họp lại giao nhiệm vụ, đồng chí Giáo- Xã đội trưởng, tôi làm Chính trị viên, đồng chí Ngươn cán bộ Huyện Đoàn Thanh niên được tăng cường về làm Xã đoàn phó. Chúng tôi xây dựng kế hoạch đánh Commando, chiếm giữ ấp An Hiệp rồi An Lương, bao vây Commando Ngã Tư, quyết tâm đưa chi bộ ly hương về xã.
Việc đầu tiên là phát động thanh niên vào du kích bí mật, tổ chức canh gác ban ngày, phối hợp công an đánh vào tai mắt địch, hành quân nghi binh ban đêm. Tôi bám cùng đồng chí Ngươn ăn ở ngày đêm ở ấp An Lương (sát địch). Ban ngày công tác, tối vác bó câu cắm, đi ngủ ở các chòi trâu ngoài đồng, khi thấy ám hiệu trong vườn êm thì mới đi vào. Có những bữa trời mưa tầm tã, chòi dột, muỗi ngoài mùng trâu bay như sáo thổi, mùi cứt trâu xông lên nồng nặc không sao ngủ được. Đi dưới có ruộng thì phải đi lẹ, kẻo đỉa đeo. Cực khổ kể sao cho xiết, nhưng an ủi lớn nhất là má Tư và con là anh Hai. Má già không làm gì nổi, anh Hai chỉ có vài công ruộng làm một mùa có bao nhiêu lúa, nên luôn thiếu ăn, thế mà phải nuôi tôi và Ngươn. Chúng tôi đưa sinh hoạt phí cho má mua thêm gạo, nhưng có là bao. Có bữa chúng tôi cắm câu đem về vài con cá lóc, má vét hết hũ gạo còn vài lon, nấu 4 mẹ con ăn, tôi biết mẹ nhín cho các con ăn. Có những đêm tiếng súng nổ vang là mẹ đốt đèn bên cửa sổ trông ngóng các con về.
Không bao giờ mẹ than trong nhà thiếu gạo và sẵn sàng có bao nhiêu nuôi anh em bấy nhiêu.
Chúng tôi tổ chức được 2 tiểu đội du kích tại nghiệp, phân bổ mỗi tiểu đội 5 lựu đạn thô sơ, chỉ cách sử dụng.
Lần đầu tiên, chúng càn từ Long Hiệp vào đụng du kích đỡ đầu, chúng tạt về An Lương đụng lựu đạn gài của du kích nổ tung nhiều trái, chúng bị thương sơ sài, nhưng chúng rất sợ không biết còn loại nào nguy hiểm hơn. Sau trận càn, ta rút kinh nghiệm, du kích rất phấn khởi. Ta bắt đầu trang bị lựu đạn và vài khẩu súng trường. Phong trào lớn mạnh qua nhiều cuộc chống càn và pháo kích đồn địch. Các cấp đội được hình thành, mỗi ấp 2- 3 tiểu đội du kích tại nghiệp, du kích xã phát triển 2 tiểu đội. Chúng tôi bao vây các bót trên lộ 7 và tổ chức canh gác gần Ngã Tư. Chi bộ quyết định về bám xã, ban đầu Ủy ban Kháng chiến hành chính về làm việc từ 9 giờ đến 16 giờ rút về Ổ Mối, sau gần 1 tháng, các cơ quan về đóng tại xã.
Cấp trên chủ trương nhập một số xã để tiện chỉ đạo. Phú Đức và Long An được lệnh nhập lại lấy tên là An Đức vào năm 1951. Tôi vẫn lãnh nhiệm vụ Phó Bí thư, Chính trị viên Xã đội. Cuối năm 1951, do yêu cầu chống Commando của tên Một Thi, tôi được điều về xã Mỹ Thạnh Trung với chức vụ Phó Bí thư chi bộ, Chính trị viên Xã đội, Ủy viên Quân sự, Ủy ban Kháng chiến hành chính. Huyện Đoàn cũng điều đồng chí Trần Xuân Đáng- Ủy viên Thường vụ Huyện Đoàn- về làm xã đoàn trưởng. Bí thư xã là anh Ba Cùi. Khác với ở Long An, anh Ba Cùi và Ủy ban niềm nở đón tôi về, xã chỉ còn vùng Lung Chuối là an toàn, còn ngọn Bằng Tăng, Cái Sơn, ông Sĩ chúng đột kích liên miên.
3 ngày sau khi tôi về, bọn chúng đột kích, bắn chết 3 đồng chí tại Đìa Thùng- Cái Sơn Lớn.
Nhìn 3 xác đồng chí chở về nghĩa trang xã, lòng tôi sục sôi uất hận. Sau khi an táng xong, tôi mời xã họp, nghe các anh báo cáo tỉ mỉ về âm mưu thủ đoạn, chiến thuật đột kích của bọn Commando đồn cầu Ông Đốc, do tên Thiếu úy Thanh (Một Thi) chỉ huy hết sức tàn bạo. Ai bị chúng bắt tình nghi có quan hệ với Việt Minh, thì khi điều tra xong chúng đem vào vườn ông Bộ Hên đập đầu.
Chúng được trang bị mạnh, gọn, toàn là bọn Việt gian có nợ máu với dân. Chúng đánh thọc sâu, đánh nhanh rút nhanh nhờ mạng lưới mật báo, gián điệp.
Với kinh nghiệm chống Commando Ngã Tư, tôi đề xuất “phải phát động quần chúng căm thù chúng, cùng với công an phá rã mạng lưới mật báo, gián điệp, bịt tai, móc mắt chúng, lấy du kích xã làm nòng cốt phối hợp du kích ấp, du kích mật hành quân nghi binh, đồng thời nắm chặt tình hình hoạt động của địch, đánh một vài trận trúng địch, làm chúng nghi ngờ đám mật báo, làm chúng co cụm lại, bố trí dày đặc lựu đạn gài quanh đồn nơi chúng thường hành quân, gây thiệt hại cho địch, phải đánh địch tại đồn chớ không chờ nó vô mà chống. Kết quả là ta đã hoạt động trên khắp địa bàn xã.
(Mời xem tiếp trên số báo tới)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin