Đông Thạnh: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng thu nhập

Cập nhật, 12:13, Thứ Tư, 08/03/2023 (GMT+7)
Xã Đông Thạnh đang tiếp tục vận động xây dựng khu dân cư, hộ gia đình sáng, xanh, sạch, đẹp, làm cho bộ mặt nông thôn của xã luôn đổi mới.
Xã Đông Thạnh đang tiếp tục vận động xây dựng khu dân cư, hộ gia đình sáng, xanh, sạch, đẹp, làm cho bộ mặt nông thôn của xã luôn đổi mới.

(VLO) Là xã đầu tiên của TX Bình Minh đạt chuẩn NTM (năm 2014), xã Đông Thạnh đã không ngừng nỗ lực giữ vững và nâng chất các tiêu chí qua từng giai đoạn.

Đến cuối năm 2022, xã về đích NTM nâng cao. Phát huy những thành quả đã đạt được, xã tiếp tục “tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giới thiệu và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân” theo như chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh.

Chuyển đổi cây trồng, có tiền xài lai rai

Thông qua vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Hoàng Quắn- ấp Thạnh Hòa đã chuyển từ đất ruộng lên vườn trồng chanh không hạt vì “cho hiệu quả cao hơn trồng lúa”. Với 3.500m2 đất, ông trồng 220 gốc chanh không hạt.

Ông cho biết, sau khi trồng khoảng 1,5-2 năm thì cứ 20 ngày là cho thu hoạch, mỗi đợt bẻ 200-400kg, giá bán thấp nhất là 5.000 đ/kg, cao nhất 20.000 đ/kg, đảm bảo cho nông dân có lời. Nhờ vậy mà “có tiền xài lai rai hoài”.

Với 1.157,8ha đất nông nghiệp, chiếm gần 82,6% diện tích đất tự nhiên, xã Đông Thạnh đã vận động người dân thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phối hợp triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng xen cây ăn trái với cây màu, khuyến khích đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Đến nay, xã đã phát triển các mô hình: nuôi dê, lươn giống, nuôi vịt lấy trứng kết hợp làm phân hữu cơ vi sinh dạng nước; trồng vú sữa, mai vàng, mít siêu sớm, chanh không hạt, trồng dưa leo theo hướng GAP, trồng dưa lưới trong nhà màng…

Trong đó, sản phẩm dưa lưới Thạnh An đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 64,03 triệu đồng. Tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1,93%.

Theo ông Trần Thanh Tựu- Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, để giúp người dân tăng thu nhập, xã đã thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm sạch và an toàn.

Đồng thời, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng sản xuất nhằm đáp ứng tốt hơn cho thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

“Thời gian qua, xã đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững trên cả 3 mặt kinh tế- xã hội- môi trường, sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế về thị trường để tập trung hỗ trợ, vận động, khuyến khích nông dân thực hiện”- ông Trần Thanh Tựu cho hay.

Nông thôn thêm đổi mới

Để góp phần nâng chất tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM nâng cao, ông Quắn đã hiến khoảng 80m2 đất để cùng Nhà nước xây đường liên ấp Thạnh Hòa- Thạnh Lý.

Ông kể: Trước đây, người dân địa phương đi đường cặp mé sông chỉ rộng hơn 1m, bị xuống cấp, rất khó đi. Người dân rất mong mỏi có con đường đi lại cho dễ dàng.

Chính vì vậy, “khi chính quyền vận động hiến phần đất phía sau nhà tôi để xây đường, tôi và bà con nơi đây rất hoan nghênh, gật đầu đồng ý hiến ngay”- ông Quắn nói.

Nhờ vậy, tuyến đường nhựa với bề ngang 3m, dài khoảng 3,5km đã được đầu tư trong niềm phấn khởi của người dân vì việc đi tới đi lui thuận tiện, vận chuyển hàng hóa dễ dàng và bán hàng nông sản được giá hơn. Ông Quắn còn cho biết thêm, nhờ đường sá thông thương mà đất ở quê càng có giá hơn.

Trước đây, 1.000m2 đất giá khoảng 100 triệu đồng, nhưng giờ một nền nhà bề ngang 5m, dài 24-25m giá 700- 800 triệu đồng mà người ta còn chưa chịu bán.

“Từ khi Nhà nước xây dựng NTM rồi NTM nâng cao, tôi thấy xã mình có nhiều thay đổi, nhất là đường sá thông thương, người dân đã không còn di chuyển bằng xuồng ghe như trước nữa mà đi lại bằng xe gắn máy, xe 4 bánh.

Sau khi xây đường, thì ấp nào cũng có đèn điện thắp sáng chạy dọc theo các con lộ, nên việc lưu thông về ban đêm đã dễ dàng và an toàn hơn.

Bên cạnh, điện nước sạch được kéo về tận nông thôn; trường học được xây dựng đẹp, khang trang; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia”- ông Quắn nói và bày tỏ mong muốn: “Xã mình sẽ giữ vững là xã NTM nâng cao và tiếp tục phát triển hơn nữa để lên xã NTM kiểu mẫu”.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Chủ tịch UBND TX Bình Minh lưu ý, xã cần tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí. Bên cạnh, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.

Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng và hỗ trợ, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của người dân là một trong những yếu tố quyết định cho thành công trong mọi vấn đề xây dựng NTM.

Đồng thời, xã cần tiếp tục định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường, để ngày càng nâng cao thu nhập người dân.

Ông Trần Thanh Tựu- Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh: Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập; tăng cường huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các tiêu chí về hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; đồng thời tăng cường truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường nông thôn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI