Việc lấy đất ruộng vùng gò cao trong mùa khô sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân được dự luận quan tâm trong thời gian gần đây bởi tác hại và lợi ích đan xen. Xung quanh vấn đề xin có ý kiến trao đổi để rộng đường dư luận.
Khai thác đất mặt ruộng ở Vĩnh Long. |
(VLO) Việc lấy đất ruộng vùng gò cao trong mùa khô sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân được dự luận quan tâm trong thời gian gần đây bởi tác hại và lợi ích đan xen. Xung quanh vấn đề xin có ý kiến trao đổi để rộng đường dư luận.
Vấn đề đặt ra là đất ruộng có phải là khoáng sản không, khai thác đất như thế nào phải xin phép và không xin phép, đối tượng nào được phép khai thác đất mặt ruộng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 (gọi tắt là Luật Khoáng sản): “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ…”. Theo đó thì đất được xác định là khoáng sản.
Đã là khoáng sản thì khai thác đất mặt ruộng phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã được quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Khoáng sản và khai thác khoáng sản là đất mà không có giấy phép thì có bị xử phạt.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, tùy theo khối lượng khoáng sản được tính bằng mét khối thì sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 50 triệu đồng, trong đó khai thác vi phạm dưới 10 khối là bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức phạt tiền được quy định gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về trường hợp khai thác khoáng sản không phải đề nghị cấp phép khai thác.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:
a) Khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó.
Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh.
b) Khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Điều 64, Luật Khoáng sản, bao gồm: “a) Cát các loại (trừ cát trắng silic)…b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam”.
Tại Điều 51 Luật Khoáng sản cũng quy định các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản gồm: “Doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp; HTX, liên hiệp HTX được thành lập theo Luật HTX; Hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản”.
Từ những quy định pháp luật nêu trên thì những hoạt động khai thác đất mặt ruộng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình với diện tích lớn nhằm kinh doanh, không có phép theo phản ánh của các báo chí trong và ngoài tỉnh vừa qua thì cần phải dừng ngay, tiến hành xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để hoạt động hợp pháp.
Tuy nhiên, để các tổ chức, hộ gia đình khai thác đất mặt ruộng không khai thác bất hợp pháp, sử dụng khoáng sản này bền vững, thì bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành lập quy hoạch hay ban hành văn bản quy định cụ thể về các vùng được khai thác, hạn chế hoặc cấm khai thác đất mặt ruộng (bao gồm vị trí, diện tích vùng, cao độ có thể khai thác đến…).
Công tác này từ trước đến nay tỉnh Vĩnh Long chưa làm, tỉnh chỉ có ban hành quy hoạch vùng khai thác, hạn chế khai thác, cấm khai thác đất sét.
Công việc này nếu thực hiện được sẽ tiến đến các bước lập dự án và cấp phép cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thăm dò, khai thác đất ruộng theo luật định.
Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin