Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Những ngày tháng hào hùng

12:01, 26/01/2023

50 năm trước, vào những ngày cuối tháng 12/1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không", đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. 

Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
50 năm trước, vào những ngày cuối tháng 12/1972, trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. 
 
Bác Hồ đã dự đoán và chuẩn bị từ 10 năm trước cho tình huống Mỹ sẽ dùng B52 đánh vào Hà Nội. 5 năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ngày 29/12/1967, giao nhiệm vụ đánh B52 cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân Phùng Thế Tài, Bác Hồ đã khẳng định: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
 
Đúng như dự đoán của Người, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay B52” nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng. 
 
Báo chí Mỹ không ngớt quảng cáo, gây ấn tượng loại “siêu pháo đài bay B52” là vũ khí chiến lược “vô địch” “bất khả xâm phạm” với tham vọng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. B52 được xem là máy bay ném bom lớn nhất thế giới lúc đó. B52 có thể mang 100 quả bom, số lượng đó tương đương từ 17 - 30 tấn, bay liên tục 21 giờ, trên chặng đường dài 12.000 - 16.000km. B52 còn được trang bị 15 máy gây nhiễu điện tử, 2 máy gây nhiễu bằng sợi kim loại, có 4 quả tên lửa nhử mồi và 2 tên lửa hành trình không đối đất, có thể mang đầu đạn hạt nhân.
 
Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2 đến năm 1972.
 
Về lực lượng và thế trận Việt Nam trên địa bàn Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thành phố đã xây dựng hệ thống 45.000km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ từ trận địa đến trung tuyến, hậu tuyến…
 
Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ. Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội. 60 vạn dân đã được tổ chức sơ tán ra khỏi nội thành.
 
Về trang bị kỹ thuật có súng máy phòng không tầm thấp 12,7mm và 14,5mm, loại 1 nòng và 4 nòng; pháo PK 37mm, 57mm, 100mm. Tên lửa SAM-2 và hệ thống ra-đa đi kèm. Không quân có các loại MIG-21, MIG-17. 
 
Về tổ chức lực lượng chiến đấu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương được biên chế gồm Sư đoàn PK 361 có 2 trung đoàn tên lửa, và các đơn vị được tăng cường, với tổng số 84 bệ phóng có đầy đủ cơ số đạn theo quy định, có 5 trung đoàn pháo cao xạ 100mm, 550 súng máy cao xạ, 700 súng trung liên, đại liên đặt trên sân thượng các tòa nhà cao tầng tại khu vực trọng điểm. Lực lượng không quân có 3 trung đoàn.
 
Sư đoàn Phòng không 363 có 2 tiểu đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hải Phòng. Sư đoàn Phòng không 367 bảo vệ tuyến vận tải từ Thanh Hóa trở vào. 
 
Trong quá trình xây dựng phương án bố trí lực lượng chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, tư lệnh các binh chủng ra-đa, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án chiến đấu hiệu quả cao nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”.
 
Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu phòng không không quân đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1 - 2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6 - 7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%.
 
Câu hỏi tiếp theo của Tổng Tư lệnh là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.
 
Ngày 18/12/1972, Không quân Mỹ mở đầu chiến dịch tập kích đường không chủ yếu bằng B52 ồ ạt đánh vào Hà Nội. 19 giờ 16 phút bắt đầu xuất hiện các tốp B52, mỗi tốp 3 chiếc bay theo đội hình đã xác định. Có 100 máy bay tiêm kích bay theo bảo vệ và đánh các trận địa tên lửa và pháo của ta.
 
Sau 9 giờ đồng hồ trong đêm 18 rạng ngày 19/12, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ đã sử dụng 90 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức 3 đợt đánh vào Hà Nội. Hệ thống ra-đa đã phát hiện sớm. Lực lượng chiến đấu đã đánh trả quyết liệt. Hà Nội bắn rơi 4 chiếc, có 3 chiếc B52, 2 chiếc rơi tại chỗ. Trong tác chiến phòng không chiến thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về tư tưởng tác chiến mà chứng minh một chiến thuật chính xác hiệu quả.
 
Các ngày tiếp theo quân dân Hà Nội đã thắng lớn, các ngày 19, 20, 21 bắn rơi tại chỗ 5 B52… Chỉ trong 9 phút các Tiểu đoàn Tên lửa 57, 77, 79 đã phóng 6 quả đạn bắn rơi 4 chiếc B52, có 3 chiếc rơi tại chỗ. Riêng Tiểu đoàn 57 chỉ 2 quả đạn cuối cùng trong vòng 2 phút bắn rơi 2 B52. Một trận đánh tiêu biểu, hiệu suất rất cao. Trong đêm 22 và 24/12, chỉ trong 10 phút bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ 3 chiếc với số lượng đạn chỉ bằng một nửa so với những trận đánh trước.
 
Trong đêm 26 và ngày 27/12, các lực lượng phòng không và không quân đã hiệp đồng chiến đấu bắn rơi 18 máy bay trong đó có 8 B52, lực lượng phòng không bắn rơi 7 chiếc. Phi công Anh hùng Phạm Tuân nhận lệnh phục kích ở sân bay Yên Bái được lệnh cất cánh đã tiêu diệt 1 B52. Ngày hôm sau Anh hùng Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tiêu diệt 1 B52. Chiếc B52 bị bắn rơi xuống làng Ngọc Hà là chiếc duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp cắt bom. 
 
Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, chấn động thế giới. Phó Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên tạp chí Không lực Hoa Kỳ: Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc.
 
Tổng thống Mỹ Nixon trong hồi ký của mình viết: Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề. 7 giờ 30 phút ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27/1/1973 ký kết Hiệp định Paris, quân Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Xác của 1 trong 4 máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 18,  rạng sáng 19/12/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Xác của 1 trong 4 máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi đêm 18, rạng sáng 19/12/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong chiến dịch chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ, ta bắn rơi 81 chiếc, trong đó có 34 chiếc B52, bắt sống 44 giặc lái trong đó có 33 giặc lái B52.
 
Đó là chiến dịch tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B52 của Mỹ đầu tiên trên thế giới. Bình luận về cuộc ném bom B52 vào Hà Nội, báo Tin nhanh Mỹ đã viết: Những trận mưa bom hiện thời có lẽ đã tiêu diệt một dân tộc khác, thì trái lại nó làm cho người Việt Nam đứng vững, đồng thời làm nảy nở những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Cùng với quan điểm như vậy dư luận thế giới đã coi “Hà Nội là thủ đô của phẩm giá con người”.
 
50 năm trôi qua, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị sâu sắc của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chúng ta tin tưởng, tự hào về Đảng, một đảng mác-xít kiên cường, luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.l
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022) 
 PV (tổng hợp)
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh