Rút bảo hiểm một lần, khó đảm bảo an sinh xã hội

07:06, 07/06/2023

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-TB-XH Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, rút BHXH một lần và những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-TB-XH Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, rút BHXH một lần và những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH thời gian qua, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp nào để thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH và tuyên bố phá sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Ngoài ra, do dịch COVID-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút BHXH một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội, đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu ra những giải pháp để khắc phục vấn đề này.

Trả lời nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng BHXH đến năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, chiếm 2,69%. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia BHXH bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.

Hiện số người bị ảnh hưởng do chậm đóng đều được kết nối để giải quyết chính sách theo đúng quy định. Về giải pháp, bộ trưởng cho rằng cần sửa luật, quy định hành vi để xử phạt nghiêm minh. Thời gian tới các cơ quan sẽ tăng cường kiểm tra và xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Về lâu dài, bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật BHXH, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này.

Về việc rút BHXH một lần, bộ trưởng cho biết, trước năm 2019, số rút BHXH bình quân một năm khoảng 500.000, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900.000. Nếu tình trạng rút BHXH một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, bộ trưởng cho biết là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút BHXH một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút BHXH một lần ở mức cao…

Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, việc dừng rút BHXH một lần là vấn đề khó khăn nhưng có quy định về điều kiện, trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào, trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét quyết định. Hiện ngành chức năng chuẩn bị hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

AN NHIÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh