ĐBSCL được mệnh danh là "rốn cát" với số lượng mỏ cát lớn. Tuy nhiên, nhiều dự án xây dựng tại ĐBSCL lại đang rơi vào tình cảnh thiếu cát nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công.
ĐBSCL được mệnh danh là “rốn cát” với số lượng mỏ cát lớn. Tuy nhiên, nhiều dự án xây dựng tại ĐBSCL lại đang rơi vào tình cảnh thiếu cát nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công. Điều này được nhiều ban quản lý công trình/dự án giao thông trọng điểm nêu ra trong báo cáo định kỳ về tiến độ xây dựng và giải ngân; đồng thời cho rằng đây là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ thực hiện.
Khan hiếm dẫn đến tình trạng giá cát “nhảy múa”. Một doanh nghiệp cung ứng cát cho biết, giá mỗi mét khối cát san lấp theo giá bán lẻ có thời điểm được giao đến công trình là trên 400.000đ. Mặc dù giá cao, nhưng nhiều đơn vị thi công dự án đang phải đau đầu về việc loay hoay tìm nguồn cung.
Theo Bộ GT - VT, trong giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án cao tốc như: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… khoảng 39 triệu m3. Chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai. Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3.
Hiện nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3. Trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém (hạt mịn) lẫn nhiều tạp chất (hàm lượng bùn sét lớn hơn quy định), không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.
Giải quyết khó khăn này, nhiều địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông tự nhiên như hiện nay.
Bộ GT - VT cũng đã có văn bản yêu cầu nhiều tỉnh, thành ĐBSCL điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng. Đề nghị các địa phương cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin