Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí hồ minh mẫn

Cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược Việt Nam

Cập nhật, 10:07, Thứ Bảy, 14/12/2019 (GMT+7)

 

(Phần tiếp theo kỳ trước)

Ngày 2/9/1945, tại Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ người dân nô lệ nay đã trở thành người dân nước độc lập, làm chủ đất nước, quyết lấy máu xương bảo vệ độc lập tự do của đất nước.

Gia đình tôi mừng vui không kể xiết, anh Tám Định của tôi là Ủy viên Quân sự xã, tôi là cán bộ xã đoàn Thanh niên cứu quốc tối ngày chỉ lo công tác.

Trong niềm vui chung của dân tộc, tôi hồi tưởng nhớ đến ba tôi đã mất đầu năm 1945, không được sống hưởng ngày vinh quang của đất nước.

Niềm vui chưa được bao lâu, thì ngày 23/9, Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh tái chiếm Sài Gòn, cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn Chợ Lớn cổ vũ các tỉnh ở Nam Bộ quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ của mình.

Ủy ban kháng chiến các cấp được thành lập, lực lượng vũ trang được củng cố và trang bị. Ở xã tôi, tự vệ được trang bị vài cây súng lửa, còn lại là mã tấu, dao găm, xà beng, tầm vông, ngày đêm luyện tập. Tôi được trang bị dao găm làm nhiệm vụ trinh sát cho xã.

Ngày 29/10/1945, 1 tàu chiến Pháp sau khi chiếm Vĩnh Long theo đường Tam Bình đổ bộ lên chợ Trà Ôn. Du kích chống trả ở sân banh Trà Ôn, một số đã hy sinh, gần 60 quần chúng bị giết tại sân banh.

Chúng tôi gồm 1 tiểu đội với 2 khẩu súng lửa bò ra cồn Mười Yến, phục dưới bờ bao nã súng vào tàu Pháp. Nghe súng nổ, địch quay tàu bắn đại bác 75 ly, các loại canon 37 ly, đạn nổ vang, đất văng tung tóe, chúng tôi ém đó mà chịu.

Sau mấy giờ đổ bộ lên chợ Trà Ôn, chúng xuống tàu kéo về đánh chiếm Cần Thơ. 7 ngày sau, chúng trở lại đổ bộ lên chợ Trà Ôn cướp lương thực thực phẩm rồi chạy về Cần Thơ. Chiếc xà lan chở lương thực mà tàu kéo về Cần Thơ bị đứt dây chìm. Chúng bỏ xà lan dưới đáy sông, ta cho thợ lặn mò lấy 1 súng trường, 1 súng tiểu liên. Anh em ta mừng vô kể, mời các anh có bị bắt đi lính tập của Pháp dạy bắn, với quyết tâm kỳ này bắn hạ tàu địch.

Cuối tháng 9, ta rước anh em tù chánh trị Côn Đảo về, trong số đó có tăng cường cho Huyện ủy Trà Ôn 2 đồng chí. Huyện ủy Trà Ôn mở các lớp huấn luyện các chi bộ để cài cắm lại hoạt động khi địch chiếm.

Tại xã Thạnh Mỹ Hưng (nay là Lục Sĩ Thành), đồng chí Hạnh (tù Côn Đảo về) mở lớp tại đình Hậu Thạnh (ấp Tân Thạnh) gồm tất cả đảng viên của chi bộ. Tôi lúc đó chưa phải là đảng viên cũng theo anh tôi (là đảng viên) đi dự, tôi không được là học viên chánh thức, nên ngồi gốc cột lắng nghe giảng và ghi chép tỉ mỉ.

Thời kỳ đó kiếm được một tờ giấy trắng là khó khăn lắm, nhưng tôi lượm nhặt từng mảnh cắt cho bằng nhau, đóng thành tập bìa cứng để ghi lại lời giảng trong lớp.

Ông thầy người Bắc nói khó nghe, nhưng tôi cố gắng nghe từng câu, từng chữ. Lần đầu tiên tôi nghe “lóm”, lớp học chính trị sao nó thiêng liêng với tôi, mãi đến bây giờ tôi còn nhớ “Lý thuyết cách mạng là gì? Là bó đuốc dẫn đường cho công tác cách mạng” vân vân và vân vân…

Pháp trở lại tái chiếm Trà Ôn, chúng mở những cuộc càn quét các xã chung quanh rồi trụ đóng quân ở Trà Ôn. Dân chúng tản cư, chạy bố. Chi bộ xã và chúng tôi vẫn ở tại xã. Tây vô thì tránh né, Tây rút thì lại về hoạt động. Cuối tháng 12/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên ở Việt Nam. Tỉnh Cần Thơ đưa ra 6 bầu lấy 5 đại biểu: Trần Ngọc Danh, Đỗ Văn Y, Nguyễn Đăng, Đặng Văn Quang, Phan Lương Báu, Trần Ngọc Quế.

Tất cả bộ máy tập trung cho công tác tuyên truyền và tổ chức bầu cử. Có nơi phải mang thùng phiếu luồn vào lòng địch để dân bỏ phiếu bầu.

Tôi lãnh đạo thiếu niên chia thành nhiều đoàn, băng cờ cổ vũ đi bỏ thăm.

Anh Tư Trân- Ban tuyên truyền xã- viết lời theo bản nhạc “Tiến lên đường máu”, nội dung bản nhạc:

“Kính ông bà đến, kính cha mẹ đi

Đi đến bỏ thăm, tìm người tài trong nước

Đồng bào đi mau, toàn thể đi bỏ thăm”

Chẳng mấy chốc tiếng nhạc vang lên, chẳng những ở thiếu nhi mà ở cả người lớn tuổi.

Ngày bỏ thăm đã đến, phòng phiếu trang hoàng rực rỡ. Mọi người già trẻ, gái trai nô nức đi bỏ thăm, lá phiếu đầu tiên của người công dân một nước độc lập nó thiêng liêng với mọi người.

Kết quả 5 ông đắc cử: Danh, Quang, Đăng, Y, Quế.

Lòng tôi vui vì thấy mình dù còn nhỏ nhưng cũng góp chút ít công sức vào việc bầu cử Quốc hội, góp phần xây dựng nền dân chủ non trẻ ở Đông Nam Châu Á.

Pháp sau khi chiếm Trà Ôn lần lượt đóng đồn, lập tề xã, thiết lập bộ máy cai trị. Lúc đó ta chủ trương tiêu thổ kháng chiến, các nhà tường ta nghi địch có thể đóng đồn là đập phá hết. Ở Thạnh Mỹ Hưng có 2 nhà lớn: nhà Hội đồng Qui ở ấp An Thạnh và nhà Ba Cương ở Phú My, bị phá chỉ còn gạch vụn. Bọn Pháp phải lấy trường học kế nhà việc xã làm đồn và trú ở đó 1 tiểu đội lính Việt gian.

Lính Patisan, bọn phó hương quản ấp rình rập số người tình nghi. Nếu bắt người có tài liệu, vũ khí là chúng bắn.

Tôi còn nhỏ nên chúng không chú ý lắm. Thường ngày tôi ra chòi rẫy giữa ruộng để làm rẫy, trưa móc tài liệu cách mạng được chôn trong hũ ở đống phân ra học từng câu từng chữ. Anh em trong chi bộ như Sáu Thử, Tám Định, Võ Hoàng Tốt, Lý Công Ba vẫn sống bán hợp pháp với địch.

Hiệp định sơ bộ 6/3 giữa ta và Pháp ký ở Đà Lạt quy định quân đội 2 bên đóng quân tại chỗ, không hành quân vào vùng Việt Minh. Về Nam Kỳ, phải do trưng cầu dân ý để quyết định Nam Kỳ tự trị hay nằm trong nước Việt Nam thống nhất gồm Nam Trung Bắc.

Trên giải thích: Hiệp ước sơ bộ 6/3 cho phép quân Pháp thay thế quân Tưởng Giới Thạch tước vũ khí quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra.

Ta biết thế nào Pháp cũng lật lọng, không thi hành hiệp định, nên ta tranh thủ thời gian củng cố lực lượng, đưa quân miền Bắc (Nam tiến) chi viện Nam Bộ kháng chiến.

Lợi dụng ngưng bắn, địch co cụm tại Trà Ôn, ta phát động quần chúng, tổ chức xây dựng cơ sở vùng địch kiểm soát. Các nơi treo băng cờ khẩu hiệu đòi Pháp thi hành Hiệp ước 6/3, không được hành quân cướp phá các vùng nông thôn cách mạng kiểm soát.

Tôi cùng một số anh em làm 1 bè chuối cặm cờ đỏ sao vàng và căng biểu ngữ thả gần chợ Trà Ôn đòi thi hành hiệp ước.

Địa phương cũng cử người quan hệ với bọn chỉ huy Pháp ở Trà Ôn để chúng án binh bất động, tiện cho ta xây dựng cơ sở.

Nhưng khi quân Pháp đổ bộ lên một số vị trí, trong đó có Hải Phòng, Hà Nội để thay quân Tưởng về nước, thì trong Nam, Nguyễn Văn Thinh- Thủ tướng bù nhìn của Nam Kỳ do Pháp dựng lên- thắt cổ tự vận. Quân Pháp phá Hiệp ước, hành quân càn quét bắt bớ bắn giết. Anh em ta cũng lẩn tránh khi chúng càn quét, khi bình yên mới trở về sống trong xóm ấp.

(* Do phân đoạn này rất dài nên Tòa soạn tạm chia làm nhiều phần đăng trên nhiều kỳ.)

(Mời xem phần tiếp theo trên số báo tới)