Khúc tráng ca Xuân Mậu Thân 1968

Cập nhật, 08:01, Thứ Ba, 02/02/2016 (GMT+7)
Nhà bia tưởng niệm 35 liệt sĩ hy sinh trong sân bay Vĩnh Long. Ảnh: Đặng Văn
Nhà bia tưởng niệm 35 liệt sĩ hy sinh trong sân bay Vĩnh Long. Ảnh: Đặng Văn

Dù lịch sử đã sang trang, đất nước bước vào thời hội nhập nhưng vết thương chiến tranh vẫn còn đọng mãi với thời gian! Và ở đâu đó trên khắp các nẻo đường đất nước, từ rừng sâu cho đến hải đảo xa xôi, hài cốt của một số chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc đến nay vẫn chưa tìm thấy được! Đây là một sự đau xót to lớn cho cả dân tộc.

Gần 40 năm đất nước hòa bình, các đồng đội, người thân của các anh vẫn ngày đêm gắng công tìm kiếm, chỉ mong quy tập được hài cốt các anh về nghĩa trang liệt sĩ, cho các anh được yên nghỉ thanh thản trong tình yêu thương của người thân, đồng đội, đồng bào!

Trong những tháng ngày này, tôi đã vô cùng xúc động khi được nghe kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đại đội Đặc công và Đại đội 203 Tiểu đoàn 857 trong trận Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 ở sân bay Vĩnh Long. Trận chiến như một bản anh hùng ca đầy tự hào của người dân nơi đây!

*

* *

Đúng 7 giờ sáng 29 Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Bảy Ca (Dương Văn Ca)- Đại đội trưởng Đại đội Đặc công tỉnh Vĩnh Long lúc bấy giờ nhận được lệnh chuẩn bị Tổng tấn công. Được lệnh, đồng chí như ngồi trên chảo lửa.

Mấy hôm trước, đồng chí đã cho một số anh em trong Đại đội về quê ăn tết, bây giờ tập hợp anh em lại, thời gian chỉ có một ngày không biết họ có về kịp không? Nhưng cả đại đội đã mong đợi trận đánh này lâu lắm rồi, nhất định không thể vắng mặt một người nào.

Đồng chí Bảy Ca quyết tâm phải tập hợp cho được anh em. Cuộc triệu tập khẩn cấp được ban ra: Anh em bằng đủ mọi cách nội trong ngày phải tập kết về căn cứ đóng tại xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành). Tội nghiệp các đồng chí ở xa vừa nghe tin đã vội vã lên đường. Mặc cho không khí ngày xuân đã lan tỏa khắp nơi.

Trong những ngày này, tuy giáp tết nhưng máy bay địch vẫn quần đảo liên tục, dưới đất quân tuần tra chặn khắp các ngả đường. Các đồng chí phải vất vả tìm đường tắt, an toàn mà đi.

Lúc thì đi bộ, có lúc phải lội dưới mương, máy bay địch đến thì ngụy trang cành, lá trên đầu, có đồng chí chèo chống không ngưng nghỉ chỉ mong về kịp giờ. Đến 1 giờ trưa, hầu như tất cả đã có mặt đầy đủ tại căn cứ.

Sau khi anh em đã ổn định tinh thần và sức khỏe, đồng chí Chính ủy Tỉnh đội Trịnh Văn Long (Bảy Hoàng) tổ chức một buổi nói chuyện ngắn gọn nhằm động viên tư tưởng cho anh em: Tất cả các chiến sĩ phải biết đây là một trận đánh lớn “trận đánh sinh tử”, có thể một đi không trở lại. Hy sinh bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự của mỗi chiến sĩ. Vì vậy khẩu lệnh trận đánh là: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đến 6 giờ chiều, Đại đội Đặc công hành quân đến xã Tân Hạnh tập kết tại vườn nhà cô Thu Hương- một cơ sở mật của ta. Tất cả chiến sĩ Đại đội Đặc công có nhiệm vụ mở đường, phối hợp với Tiểu đoàn 857 đánh tiêu diệt tất cả các phương tiện chiến đấu của địch, không cho máy bay địch cất cánh, thọc sâu vào đầu não của địch. Nhiệm vụ quả là gian nan và nguy hiểm đối với toàn đại đội.

Trước giờ lên đường, các chiến sĩ đều mang cùng một tâm trạng: quyết chiến- quyết tử. Trong lòng mỗi người, ai cũng nghĩ một đi không trở lại. Những ánh mắt nhìn nhau như muốn lưu giữ mãi giây phút quyết tử này.

Những chiến sĩ của ta mang trong lòng khí thế tiến công cũng như lòng yêu nước hừng hực trong huyết quản, bất chấp nguy hiểm, khó khăn. Với tuổi 20 đầy sức sống, quyết đánh một trận tiêu diệt hết bọn cướp nước và bè lũ tay sai giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Trước giờ phút hiểm nguy nhưng tràn ngập niềm tin quyết thắng, mọi người vui vẻ đề nghị Đại đội trưởng cho uống chút rượu xem như mừng chiến thắng (có thể các đồng chí linh tính trong trận chiến thập tử nhất sinh này sẽ có người không về được để mừng ngày thống nhất nên muốn cùng được uống rượu mừng với nhau trước giờ phút thiêng liêng này!) nhưng đồng chí Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo quản lý Tiểu đoàn 857- đơn vị phối hợp trực tiếp với đại đội đặc công chỉ đồng ý cho uống một xị, vì sợ ảnh hưởng đến giờ ra trận.

Đồng chí Mười Quẹo hứa: “Khi nào chiến thắng trở về, sẽ đãi anh em một lít rượu đế và một cây thuốc Rubi”. Lời hứa như một sự ước hẹn, cầu mong tất cả anh em sẽ bình an trở về gặp nhau cùng uống rượu mừng và cùng hát khúc khải hoàn!

Tất cả xuồng ghe, quần áo các chiến sĩ Đại đội Đặc công đều để lại, chỉ mặc độc một chiếc quần đùi. Một số đồng chí còn thoa bùn đen lên khắp người để tránh ánh đèn pha của địch.

Thậm chí còn đội nón ép sát đầu, loại nón không vành được nhuộm đen bằng bột than cạo ra từ pin đèn hỏng, toàn thân từ trên xuống dưới phải đen đặc để ngụy trang hòa với bóng đêm, để địch không phát hiện được.

Đúng 9 giờ, Đại đội Đặc công và Đại đội 203 của Tiểu đoàn 857 bắt đầu hành quân vào sân bay. Muốn vào được bên trong sân bay thật không phải chuyện dễ. Đèn pha địch quét liên tục, khoảng nửa tiếng thì có lính đi tuần.

Các chiến sĩ đặc công phải ém quân thật kỹ. Vào ra được tính toán chính xác từng giây để không bị địch phát hiện. Các chiến sĩ đặc công vừa phải dò mìn, vừa phải cắt các vòng rào bao quanh sân bay. Có cả thảy 28 vòng rào. 27 vòng ngoài được bọn chúng thiết kế theo kiểu mái nhà.

Giống như hình Kim tự tháp, từ trên đỉnh đổ xuống 2 bên là 2 lớp rào, chính giữa thêm một lớp, tính ra một vòng rào có cả thảy 3 lớp. 27 vòng là 81 lớp rào! Còn vòng cuối cùng chỉ có một lớp. Tổng cộng ta phải cắt 82 lớp rào. Các chiến sĩ đặc công đã được huấn luyện thành thạo, các anh tiến hành dùng kềm cắt từng lớp, từng lớp một.

Cắt ngang rồi cắt dọc xuống, chỗ cắt vừa đủ cho một người chui vào. Cắt xong các anh dùng móc nối lại, ngụy trang như cũ, sau đó làm dấu, chờ khi quân ta tiến vào mới giở lên, nhằm tránh bị địch sớm phát hiện.

Đến 12 giờ, Đại đội Đặc công cùng với Tiểu đoàn 857 đã chiếm lĩnh tất cả các nơi trọng yếu trong sân bay. Chỉ chờ giờ G là tấn công. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho hướng tấn công sân bay Vĩnh Long được phát lệnh tấn công đầu tiên, sau đó các hướng khác sẽ đồng loạt tiến công.

Cây kim cứ nhích dần, nhích dần trong sự hồi hộp, chờ đợi của mọi người, đơn vị phải chờ các hướng khác tiếp cận mục tiêu. 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết Mậu Thân. Giờ G đã đến. Pháo lệnh nổ vang.

Các chiến sĩ dùng bộc phá đánh mở đường vào sân bay. Tất cả tiến công như vũ bão. Quân ta như từ trên trời rơi xuống. Địch trở tay không kịp. Trong sân bay, Tiểu đoàn bộ binh ngụy bị đánh tơi tả.

Mặc dù trận chiến diễn ra không cân sức. Một đánh ba nhưng quân ta vẫn làm chủ tình hình. Phá hủy 63 máy bay và trực thăng tại chỗ, ngăn không cho chúng kịp cất cánh. Ở đường băng thứ 2, trận chiến diễn ra thật ác liệt. Nhà xe, máy móc, nhiên vật liệu đều tập trung ở đây.

Quân ta tiêu diệt nhanh, gọn kho đạn dược, đốt cháy kho xăng của địch. Trận đánh thật thần tốc. Bọn địch chống trả quyết liệt. Chúng gọi viện binh liên tục. Hỏa châu bắn lên đầy trời. Cả sân bay rực sáng như ban ngày.

Pháo sáng trên không, thủ pháo bên dưới nổ ầm ầm, một trận chiến long trời lở đất. Nhờ pháo sáng và viện binh chi viện, bọn địch từ từ ổn định và bắt đầu kiểm soát lại trận địa, tình hình biến chuyển, lúc này xem như mỗi chiến sĩ phải chống trả với 10 tên địch.

Lúc bấy giờ trời đã bắt đầu hừng sáng, tình thế xem ra khá bất lợi cho quân ta. Để bảo toàn lực lượng, Bộ Chỉ huy ra lệnh rút quân. Quân ta vừa đánh trả vừa rút về căn cứ đóng ở xã Tân Hạnh.

Kết thúc trận đánh, địch thiệt hại nặng nề. Hơn 100 tên Mỹ, ngụy và 63 trực thăng, máy bay cùng máy móc, nhà xe, kho xăng, đạn dược của địch bị tiêu diệt. Nhưng tổn thất của quân ta cũng không nhỏ: 43 chiến sĩ đã hy sinh! Đau đớn hơn là 35 chiến sĩ vẫn còn bỏ xác lại trận địa! Hơn phân nửa là các chiến sĩ của Đại đội Đặc công tỉnh, còn lại là chiến sĩ Đại đội 203 thuộc Tiểu đoàn 857!

Tuy cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 không đem lại thành công tuyệt đối như mong đợi của toàn dân nhưng đã tạo nên tiếng vang lớn trên chính trường quốc tế lúc bấy giờ. Buộc đế quốc Mỹ phải nhượng bộ ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.

Trận Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá của quân và dân ta, trận đánh được xem như một cuộc Tổng diễn tập góp phần đưa đến Đại thắng mùa Xuân 1975.

GAN THỊ PHƯƠNG ÁNH

Ghi chép theo lời kể của Đại tá Dương Văn Ca (Bảy Ca)