Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

05:03, 09/03/2023

Thời điểm này, nước mặn xâm nhập đến nhiều địa phương trong tỉnh với nồng độ cao. Để bảo vệ sản xuất, những ngày qua, chính quyền các địa phương, ngành chuyên môn và người dân đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Nhiều công trình cống đập được xây dựng để ngăn mặn.
Nhiều công trình cống đập được xây dựng để ngăn mặn.

(VLO) Thời điểm này, nước mặn xâm nhập đến nhiều địa phương trong tỉnh với nồng độ cao. Để bảo vệ sản xuất, những ngày qua, chính quyền các địa phương, ngành chuyên môn và người dân đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Không chủ quan

Là địa phương đang có nồng độ nước mặn xâm nhiễm cao nhất tại huyện Mang Thít, nhiều người dân tại xã Chánh An cho hay, nhờ địa phương đóng cống từ trước nên đến hiện tại chưa ghi nhận ảnh hưởng thiệt hại đến cây trồng.

Nhưng để đảm bảo an toàn cho sản xuất, trong mấy ngày qua, nhiều gia đình cũng đã chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất.

Cô Bùi Thị Sen (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho hay: “Gia đình tôi đã di dời đường ống lấy nguồn nước tưới từ ngoài kênh công cộng vào hệ thống mương vườn đã dự trữ nước ngọt từ trước.

Mặc dù đã chủ động như vậy nhưng tôi cũng không chủ quan mỗi lần tưới nước cho vườn sầu riêng. Nước mặn lên theo triều cường nên trước khi tưới là phải đo, bởi xâm nhập mặn theo thông báo tăng cao.

Lượng nước này tưới trong vòng chừng 10-15 ngày. Khi nào độ mặn hạ xuống mức cho phép thì trữ nước tiếp”.

Theo ngành chức năng, trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, độ mặn lên cao trong những ngày qua, tuy đã có giảm nhưng có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, để người dân nắm chính xác thông tin về tình hình xâm nhập mặn, chủ động ứng phó, các địa phương huyện Mang Thít thông tin trên hệ thống SMS và tin nhắn Zalo 2-3 lần/ngày.

Ông Đặng Trương Hoài Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An (huyện Mang Thít) cho biết: Địa phương đã cho 2 xe lưu động thông tin rộng rãi đến người dân về tình hình xâm nhập mặn.

Khuyến cáo người dân chủ động hơn nữa trong các biện pháp bảo vệ vườn cây ăn trái. Tới thời điểm hiện tại trên địa bàn xã cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng.

Tại Vũng Liêm, những ngày qua, độ mặn cũng tăng cao, có nơi lên đến 6,4‰. Tuy nhiên nhờ chủ động ứng phó, nên việc sinh hoạt và sản xuất của người dân vẫn đang ổn định.

Song, không chủ quan, ngành chức năng và các địa phương đang tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó.

Chị Trần Thúy Trang- chủ quán ăn TT Vũng Liêm cho hay: “Những năm trước khi mặn đến phải mua nước thùng để dự trữ còn năm nay nhờ đóng cống, nên nấu nướng có thể dùng nước bình thường, không cần dùng nước thùng nhiều”.

Ngoài các hộ dân tại TT Vũng Liêm, các xã Trung Thành, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây cũng được đảm bảo trong khi nước mặn ngoài sông nồng độ rất cao.

Nguyên nhân là nhờ hệ thống cống, đập trên địa bàn huyện được hoàn thiện, việc ngăn mặn được đảm bảo. Cũng như tại cống Vũng Liêm, phía bên ngoài độ mặn khoảng 5‰, nhưng ở bên trong thì độ mặn chưa đến 0,5‰.

Với hồ trữ nước ngọt dung tích đến 30.000m3, Trạm Cấp nước Vũng Liêm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ở TT Vũng Liêm và các xã lân cận trong một thời gian nhất định.

Mặt khác, nhờ cống Vũng Liêm đã phát huy hiệu quả tốt nên nguồn nước sinh hoạt ở TT Vũng Liêm và các xã lân cận chưa bị ảnh hưởng.

Tiếp tục ứng phó

Địa phương đo độ mặn mỗi ngày để thông báo cho người dân.
Địa phương đo độ mặn mỗi ngày để thông báo cho người dân.

Theo ngành chức năng, dù có kinh nghiệm ứng phó sau nhiều năm nước mặn xâm nhập đến địa bàn, tuy nhiên người dân, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn huyện Mang Thít không chủ quan.

Trước thực trạng nước mặn có xu hướng tiếp tục duy trì trong những ngày tới, huyện Mang Thít cũng tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết: Với độ mặn tăng cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng trong nông nghiệp, biện pháp đầu tiên là đóng các nắp quạt để ngăn chặn nước mặn xâm nhập.

Người dân đều nắm được tình hình mặn, mỗi hộ dân, cơ sở đều có giải pháp ứng phó để hạn chế tối đa ảnh hưởng. Hiện nay huyện cũng đang triển khai 7 công trình, khẩn trương thực hiện trữ nước để phục vụ cho người dân.

Tại Vũng Liêm, ngoài việc đảm bảo cung cấp nước sạch, điều lo lắng nhất khi nước mặn xâm nhập với nồng độ cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng chuyên canh cây ăn trái ở cù lao xã Thanh Bình, Quới Thiện.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, dự báo, thông tin kịp thời về nồng độ mặn, nông dân đã có ý thức cao, cộng với nhiều công trình cống đập phát huy hiệu quả tốt nên cho đến nay trên địa bàn huyện Vũng Liêm, nhiều diện tích cây ăn trái đặc biệt là vườn chuyên canh sầu riêng, rất mẫn cảm với mặn vẫn an toàn.

Để ứng phó với xâm nhập mặn, ông Dương Ái Đạo- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm khuyến cáo: Đối với sầu riêng đang mang trái, người dân canh tác theo hướng hạn chế tối đa ảnh hưởng của mặn bằng cách lãi bỏ bớt những cành mang trái nhiều.

Cung cấp đủ nước, sử dụng các chất dinh dưỡng để cây chống chịu với giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn này. Chuẩn bị cho xuống giống Hè Thu 2023, theo hiện trạng mặn như hiện nay thì phòng đã làm việc với một số xã dự kiến xuống giống trong 20-25/2 âl trước phải dời lại lịch sạ lúa Hè Thu lại chậm hơn”.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh