Lãng phí sẽ làm nghèo đất nước

Cập nhật, 05:20, Thứ Tư, 02/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, đại biểu đánh giá công tác này đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập.

Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, có nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn. Điều này có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra việc hàng ngàn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 10.542 dự án chậm tiến độ, trong đó hầu hết là các dự án quan trọng quốc gia.

Đặc biệt, có hàng ngàn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với ban đầu.

Ngoài ra, có 3.085 dự án có thất thoát, lãng phí; trong số đó có 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 và 9 tháng của năm 2023 làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu có liên quan và các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án có thất thoát, lãng phí…

Tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng, những thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra “chỉ là phần nổi của tảng băng”.

Và đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, một quy luật của sự phát triển là khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ… trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra nó, mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy, phương thức vận hành bộ máy.

Và sự thất thoát, lãng phí này đã, đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, thực thi công vụ… làm thất thoát, lãng phí và suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị, để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng lại ở việc xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản phải cải tổ bộ máy, phương thức vận hành của bộ máy ấy.

AN NHIÊN