"Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước"
(VLO) “Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước”, ông Đỗ Văn Chiến- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Hà Nội ngày 10/8.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả, bền vững, cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ.
Vì vậy, cần xác định đây là cơ hội rất quý để đất nước đánh giá lại thực trạng những vấn đề mang tính tổng thể một cách thực chất, nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra những định hướng mới cho đất nước, tạo động lực tăng trưởng mới.
PGS.TS. Trần Đình Thiên- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, báo cáo minh họa cho dự thảo quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, cần nối kết động thái này với việc phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành- vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của vùng Đông Nam Bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp. “Đây thực sự là vấn đề rất lớn, nên có thêm những đánh giá, nhận xét sâu, khái quát”- PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin