Thời niên thiếu

Cập nhật, 04:39, Thứ Bảy, 07/12/2019 (GMT+7)

LTS: Theo lời đồng chí Trương Quang Phú- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Hồ Minh Mẫn “là một người giàu chí khí, bất khuất trước kẻ thù”, “ông sinh ra là để hành động”, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Nay đồng chí Hồ Minh Mẫn đi xa, từ số báo này, Báo Vĩnh Long trân trọng trích đăng nguyên văn quyển Hồi ức “Người mang án tử hình” của đồng chí, thay nén nhang tiễn biệt!

Tôi sinh ngày 14/7/1929 - ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp thành công, và 1 năm sau (1930) là ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, những ngày ấy rất ấn tượng tốt đẹp đến cuộc đời hoạt động cách mạng khi tôi lớn lên.

Tôi là con thứ 9 trong 10 anh em do cha mẹ sinh tại xã Thạnh Mỹ Hưng (nay là Lục Sĩ Thành), huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long), trong gia đình bần nông.

Anh em đông, nhưng chỉ còn 7 người. Anh Hai: Hồ Hữu Mùi; chị Ba: Hồ Thị Lưu; anh Tư: Hồ Hữu Phương; chị Bảy: Hồ Thị Chữ; anh Tám: Hồ Bình Định; tôi: Hồ Minh Mẫn và em gái út Hồ Thị Sáng.

Vì nghèo và ảnh hưởng tới phong tục lạc hậu mà 3 chị em gái trong nhà không được đến trường đi học. Trong số anh em trai, tôi là người được học nhiều nhất.

Cha tôi là Hồ Văn Niếu, con thứ 3 của ông bà nội, mẹ tôi là Dương Thị Nhiễu ở xã Hậu Lộc, Tam Bình.

Gia đình tôi rất nghèo, không ruộng, phải lãnh 30 công ruộng giao của Bà Thầy, mỗi mùa phát, chế, trục, cấy, giặm xong giao chủ với giá 30 giạ lúa.

Nhà đông con, ba tôi phải đi hỏi bạc lúa nuôi cả nhà, sau các anh lớn học nghề, làm thợ mộc cất nhà, đăng mé ở các cồn, nên đời sống có đỡ hơn, nhưng năm nào vào tháng mười (âm lịch) cha tôi phải quảy nóp, vòng gặt xuống Ba Xuyên (Sóc Trăng) gặt lúa mướn khoảng 25- 27 tháng Chạp mới về nhà ăn tết.

Suốt mấy tháng ba tôi đi gặt thuê, ở nhà bữa cơm bữa cháo không đủ no. Năm nào gặt khá thì tết ba tôi mang về một thùng gạo lúa mới, 4 hoặc 5 đồng bạc Đông dương.

Má tôi nấu nồi cơm gạo mới ba tôi mang về nó thơm làm sao, và anh em tôi mới được bữa cơm no. Với số tiền 4-5 đồng má tôi mua vải tám (loại vải xấu nhất, may cho anh em tôi mỗi người một bộ đồ tết).

Tôi là con trai út trong gia đình, nên 8 tuổi ba tôi dẫn tôi đến trường làng học. Trường có 2 lớp: Lớp đồng ấu (cours enfantin) và lớp tư (Cours Preparatoire)- do thầy giáo Lầu vừa đốc học vừa giảng dạy.

Thầy Lầu dạy được 1 năm thì đổi thầy Côn thế. Tôi đã lên lớp tư và học giỏi, luôn đứng vào bảng danh dự nhất hoặc nhì lớp học (tableau d’honneur).

Vì thấy tôi hiếu học thầy Côn rất thương tôi, ngoài bài vở lớp tư, thầy còn cho bài vở lớp ba (Cours Élémentaire) đem về nhà làm. Tôi còn giúp thầy chấm bài tập cho học sinh cùng lớp.

Thấy tôi làm bài lớp 3 tốt, một hôm thầy đến nhà gặp ba tôi và nói “Chú ba, trò Mẫn học rất chăm và rất giỏi, bãi trường chú ráng kiếm tiền cho trò Mẫn học tiếng Pháp 2 tháng để nó thi vào Trường Primaire ở quận Trà Ôn, thi từ lớp tư lên lớp nhì một năm (Cours Monyen e1) bỏ qua 1 lớp ba.

Anh Ba Xương- con bác Tư Biếu, một địa chủ nhỏ, học đậu Thành Chung (Diplôme) về mở trường dạy tiếng Pháp, học phí mỗi tháng 3 đồng (bằng 11 giạ lúa).

Gạo không đủ ăn tiền đâu mà cho tôi học. Nhiều lần thầy Côn vào động viên ba tôi, đồng thời thầy nói anh Ba Xương cho học sau sẽ trả dần, thế là tôi được học 2 tháng tiếng Pháp.

Ngày thi đã tới, ba tôi dẫn tôi đến điểm thi ở chợ quận Trà Ôn. Lần đầu tiên tôi đến chợ quận, vào phòng thi bỡ ngỡ lo âu. Các thí sinh khác đã học xong lớp ba (Elémentaire) thi hẳn đậu. Còn tôi nhảy qua lớp ba (thi thẳng vào lớp nhì). Tuy vậy, tôi vẫn tin thầy tôi, tin nơi kiến thức của thầy dạy.

Sau khi thi xong 3 ngày, trường niêm yết thí sinh đậu 42/160, tôi đậu hạng 15, ba tôi mừng không kể xiết, ông dẫn tôi ra quán thưởng tôi một tô hủ tiếu. Đây là lần đầu tôi được ăn hủ tiếu ở quán.

Tôi được vào lớp nhì 1 năm (Monyen 1). 3 năm học ở Trường Primarie Trà Ôn là 3 năm gian khổ, như “Trần Minh khố chuối”.

Từ nhà tôi đến trường Trà Ôn phải qua con sông cái lớn, ngày học 2 buổi nên không thể trưa về nhà, phải tìm chỗ trọ.

4 giờ khuya, tôi thức dậy học bài rồi ăn cơm sớm, ôm cặp ra bờ sông đón xuồng đi chợ quá giang, có bữa không quá giang được anh tôi mượn xuồng đưa. Trưa thì mua nửa đồng xu khoai mì, nằm ngửa trên các cây súc đã xẻ hai (thợ cưa gọi là tả tài phô) học bài, nhai củ khoai đỡ đói.

Quái ác thay, thời kỳ đó Đức chiếm, Pháp lập chánh phủ bù nhìn Pétain. Ở Đông Dương, chúng tổ chức phong trào Ducoroy. 4 giờ chiều, tất cả học sinh Trường Primaire phải ra tập chạy nửa giờ. Lúc này bụng đói, nghe mùi chiên xào đồ ăn trong phố, bụng càng cồn cào hơn, tôi chạy không nổi, giả đau để nghỉ tập.

Hết giờ tập, tôi ôm cặp về tiệm cưa chú Thòn (nơi tôi nghỉ trưa- có người dượng tôi cưa ở đó) để chờ anh tôi bơi xuồng qua rước. Có bữa đói quá, tôi vào xin cơm dư của các chú thợ cưa ăn cho đỡ đói.

Có khi ba tôi kiếm được tiền, mướn nhà trọ cho tôi ở được 3 tháng (mỗi tháng 4,5 đồng).

Các tháng nghỉ hè, tôi đi làm mướn ở các ghe đăng mé ngày được 10 xu để mua sách và tập vở đi học. Có lúc phải đi cắt lúa mướn với chị tôi. Tuy khổ cực, tôi luôn cố gắng, nên 3 năm liền tôi lên 3 lớp.

Cuối lớp nhất (Supérieur), mọi học sinh chuẩn bị lên Cần Thơ thi, nhưng tôi thì tiền đâu để lo thi, dù có đậu cũng biết có tiền đâu để ở trọ ăn học.

Xoay xở mãi mà tính không ra lối thoát, tôi định bỏ thi, ở nhà tiếp cha mẹ lo cuộc sống. Nhìn bạn đi thi, đi học tiếp mà lòng buồn vô kể.

Kế nhà tôi, cách một con xẻo nhỏ, là nhà của cậu Tư Tân, là nơi lập hãng xà bông cục tập hợp một số người trong xóm và một số lạ mặt từ xa tới. Tôi tò mò xem họ làm gì, thỉnh thoảng họ gọi nhau là đồng chí.

Anh Thuần- con cậu Tư Tân, cùng các anh Ngô Công Kiều, Lương Châu Trân tổ chức anh tôi Hồ Bình Định, em con chú tôi Hồ Minh Thử, Võ Hoàng Tốt, con cô tôi: Lý Công Ba, Lý Thị Xéo vào tổ chức cách mạng. Ở ấp kế bên còn có anh Ba Xồi, chị Sảnh.

Những người ở xa đến có: anh Hai Bình (con ông Hương thân Nhuận ở xã Mỹ Lộc, Tam Bình), chị Ba Kiêm, chị Tư Ngân, chị Oanh, chị Bảy và Sáu Một là em anh Hai Bình.

Nhóm ở Trà Ôn qua đó có anh Sáu Son và một số nữa tôi không biết.

Năm 1936-1939, gần nhà tôi có Hội Khuyến học cất trụ sở, và vạn cuốc khoai lang do chú Ba Rớt nông dân ở Rạch Nứa làm vạn trưởng, là tổ chức biến tướng của Đảng lúc đó.

Lúc tôi còn học lớp nhì, anh Tư Thuần biết tôi học địa lý thế giới, nên anh kêu tôi chỉ bản đồ các nước tham gia đồng minh chống phát xít.

Lần đầu tiên anh giải thích phe đồng minh có Liên Xô là nước Xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nào là chánh quyền công nông, nào là vô sản chuyên chính, nào là vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. Nếu đồng minh thắng phát xít thì nước ta có cơ hội giành lại quyền độc lập, xóa nhục mất nước.

Rồi từ đó, tuần nào rảnh gặp anh Thuần hoặc anh Bảy Kiều để nghe giải thích về Cách mạng.

Tôi còn nhớ, gần xóm tôi có nhà bà thầy, không biết bà từ Huế vào ở đây bao giờ, mà ba tôi thuật lại ông thầy dạy chữ cho dân trong xóm.

Cô Hai Tú (chị của ông Trần Đại Minh) có người con lớn là anh Thế Thao đi hoạt động cách mạng nơi nào không biết, chị thứ 5 làm lễ hôn nhân đời sống mới với anh Tĩnh hoạt động ở Sóc Trăng.

Phá bỏ tập tục trong gia đình nho giáo, để làm lễ thành hôn đời sống mới, có ca hát tân nhạc, hồi đó là những bài ca Cộng sản làm xôn xao dư luận. Đa số rất hoan nghênh.

Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình, Cái Ngang. Ở Trà Ôn không có khởi nghĩa, nhưng một số có thân nhân ở Tam Bình, nên có về tham gia rồi bị bắt sau khởi nghĩa thất bại.

Số anh em lộ mặt tại địa phương lánh mặt. Anh Ngô Công Kiều bị địch bắt, sau được thả ra vì đánh đập nên đã chết. Anh Hai Bình tham gia khởi nghĩa Cái Ngang cùng cha bị địch bắt đày đi Côn Đảo, rồi chết ở Côn Đảo.

Phong trào cách mạng tại xã tạm lắng. Số anh em chưa bị lộ nằm chờ thời cơ.

Từ 1944-1945, tôi vừa làm rẫy đất của xã Chim, và gia đình sắm được ghe đăng mé, tôi cùng anh Tám và anh Tư đăng mé sống qua ngày. Có lúc anh em chúng tôi cùng xóm xuống Mương Điều (ở xã Tích Thiện) bao cồn làm rẫy dưa leo.

Tôi cùng anh Tư, anh Tám làm 20 công dưa leo và 25 hộ dân khác cất chòi quanh bờ bao, sống và làm việc có tổ chức rất kỷ luật. Mỗi chòi có 1 cái mõ tre và 1 cái leng. Khi nước bể bờ bao thì mõ tre đánh lên, tất cả người ở các chòi chạy đến đắp bờ đã bể để bảo vệ dưa.

Dưa có trái, các hộ bầu anh Tám làm đầu nậu, liên hệ với lái ghe từ Cần Đước (Long An) đến mua. Anh Tám Định ngã giá với lái xong rồi phân bổ số lượng cho các hộ hái dưa.

Ngày hái dưa của cồn Mương Điều là ngày hội rộn rịp vui tươi của anh em làm rẫy dưa. Ghe Cần Đước mua dưa dồn dập, tới lui dưới sông, trên bờ kẻ hái trái, người gánh gom, đếm dưa cho lái, người bán thức ăn bánh trái tấp nập.

Từ năm 1941, phát xít Nhật đặt chân lên toàn cõi Đông Dương, chúng gom lúa gạo nuôi quân Nhật và làm chất đốt chạy máy đèn. Dân ta lại bị một cổ hai tròng, đời sống quá cơ cực, miền Bắc bị chết đói 2 triệu người, trong Nam thì bữa cháo bữa rau cầm cự qua ngày.

Hàng ngày từng đoàn tàu kéo (Convoir) mấy chục ghe chài đầy ắp lúa gạo mà chúng vơ vét ở miền Tây đưa về Sài Gòn. Có lần một chiếc ghe gạo trong đoàn bị đứt dây chìm tại kênh Xáng Xéo ngang cù lao Heo. Chúng trục lên không được bỏ chìm luôn 7 ngày.

Dân kéo ra lặn lấy gạo. Anh Tám Định và anh Tư tôi đem lên được một bao. Gạo đã thúi, má tôi đãi bớt gạo hư rồi nấu cháo ăn qua ngày.

Về mặc, thì nhiều người trai hay gái phải mặc bằng bố tời. Ai khá lắm mới sắm được một bộ đồ cụt bằng vải ta Ba Tri.

Những năm ấy rận chấy khắp đầu tóc, quần áo, bắt không xiết phải trụng nước sôi hoặc để lên bộ ván ngựa lấy chai cà lên nghe rốp rốp.

Riêng nhà tôi, má tôi bẻ mấy cần xé trái cóc quá giang ghe buôn lên cầu Ông Lãnh Sài Gòn bán, mua được mỗi người 1 bộ đồ cũ đã mạng lại mặc tạm.

Thuốc men không có, nhiều bệnh ngặt nghèo xuất hiện. Cả huyện Trà Ôn chỉ có 1 nhà thương (trạm xá), chỉ có 1 y tá làm trưởng, không thuốc, không thầy, người dân bệnh sống chết phó thác cho trời.

Chị Ba tôi, có chồng 7 con, qua một cơn trái rạ chết 5 đứa con trai, còn chị bị bệnh lói tức, cứ nói là bệnh tà, rước thầy pháp trị rồi chị cũng chết.

Anh Bửu, anh thứ 9 của tôi bị bệnh sốt trên nửa tháng, cứ sốt là nói sảng, má tôi rước thầy pháp, ba tôi không chịu, nhưng phải nhượng bộ má tôi vì không có cách nào khác, và anh tôi chết trong bố trận của thầy pháp.

Bệnh hoạn tràn lan, dịch tả từ An Giang lây lan các tỉnh cuối nguồn nước. Trong ấp Tân Thanh, trong vòng 1 tháng chết trên 20 người. Dân hoang mang, nhắm mắt vái trời. Bè tống gió đuổi ma tà thả trôi tấp khắp sông. Nhà nhà treo nhánh xương rồng và gáo dừa sơn vôi trắng để đuổi ma quỷ không cho ghé nhà quậy phá.

Trong cảnh nghèo đói, ba tôi bị bệnh tả, vì không tiền không thuốc mà chết.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, lập chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim với thuyết Đại Đông Á.

Năm 1943, các anh trong chi bộ lai rai tập hợp lại, móc nối với các anh còn hợp pháp: Hồ Bình Định, Hồ Minh Thử, Võ Hoàng Tốt, Nguyễn Văn Nhân tổ chức hội biến tướng: hội cuốc khoai của chú Ba Rớt, hội khuyến học tại cầu Chữ Y, bao cồn Mương Điều làm rẫy dưa leo…

Tuy tôi mới 15-16 tuổi, nhưng thấy rất vui vì ấp mình ở có vẻ vui, sống hòa hợp, tương trợ nhau hơn ấp kế cận. Ngày tết, cả xóm nhà nhà làm cột nêu treo đèn bánh ú (đèn dầu), cứ 5m 1 cột, dài theo đường đi trông rất vui, đẹp mắt hoặc thi nhau vấn và đốt pháo tre (nói là pháo tre chớ thật ra vấn pháo bằng cọng dây lùng nước).

Đến tháng 6/1945, anh Tư Thuần, anh Tư Trân, anh Ba Xồi đưa Hồ Phát móc nối với quận Trà Ôn lập Thanh niên Tiền phong. Anh Tư Thuần đưa số hợp pháp: Định, Thử, Tốt, Nhân và tôi vào Thanh niên Tiền phong, tôi lo Thiếu niên Tiền phong.

Tổ chức Thanh niên Tiền phong phát triển nhanh chóng. Hầu hết số người 16-30 đều vào Thanh niên Tiền phong, mỗi người 1 khúc tầm vông và 1m dây luộc, hình thành từng tiểu đội, trung đội tập đi quân hàng và võ thuật tại sân đình Hậu Thanh (ấp Tân Thạnh).

Ngày 14/8, Nhật đầu hàng đồng minh, sau khi bị 2 trái bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagasaki và nhất là khi 2 triệu quân Nhật bị Hồng quân Liên Xô đánh tan ở Mãn Châu.

Khí thế cách mạng của quần chúng lên cao. Ngày ngày thanh niên, thiếu niên quê tôi rầm rập bước chân một… hai, một… hai, miệng hát vang bài ca “Lên đàng”, bài “Thanh niên Hành khúc”, “Sinh viên Hành khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Đêm đêm dưới trăng tôi tập hợp thiếu niên sinh hoạt hát những bài “Bóng cờ lau”, “Bạch Đằng Giang”, “Hội nghị Diên Hồng”, khơi lại lòng kiêu hãnh dân tộc từng chiến thắng quân xâm lược phương Bắc.

Ngày 19/8, Hà Nội giành chính quyền, các tỉnh lần lượt nổi dậy, các tỉnh Nam Bộ ráo riết chuẩn bị.

Quân Nhật án binh bất động, Ngụy quân ngụy quyền hoang mang rệu rã, ngày 23/8, tất cả chi bộ lãnh đạo quần chúng kéo về tập hợp quanh chợ quận Trà Ôn.

Tôi được phân công viết biểu ngữ (banderol) chuẩn bị cho cuộc tuần hành giành chính quyền ngày 25/8 ở quận, còn các anh khác đi tước vũ khí các tên địa chủ, tay sai gian ác. Lực lượng từ các xã tập kết ở chùa gần nhà máy rượu trên 4.000 người.

Nhưng ngày 25 là ngày tỉnh Vĩnh Long và Tam Bình giành chính quyền, nên tạm đình lại ngày 26, chợ Tam Bình kéo 2.000 người tăng cường giúp Trà Ôn khởi nghĩa.

Suốt đêm ấy tôi không sao ngủ được, cứ trông mau sáng để cùng đoàn biểu tình kéo vào chiếm dinh tên quận trưởng.

7 giờ sáng, đoàn biểu tình tập hợp trên 4.000 người, các băng biểu ngữ căng lên với những khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh muôn năm”, “Tân Chánh phủ phải trao trả quyền cho nhân dân”, “Đả đảo bọn địa chủ cường hào ác bá”. Cờ đỏ sao vàng cũng được bố trí người cầm đi đoạn đầu.

Đoàn biểu tình của quận Tam Bình đến và nhập vào nối nhau từ nhà máy rượu đến nhà việc Thiện Mỹ. Trung đội tự vệ đi đầu do anh Tư Thuần chỉ huy.

Dòng người tràn về hướng dinh quận trưởng. Trong đồn có 2 tiểu đội lính mã tà ngoan cố không chịu nạp vũ khí, song, trước khí thế như vũ bão của đông đảo quần chúng nhân dân, tên quận trưởng phải ra lệnh đầu hàng. Ta lấy súng địch trang bị lại ta và kéo về nhà việc Thiện Mỹ làm mít tinh.

Chánh quyền quận Trà Ôn thành lập. Ngày hôm sau, chánh quyền Thạnh Mỹ Hưng xã được thành lập, cùng với Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Tôi là cán bộ Thanh niên cứu quốc xã phụ trách thiếu nhi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra có 15 ngày, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong toàn quốc.

Ngày 2/9/1945, tại Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Từ người dân nô lệ nay đã trở thành người dân nước độc lập, làm chủ đất nước, quyết lấy máu xương bảo vệ độc lập tự do của đất nước.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)