Cần sớm giải bài toán xăng dầu

Cập nhật, 06:00, Thứ Năm, 03/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Thị trường xăng dầu gần 2 tháng nay hầu như không lúc nào hết nóng, bởi những lý do: nguồn cung gián đoạn, nhiều cửa hàng hết xăng, dầu để bán cho người dân…

Những ngày qua, tình hình treo biển “hết xăng” tiếp tục tái diễn tại nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.

Có trường hợp treo biển “hết xăng”, nhưng cũng có trường hợp không treo biển nhưng khi khách ghé đổ xăng thì nhân viên bán hàng xua tay báo hết xăng! Xăng dầu được giao về nhỏ giọt, cung cấp không đều nên thường xuyên không đủ xăng để bán… là những nguyên nhân được lý giải.

Xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế. Còn thực tế tại ĐBSCL, việc thiếu xăng dầu có thể gây thiệt hại rất lớn cho nông dân trong bối cảnh đang trong cao điểm mùa mưa lũ và bước vào vụ thu hoạch lúa Thu Đông cũng như nhiều địa phương chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân.

Ðặc biệt, các vườn trồng cây ăn trái, rau màu xa nguồn điện, khi bị ngập nước quá mức, cần phải sử dụng máy bơm nước để tiêu thoát nước, nếu không có xăng dầu để vận hành máy kịp thời thì rất khó tránh thiệt hại.

Vì sao việc thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, miền Tây mà không xảy ra trên phạm vi cả nước?

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân đầu tiên là do những khu vực này trước đó có lượng xăng dầu “trôi nổi” đáng kể, kể cả xăng dầu lậu, giả.

Khi có lượng xăng trôi nổi như vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu cũng như việc đăng ký mua của ai một cách ổn định. Đến khi siết chặt xăng dầu giả, xăng lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống thì giá biến động liên tục, chiết khấu thấp.

Về giải pháp, Bộ Công Thương cho hay, đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, để bình ổn thị trường, thời gian tới sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, phân phối, kinh doanh xăng dầu nếu không thực hiện nhập khẩu, dự trữ mặt hàng này theo đúng quy định. Đây được xem là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo lưu thông, sản xuất và ổn định đời sống người dân.

N. HOÀNG