Kinh tế nông nghiệp Trà Ôn có bước phát triển vượt bậc

Cập nhật, 08:38, Thứ Tư, 25/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Đây có thể xem là điểm rất đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Trà Ôn năm qua. Điều này đến từ “ý chí, khát vọng làm giàu của người dân” và từ điều đó góp phần vào ổn định thu nhập đời sống, thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn cho biết: Nghị quyết của tỉnh, huyện triển khai thực hiện trên địa bàn đến nay luôn đúng hướng và đã đi vào cuộc sống.

Điểm đột phát nhất có thể thấy là “do ý chí làm giàu của người dân địa phương”, trong đó đóng góp của bộ phận không nhỏ người nông dân tích lũy, bám sâu vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, chỉ tiêu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 (số tròn) là 3.988 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp là 3.694 tỷ đồng.

Đến hết 10 tháng, huyện thực hiện đạt tương ứng lần lượt 5.611 và 5.282 tỷ đồng. Ước đến cuối năm đạt 7.287 và 6.848 tỷ đồng (đạt lần lượt 182,7% và 185,4%).

Kết quả và dự báo đó đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,51%, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,67% so với cùng kỳ. Giá trị trên một đơn vị diện tích đạt 275 triệu đồng/ha/năm, tăng 68 triệu đồng/ha/năm so cùng kỳ năm 2021.

Cam sành là cây trồng chủ lực trong “bức tranh sáng” kinh tế nông nghiệp của huyện.
Cam sành là cây trồng chủ lực trong “bức tranh sáng” kinh tế nông nghiệp của huyện.

Đến nay, diện tích vườn cây lâu năm toàn huyện hơn 17.600ha, tăng hơn 2.093ha so với cùng kỳ, trong đó cây cam sành có trên 8.781ha (trong đó cam sành trên đất lúa hơn 7.761 ha, chiếm trên 86% tổng diện tích cam sành toàn huyện) và lợi nhuận từ cây cam tương đối ổn định.

Cây cam sành trên đất lúa trong các năm qua là một trong các hướng đi để phát triển kinh tế địa phương. Từ đất lúa, bà con thuê đất, lên liếp trồng cam sành và đã thu lợi nhuận rất cao.

Nguồn lợi kinh tế từ cây cam sành đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn lợi kinh tế từ cây cam sành đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Trong kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, Trà Ôn sẽ đạt huyện nông thôn mới, sẽ có đóng góp không nhỏ từ nguồn lực nông nghiệp, trong đó có cây cam sành. Cây cam sành sẽ phát triển theo hướng gắn “mã số vùng trồng”, tạo thương hiệu sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra nông sản.

“Việc này cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng hành của nông dân. Như hiện tại cam sành loại cơi giá bán có thể 14.000 - 15.000 đ/kg, cam sô có giá 8.000 - 10.000 đ/kg, tức mức giá cao và bà con lời rất khá.

Nhưng vì có thể lên cao hơn hoặc xuống thấp tùy nhu cầu thị trường, do vậy, công việc của chính quyền là phải định hướng cho người nông dân về định danh theo mã số vùng trồng, đảm bảo sản xuất xanh, hữu cơ và an toàn thực phẩm, để hàng hóa chất lượng hơn và liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm.

Sẽ có ban vận động để đưa cây có múi này vào VietGAP nhiều hơn, đạt OCOP, đi vào các chuỗi buôn bán lớn hơn” - đồng chí Nguyễn Văn Minh thông tin thêm.

Theo Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Văn Minh, huyện đã kịp thời cụ thể hóa các chương trình, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành kế hoạch, nghị quyết và chương trình hành động của Huyện ủy để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

“Kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá...” là những điểm thuận lợi trong năm qua.

Kinh tế nông nghiệp phát triển đã đưa đời sống người dân khấm khá, ổn định. Từ đây đóng góp vào công tác an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn tốt hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh quan tâm, hỗ trợ để năm qua huyện đạt được “dấu ấn rất lớn” là xây nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Đến cuối năm 2022, huyện sẽ hoàn tất 500 căn nhà cho đối tượng kể trên, tạo điều kiện để huyện hoàn thành tiêu chí nhà ở.

Từ cầu Trà Ôn nhìn về TT Trà Ôn - thị trấn bên dòng sông Hậu và sông Măng Thít. Trong ảnh: Tàu du lịch đi ngang cầu Trà Ôn trên sông Măng Thít.
Từ cầu Trà Ôn nhìn về TT Trà Ôn - thị trấn bên dòng sông Hậu và sông Măng Thít. Trong ảnh: Tàu du lịch đi ngang cầu Trà Ôn trên sông Măng Thít.

Năm qua, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đến thời điểm báo cáo đã giảm 1,16% hộ nghèo (448 hộ), còn 3,66% (1.416 hộ) và ước cuối năm đạt 100% nghị quyết. Trong đó đã kéo giảm 5% hộ Khmer nghèo (135 hộ), còn 19,2% (521 hộ) và đạt 100% nghị quyết đề ra.

Đến nay với hơn 2.200 lao động được tạo việc làm mới (đạt hơn 148%); mặc dù trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài, và đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn khá thấp, lần lượt cùng hơn 50%.

Nhưng đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt cao với 76,6% (61.192 người), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31,1% (19.070 người), đều cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 52% (45.498/87.435 người) hồi tháng 10 và ước đến cuối năm 2022 đạt nghị quyết đề ra.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 8 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Hựu Thành, Hòa Bình, Tích Thiện, Thới Hòa, Thiện Mỹ, Xuân Hiệp, Thuận Thới, Phú Thành), trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Hựu Thành, Xuân Hiệp); có 3 ấp đạt nông thôn mới kiểu mẫu (Vĩnh Hựu, Trà Sơn - xã Hựu Thành và Hồi Thọ - xã Xuân Hiệp).

Kinh tế nông nghiệp thật sự là “bức tranh sáng” trong năm qua, đóng góp vào nền kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đời sống và xây dựng nông thôn mới Trà Ôn ngày càng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng; sự giám sát chặt chẽ của HĐND; sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND; sự nỗ lực phấn đấu, ủng hộ, đồng hành chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,... góp phần để huyện Trà Ôn thực hiện đạt và vượt 15/17 chỉ tiêu chủ yếu, ước đến cuối năm 2022.

MINH THÁI (thực hiện)