Điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất: Đảm bảo thống nhất và đúng nguyên tắc

Cập nhật, 13:31, Thứ Năm, 16/03/2023 (GMT+7)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong cả nước và đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận cao từ việc sửa đổi luật này. Cùng với cả nước, cán bộ, nông dân trong tỉnh đã bày tỏ nhiều ý kiến thẳng thắn và trách nhiệm nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét quyết định.

Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Qua nghiên cứu Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 và Nghị quyết 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi đề xuất cấp có thẩm quyền, khi thực hiện việc “mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền SDĐ trồng lúa” cần bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng được quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và SDĐ, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong đó có nội dung “Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Tạo điều kiện thuận lợi để người SDĐ nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả SDĐ nông nghiệp theo quy hoạch” và cần có giải pháp tránh tình trạng lợi dụng chính sách để thu gom đất nông nghiệp, để đầu cơ trục lợi, SDĐ nông nghiệp không đúng mục đích, gây lãng phí đất đai.

Tại Điều 166, mục 1 quy định: Thời hạn giao đất, công nhận quyền SDĐ nông nghiệp đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Điều 170 của luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được tiếp tục SDĐ theo thời hạn quy định tại khoản này mà không phải làm thủ tục gia hạn, trừ trường hợp Nhà nước đã đưa diện tích đất hết hạn sử dụng vào kế hoạch SDĐ hoặc có quyết định thu hồi đất.

Tôi đề nghị giữ nguyên theo Luật Đất đai 2013. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang SDĐ nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển nhượng quyền SDĐ khi hết thời hạn SDĐ thì cần thực hiện thủ tục gia hạn SDĐ trước khi thực hiện các quyền của người SDĐ để đảm bảo thống nhất và đúng nguyên tắc về điều kiện thực hiện quyền của người SDĐ đã được quy định là “trong thời hạn SDĐ”.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền- Trưởng Ban Kinh tế- Xã hội (Hội Nông dân tỉnh)

Tại Điều 85 của dự thảo luật quy định về việc lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm:

(1) hình thức lấy ý kiến (họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi); (2) trách nhiệm lấy ý kiến và tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; (3) thời gian, đối tượng, nội dung lấy ý kiến.

Tôi đề xuất cần có thời gian cụ thể sau bao nhiêu ngày để người dân được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ổn định cuộc sống. Đề nghị thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, đảm bảo khi thu hồi đất bố trí nơi khác cho người dân phải tốt hơn nơi ở cũ…

Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Ông Nguyễn Trí Nghiệp (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ)

Trong quy hoạch sử dụng đất đai để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Nhà nước cần có quy định về mở đường sao cho thẳng, tránh xây đường quanh co, gấp khúc, gây mất an toàn khi tham gia giao thông và không đảm bảo mỹ quan. Không những vậy, khi du khách ở phương xa đến sẽ có những đánh giá về cách quản lý của chính quyền địa phương và công tác vận động quần chúng.

Bên cạnh, Nhà nước cần quy định cụ thể về nơi chôn cất người mất, tránh chôn cặp mé lộ vì với xu hướng phát triển trong tương lai, đường sá sẽ tiếp tục được mở rộng, mà mở lộ thì phải di dời mồ mả, sẽ gây phiền toái cho thân nhân gia đình người mất và cả chính quyền địa phương.

Ngoài ra, cần có sự tính toán, xem xét lại trong việc thu hồi đất đầu tư xây dựng giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có những hộ không chấp thuận hiến đất, thì dường như đi vào “bế tắc” do không vận động được. Tôi nghĩ khi vận động hiến đất, nếu dân không đồng tình thì Nhà nước thực hiện quyền quản lý của mình trong việc thu hồi đất theo quy định của luật pháp để không kéo dài, gây khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Đồng thời, Nhà nước cần xem xét và quy định lại quyền sở hữu đối với các vùng bị sạt lở. Trong trường hợp Nhà nước giải quyết bố trí hay không bố trí đất cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở canh tác, sinh sống, thì khoảng không gian, phần đất, phần mặt nước còn lại của vùng đất bị sạt lở sẽ thuộc quyền sở hữu, quản lý của ai. Chẳng hạn vùng đất ở ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh) có hàng trăm công đất bị sạt lở thì tương lai vùng đất, vùng mặt nước đó sẽ do Nhà nước quản lý hay giao cho dân, nên có quy định cụ thể trong luật.

XUÂN TƯƠI (thực hiện)