Khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy

Cập nhật, 07:33, Thứ Sáu, 11/11/2022 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Cụ thể, về đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa, quyết định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích là được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có điều kiện phát triển, đầu tư các loại hình giao thông khác vào quy hoạch của địa phương, để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách này phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 12 Luật Đầu tư công năm 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư.

Đây được xem là chủ trương góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cả nước, đặc biệt với ĐBSCL. Với 700km bờ biển và hệ thống kênh, rạch chằng chịt dài hơn 28.000km, vùng ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện giao thông thủy. Đây là loại hình vận chuyển hàng hóa tải trọng lớn, giá rẻ, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên giao thông đường thủy ở ĐBSCL chưa được khai thác hết tiềm năng, nên chưa “chia lửa” được giao thông đường bộ - vốn đã quá tải trầm trọng.

Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch và độc đạo cho các phương tiện đường thủy vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đi TP Hồ Chí Minh, miền Đông và ngược lại với khoảng cách gần hơn nhiều so với việc di chuyển bằng đường biển. Tuy kênh Chợ Gạo có lòng hẹp, lúc nước ròng, sà lan chở container trọng tải 2.000 tấn rất khó di chuyển nhưng sà lan 1.100 tấn vẫn lưu thông bình thường.

Nhiều năm qua kinh tế thủy của vùng châu thổ này chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều con sông, kênh lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên ưu đãi.

YÊN HƯƠNG