Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Xem xét việc sắp xếp đơn vị hành chính tại 11 tỉnh

Cập nhật, 07:39, Thứ Tư, 18/12/2019 (GMT+7)

Sáng 17/12/2019, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 40 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Theo dự kiến chương trình, phiên họp kéo dài 1,5 ngày làm việc.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc TX Gia Nghĩa, thành lập TP Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật- Hoàng Thanh Tùng cho biết, đã có 12 báo cáo thẩm tra 11 đề án sắp xếp ĐVHC của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam,
Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đề án thành lập TP Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đăk Nông theo 12 tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được 2 ĐVHC cấp huyện và 182 ĐVHC cấp xã.

Qua xem xét hồ sơ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị quyết của Chính phủ. Các đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của HĐND ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại diện Chính phủ (lãnh đạo Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh đã trực tiếp giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung mà thành viên Ủy ban Pháp luật nêu.

Ủy ban Pháp luật sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương đã cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình của Chính phủ và cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp như đã nêu trong các đề án của Chính phủ.

Căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình đợt này, có 3 ĐVHC cấp huyện và 24 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019- 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về cơ bản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề án do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với ĐVHC mà địa phương và Chính phủ đề nghị chưa sắp xếp, cần chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật; đối với các ĐVHC thành lập sau sắp xếp mà chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn thì cần đảm bảo hoàn thiện đúng quy định, tránh gây xáo trộn, mất ổn định cho thời gian sau.

PV (theo SGGP)