Ngành chăn nuôi kêu cứu!

Cập nhật, 05:42, Thứ Năm, 18/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, nhưng người chăn nuôi trong nước đang chịu nỗi đau khi bán gà vịt dưới giá thành. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi đang trước khả năng phá sản, tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài…

Đỉnh điểm của những khó khăn nêu trên khi mới đây Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Kiến nghị chỉ rõ, khó khăn xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu khiến ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Theo VIPA suốt từ năm 2022 đến nay, người chăn nuôi phải bán gà thịt dưới giá thành, chịu lỗ 6.000-8.000 đ/kg, gà công nghiệp lông trắng lỗ 5.000-6.000 đ/kg.

Không chỉ chăn nuôi nông hộ mà ngay cả doanh nghiệp FDI cũng thua lỗ. Đây là điều báo động với ngành chăn nuôi gia cầm.

Mặt khác, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Đây là nguyên nhân gia tăng nguy cơ dịch bệnh với ngành gia cầm trong nước. Rất nhiều phụ phẩm như: chân, đầu, cổ, cánh… đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng có giá rất rẻ được nhập khẩu với khối lượng rất lớn.

Điều này, không những khiến sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trong khi đó, để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp trong nước phải chịu rất nhiều rào cản từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế.

Có thực trạng tồn tại là lâu nay chúng ta vẫn mải mê tăng sản lượng khiến cung vượt cầu, giá bán thấp, vì vậy cần phải xem xét nâng cao giá trị, sản phẩm gia tăng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua. Đồng thời, rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất.

Về lâu dài, VIPA kiến nghị, xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm; cần chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm.

N. HOÀNG