Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

Cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược Việt Nam (tt)

Cập nhật, 10:39, Thứ Ba, 17/12/2019 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

Cuối tháng 4 đầu tháng 5/1946, ta nghe tin bộ đội Nam tiến do đồng chí Vũ Đức chỉ huy đã về rừng U Minh, sắp kéo quân về đánh Tây, giải phóng đất nước.

Lòng tôi cùng mọi người nô nức phấn khởi. Rồi tin vui các nơi dồn về, nào bộ đội ông Cống, Ngô Hồng Giỏi, anh Phước (Tây lai), anh Xuyến, anh Thông đánh ở chỗ này, chỗ nọ. Giữa tháng 5/1946, chi bộ được chỉ thị chuẩn bị diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở chánh quyền cách mạng.

Mở đầu là trận bắt bọn tề xã ở Thạnh Mỹ Hưng. Vào 9 giờ sáng, ta tổ chức một tàu đò chở Trung úy Pháp và 6 lính Partisan từ hướng chợ Trà Ôn qua ghé nhà việc xã gần bên đồn lính. Trung úy Pháp mời xã Do, hương quản, xã trưởng đến trình báo về sổ sách thu chi và danh sách mật báo viên trong xã. Nửa giờ sau, 3 tên đến đủ mặt. Sau báo cáo danh sách tề ấp và mật báo, Trung úy Pháp khen ngợi hội tề làng làm tốt và mời 3 tên xuống tàu sang Trà Ôn lãnh thưởng. Tàu vừa rời khỏi bến, không về Trà Ôn mà đi về cù lao Heo Phong Nẩm, 3 tên tề bị còng lại và Trung úy Pháp nói: “Tôi chỉ huy quân đội Việt Minh thi hành lệnh cấp trên bắt các anh về tội đã làm tay sai cho giặc” rồi chở đi xử tử hình.

Tin lành đồn xa. Bọn tề xã còn lại và tề ấp hoảng hồn mất vía. Lợi dụng cơ hội đó, Chi bộ tổ chức trấn áp và giải tán bọn tề và gián điệp còn lại. Các anh chị: Hồ Bình Định, Hồ Minh Thử, Võ Hoàng Tốt, Lý Công Ba cùng một số độ 7- 8 người, đẽo “bộp” dừa nước làm súng, mặt thoa lọ chảo để chúng không nhận ra, nói tiếng Bắc, giả làm bộ đội Bắc Bộ về diệt tề. Hồi đó tiếng vang về bộ đội Vũ Đức, hễ lính, tề nghe là sợ hú vía.

Tôi lo gác đường cho bộ đội “Bắc Bộ giả” này hành động. Anh em đến từng nhà của bọn tề kêu ra đọc tội và bắt làm tờ thú tội, cam kết không làm tay sai cho địch, tên Phó hương quản Lé từng tác oai tác quái với xóm làng, nay quỳ lạy xin tha mạng. Không đầy 10 ngày, bộ máy tề ngụy từ xã đến ấp đã tan rã, nhà việc vắng người, chỉ còn trơ trọi cái đồn lính Partisan gồm 6 tên đóng trong trường học gần nhà việc. Bọn này lập trạm ngay trên bến đò để xét ghe buôn qua lại làm tiền. Hàng ngày, chúng tập trung tại bến đò 4- 5 tên, vừa xét giấy lục soát ghe và chọc gái, còn 1- 2 tên trong đồn. Nắm được quy luật địch, bộ đội ta gồm 6 chiến sĩ do anh Lục Sĩ Thành chỉ huy, ém quân trong chiếc ghe buôn ghé trình giấy tờ. Tên lính đang coi giấy, các tên khác bu tán gẫu, chiến sĩ ta bất ngờ tuôn ra nhảy lên bờ nổ súng, một số tên chết, còn lại chạy tán loạn. Anh em lấy súng rồi vây đồn. Đồn chỉ còn một tên bắn ra. Anh Thành quỳ gối ở lỗ châu mai vách đồn bắn vào. Nào ngờ tên lính từ trong bắn ra ngang lỗ châu mai, trúng gối anh gãy chân. Anh em cõng anh rút lui, nhưng vì máu ra nhiều quá nên anh đã hy sinh.

Cảm phục lòng dũng cảm hy sinh của anh, Đảng bộ và nhân dân đặt tên xã Thạnh Mỹ Hưng thành xã Lục Sĩ Thành từ đó.

Tin thắng trận dồn dập các nơi làm nhân dân phấn khởi. Cơ sở các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc được thành lập ở xã. Tôi là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc xã và phụ trách thiếu niên nhi đồng, đoàn phát triển nhanh chóng đến các ấp trong xã.

Ngày 14/9/1946, Hiệp ước sơ bộ được ký kết tại Fontainebleau Pháp do Hồ Chủ tịch đại diện Chính phủ Việt Nam và Maurice Moutet đại diện Chính phủ Pháp, lệnh đình chiến của ta được truyền đi, bản thỏa hiệp án được phổ biến, tại xã chi bộ được sự chỉ đạo của trên, chớp lấy thời cơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác binh vận. Tề lính dao động hoang mang.

Ta phát triển tổ chức đoàn thể cứu quốc, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Hành chánh xã được thành lập.

Trên đưa anh Hà Văn Xiếu về Lục Sĩ Thành làm Bí thư xã, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh, anh Hồ Phát làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh.

Anh Ba Hóa- Phó Chủ nhiệm Việt Minh- được đi học lớp chính trị cơ sở ở tỉnh Cần Thơ về mở lớp đào tạo cán bộ xã gồm chương trình Việt Minh học 15 ngày, tôi được cử đi học lớp này. Lần đầu tiên tôi được chánh thức học lớp chính trị, chớ không phải dự thính như lớp chánh trị tháng 10/1945.

Giữa tháng 11/1946, Pháp phản bội Thỏa hiệp ước 14/9, đưa quân lấn chiếm khắp nơi. Bộ đội ta đã lớn mạnh, cướp súng địch trang bị cho Vệ quốc đoàn đủ mạnh, các chi đội được bố trí về các địa phương cũng đứng vững trên địa bàn và đánh địch khắp các tỉnh.

Khí thế phong trào đi lên, thanh niên tình nguyện đi bộ đội sôi nổi.

Xã cũng hình thành Dân quân du kích, trang bị 1 súng trường và 5 khẩu súng lửa 2 nòng (kỳ anh Lục Sĩ Thành đánh đồn thu được 5 khẩu súng, nên anh em cho địa phương 1 khẩu, do anh Võ Hoàng Tốt chỉ huy).

Anh thứ 2 của tôi là Hồ Hữu Mùi, làm Trưởng Ban Quản thủ xã, anh Tám Định là đảng viên làm Ủy viên Quân sự xã, còn tôi vẫn hoạt động thanh niên.

Ở Hà Nội, giặc Pháp khiêu khích tạo cớ đánh chiếm Hà Nội, Hải Phòng. Ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới, đòi chiếm Bộ Tài chánh, Bộ Giao thông công chánh, Bộ Công an, bắn vào trụ sở của Đội tự vệ, đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của ta.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả nước nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Các cơ quan cấp huyện được xây dựng và phát triển. Ủy ban hành chánh huyện có các cơ quan chuyên môn: quân sự, công an, ban tuyên truyền. Anh Lương Châu Trân được bố trí làm Trưởng Ban Tuyên truyền huyện Trà Ôn. Tôi được rút về Văn phòng Ban Truyền thông huyện.

Tôi cầm quyết định trình với Xã đoàn trưởng Hồ Minh Thử- con của chú Năm tôi. Thử nhìn tôi hơi ngạc nhiên rồi nói: “Anh đi thì kẹt cho Đoàn xã quá, vì chỉ có anh là có trình độ văn hóa khá hơn hết”. Tôi biện bạch một hồi và xin được đi, rốt cuộc Đoàn vẫn chấp thuận.

Tôi về thưa lại mọi việc, xin má cho đi. Má tôi không cho tôi đi vì sợ tôi còn nhỏ, bà bảo vài năm nữa con hãy đi. Tôi biết má tôi nói vậy chớ thật ra má tôi thương con không muốn tôi đi xa. Có lần ngồi nói chuyện với bạn “nếu mình thoát ly đi kháng chiến, mình sẽ xin đi vùng có núi đồi coi ra sao, chắc vui lắm”, má tôi vội la lên: “Đừng nói bậy, nói đi núi mà không đi là bị thần linh bắt con à”.

Sau này, mỗi lần tôi về thăm nhà, má khóc. Chị tôi kể: “Sau khi em đi, má ra mở cửa đình thần van vái thần linh phù hộ cho em. Mỗi buổi tối bà thắp hương bàn “ông thiên” van vái. Có lần máy bay khu trục ném bom ở Ngãi Tứ, chúng đảo qua tới Lục Sĩ Thành, má vái trời phật cho êm, tai qua nạn khỏi”.

Tuy má tôi không cho tôi đi, tôi năn nỉ má và hứa mỗi tháng sẽ về thăm má. Má tôi xiêu lòng “con đi 6 tháng thôi rồi về nghe con”. Để được đi, tôi hứa với má. Lần khăn gói ra đi này 8 tháng sau tôi mới về, vì sợ về bà bắt không cho đi.

Lúc đó bộ đội lấy súng địch trang bị mạnh cho ta, thắng địch nhiều nơi, càng đánh càng lớn mạnh. Vùng giải phóng được nới rộng. Cơ quan đóng công khai trong nhà dân. Dân coi anh em như người trong nhà.

Cơ quan tôi có 20 người, trong đó 15 người trong Đội Tuyên truyền lưu động. Tôi được phân công ở văn phòng, viết in bột, vẽ khẩu hiệu, ghi chép công văn đi đến, lại còn nấu cơm, làm cá, lặt rau- làm nhiệm vụ anh nuôi.

Có lúc tài liệu làm không kịp phải gác lại đi lo cơm cho anh em.

Bất cứ việc gì ban phân công tôi đều làm tốt. Phân đi đâu, tôi cũng đi tới nơi về tới chốn.

Giữa năm 1947, vùng giải phóng rộng. Địch rút đồn Tân An, Thầy Phó, Trà Ngoa, chợ Cũ, Ba Phố, Tam Bình, Cái Ngang. Vùng giải phóng liên hoàn. Ban đêm chợ nhóm, mỗi người thắp một cái đèn dầu, đi chợ đêm rất vui. Tiền thì dùng đồng bạc Đông Dương do Pháp phát hành có đóng con dấu Ủy ban Hành chính tỉnh. Giấy 50đ không có, nên cắt miếng giấy 100đ làm 2 mà xài, kể là 50đ.

Tỉnh Cần Thơ chủ trương bỏ Ban Thông tin huyện, lập Đội Tuyên truyền lưu động huyện, trực thuộc Ty Thông tin Cần Thơ. Tôi được điều về Văn phòng Huyện ủy Trà Ôn. Cơ quan Huyện ủy lấy tên nghi trang là: “Đại lý báo Thống Nhất Trà Ôn”. Báo “Thống Nhất” là cơ quan ngôn luận của Đảng. Sở dĩ có tên trên là vì năm 1946, để mở rộng mặt trận chống xâm lược, đoàn kết toàn dân, Đảng tuyên bố tự giải tán để địch không còn cớ xuyên tạc. Tuy bên ngoài tuyên bố vậy, nhưng Đảng bộ chẳng những vững mạnh hơn mà còn lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tham gia chống xâm lược tích cực hơn.

Lúc này, đồng chí Hồng Tâm vừa thay đồng chí Trần Phong (Của) làm Bí thư Huyện ủy. Tôi vẫn làm nhiệm vụ ấn loát tài liệu, in bột, bỏ in xu xoa vì mỗi lần in phải nấu lại tốn công, còn bột thì chỉ nhồi lại là được.

Công tác ở Văn phòng Huyện ủy được 5 tháng thì huyện Trà Ôn giao về tỉnh Vĩnh Long, nằm trong Quân khu 8 (trước thuộc Cần Thơ, nằm ở Quân khu 9).

Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam huyện Trà Ôn được thành lập, tập hợp tầng lớp trung gian, nhơn sĩ trí thức, tôn giáo, dân tộc, tư sản, địa chủ yêu nước tham gia kháng chiến. Ban chấp hành hội gọi là Chấp ủy hội. Hội trưởng là bác Tám Báu- một nhơn sĩ có uy tín ở chợ Cũ (Tân Mỹ). Phó hội trưởng là đồng chí Phan Văn Giáo- Phó Bí thư Huyện ủy- và tôi là Ủy viên Thơ ký, hoạt động song song với Mặt trận Việt Minh. Các ủy viên cấp ủy đa số là nhơn sĩ trí thức, đảng viên tuy ít nhưng được anh em rất tín nhiệm.

Cấp ủy hoạt động rất hiệu quả, sau này bổ sung ông Danh, ông Hương, chú Bảy ở Mỹ Hòa vào cấp ủy. Lúc ấy, tôi mới 19 tuổi nhưng mọi việc các bác, các chú rất coi trọng ý kiến của tôi.

Cơ quan Liên Việt đóng tại nhà chú Ba Trà tại chợ Cũ. Chú thím có 2 con, 1 trai (sau đi du kích hy sinh) và 1 gái (cô Ngân lúc đó độ 13 tuổi). Tết năm ấy, bộ đội về Tam Bình 4 tiểu đoàn để ăn tết, chợ Tam Bình lúc đó đã giải phóng. Buổi chiều hôm ấy, thím Ba bẻ một thúng trái vú sữa. Tôi hỏi: “Thím bẻ vú sữa làm chi mà nhiều dữ vậy”? Thím chậm rãi: “Bà con bầu tôi làm mẹ tướng sĩ chú ơi!” “Tôi bẻ cho các con bộ đội ăn, nó về đông lắm”. Tôi phát cười, thím nhìn tôi ngạc nhiên, tôi liền nói: “Mẹ chiến sĩ- Hội mẹ chiến sĩ, chớ không phải là mẹ tướng sĩ thím ơi”. Thím cười và nói: “Có biết đâu, lớn tuổi lỗ tai không thính nên bà con nói sao hay vậy thôi”.

Mấy hôm sau, hàng chục máy bay quần đảo, phóng pháo, ném bom quanh chợ Tam Bình, chúng tôi xuống hầm trú ẩn. Đoàn máy bay ném bom vừa đi khỏi, con “đầm già” còn quần đảo quan sát, bỗng nhiều tiếng thét vang từ hướng Tam Bình ra: “Máy bay rớt”, “Bộ đội bắn rớt máy bay rồi”. Tôi nhảy khỏi miệng hầm hướng về cùng đoàn người, già trẻ trai gái đi xem xác máy bay cháy. Thì ra anh Ngô Tùng Châu- Tiểu đội phó- dùng trung liên bắn rơi, dù chưa được lệnh của chỉ huy. 5 tên sĩ quan bị cháy rụi trong xác máy bay. Tối hôm đó, địch huy động 2 trung đoàn lê dương, hàng chục tàu chiến vào Tam Bình lấy xác nhưng ta đã đem đi nơi khác rồi.

Chợ Tam Bình, chợ Cái Ngang, chợ Trà Ngoa, đêm nào cũng nhóm chợ. Mỗi người bán hàng đều có một cái đèn dầu. Nếu có báo động máy bay thì tắt đèn, qua báo động, đèn sáng lên tiếp tục nhóm chợ. Tôi cùng anh em tranh thủ làm xong chuyện ban ngày để đêm đến rảo bước xem dân nhóm chợ.

Tháng 2/1948, cơ quan dời về nhà ông Viên- Ủy viên Quân sự xã, gần nhà dì Tư Nhẫn. Dì Tư có 2 con đi kháng chiến và thường giúp đỡ cơ quan. Đồng chí Hồng Tâm- Bí thư Huyện ủy- và đồng chí Thái Văn Giáo từ lâu giúp đỡ tôi rất nhiều. Hai anh đứng ra giới thiệu tôi vào Đảng. Lễ kết nạp bí mật tại nhà ông Viên. Kỷ niệm ngày ấy rất thiêng liêng. Từ nay, tôi chiến đấu dưới lá cờ đỏ búa liềm, bài Quốc tế ca tôi đã học từ năm 14 tuổi nay được cất lên. Tháng 8 năm ấy, tôi được công nhận đảng viên chính thức.

Có những buổi chiều, chúng tôi- vài thanh niên nam, vài nữ thanh, vai mang ba lô đi từ chợ Cũ qua lộ Thầy Cai Giỏi về Bến Đổi, Bình Phú công tác.

Nắng chiều nhợt nhạt trải trên cánh đồng lúa chín, gió xuân nhẹ thổi đưa hương lúa thơm ngát mùi lúa.

Cũng có những đêm trăng, đi công tác về mệt, rủ năm ba anh em kiếm rau thơm, muối ớt rồi kéo nhau ra đồng lúa đã gặt, tìm các hầm bắt năm bảy con cá lóc, đốt rơm nướng trui bên sân lúa. Da cá lóc nướng rơm, cạo bụi ăn với rau thơm thật tuyệt, no mà vẫn muốn ăn nữa. Hồi đó người ta nhận hầm, có đêm cá nhảy hầm nên ta tha hồ xin ăn.

Tới mùa sầu riêng, đi công tác ở xã Bình Ninh, Lục Sĩ Thành, thì không sao ăn cho xiết. Ghé mỗi nhà, các mẹ, các chị xẻ ăn một hột thôi thì cũng đã mệt.

Tình cảm của nhân dân với cán bộ, bộ đội thật là tha thiết gắn bó, vì thế bên cạnh cái cực khổ cũng có giờ phút sướng vui. Tình quân dân như cá với nước, nhờ thế nên cách mạng mới thành công, kháng chiến mới thắng lợi.

Năm 1948, Quân khu 8 mở lớp lục quân Trần Quốc Tuấn, đào tạo cán bộ Trung đội, sĩ quan Việt Nam. Được tin, tôi hết sức vui mừng, vì nguyện vọng tham gia chiến đấu có thể thực hiện. Tôi liền xin cơ quan cho tôi đăng ký đi học, nhưng các anh không cho vì lý do không người thế. Nài nỉ mãi đến năm bảy ngày sau, các anh mới cho đi. Cơ quan làm lễ tiễn đưa, tôi rất phấn khởi và khăn gói lên đường. Đi đến trạm giao liên quân khu thì hay tin lớp học đã đình lại không thời hạn. Tôi lủi thủi quay về, trở lại cơ quan với nỗi thất vọng và nuối tiếc. Anh em thấy tôi trở lại rất mừng và an ủi, khuyên tôi tiếp tục công tác, chờ dịp khác.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)