Sớm có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

06:11, 09/11/2022

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, vấn đề "khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, vấn đề “khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Theo đó, đại biểu chất vấn “Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với toàn bộ máy nhà nước”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế, hành lang pháp lý để làm sao khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung, trong khi hệ thống thể chế của chúng ta có những mặt chưa được đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột lẫn nhau. Hệ thống thể chế chưa thật sự đảm bảo đầy đủ các yếu tố cho cán bộ làm. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đang tập trung xây dựng một nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung cũng như cơ chế bảo vệ để cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.

Theo ý kiến đại biểu, thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo, song đó luôn là những việc mới và khó, lại chưa có tiền lệ. Thế nên, khi khai phá “mở đường và triển khai thực hiện” có lúc hái được quả ngọt và cũng có khi kết quả đạt được không như mong muốn. Hơn nữa, thời gian qua, khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì có xu hướng co lại, không dám nghĩ, không dám đột phá, sáng tạo ở một vài địa phương, cơ quan, đơn vị.

Do vậy, sự ra đời của Kết luận số 14 thực sự là một đột phá, một cứu cánh để cán bộ phát huy sức sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn. Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Do đó, đại biểu đề nghị nên sớm có cơ chế này để chủ trương trên của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh