Ngày 23/5, trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022.
Ngày 23/5, trong Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022.
Theo báo cáo, thời gian qua công tác THTK, CLP được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.
Trong năm 2022, tổng số tiết kiệm kinh phí: tiết kiệm chi thường xuyên; tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách như: Bộ Quốc phòng 2.556 tỷ đồng, Bộ Công an 1.896 tỷ đồng, Bộ Tài chính 328 tỷ đồng, Hà Nội 5.868 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 1.855 tỷ đồng, Bình Dương 338 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo đánh giá việc THTK, CLP vẫn còn nhiền hạn chế cần khắc phục. Điển hình là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai như: giao đất, cho thuê đất đối với dự án không phù hợp quy hoạch sử dụng đất; tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Song song đó, việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia còn chậm, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức chưa đúng quy định; còn lãng phí trong quản lý, sử dụng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính…
Để THTK, CLP thời gian tới đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về THTK, CLP của Chính phủ năm 2023. Theo đó, giải pháp ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; khắc phục tình trạng giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia…
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, phân cấp, phân công, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chương trình THTK, CLP; xử lý nghiêm cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về THTK, CLP. Đồng thời, công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ, ngành, địa phương có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về THTK, CLP. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin