Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có nguy cơ đổ vỡ

03:03, 29/03/2018

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn cho dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để dự án này tránh rơi vào nguy cơ đổ vỡ.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn cho dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để dự án này tránh rơi vào nguy cơ đổ vỡ.

Dù được thu phí hoàn vốn cả cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn vướng cơ chế vay vốn ngân hàng - Ảnh: TTO
Dù được thu phí hoàn vốn cả cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn vướng cơ chế vay vốn ngân hàng - Ảnh: TTO

Khởi động từ tháng 2/2015, dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, rộng 4 làn xe, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.668 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư chỉ mới nộp đủ vốn chủ sở hữu 1.542 tỉ đồng (15,95% tổng mức đầu tư), chưa ký được hợp đồng vay 8.126 tỉ đồng từ ngân hàng.

Vì thế, dù dự án đã giải phóng mặt bằng được 49km nhưng giá trị thực hiện chỉ đạt 120,5 tỉ đồng và phải thi công cầm chừng, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2020.

Theo Bộ GTVT, vướng mắc chủ yếu của dự án là do thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) quy định lãi suất vay trong hợp đồng BOT không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ, khiến chênh lệch 2,2 - 2,5% so với lãi suất các nhà đầu tư phải trả cho các ngân hàng thương mại.

Đến tháng 7/2017, Bộ Tài chính đã có thông tư 75/2017/TT-BTC sửa đổi thông tư 55/2016/TT-BTC, nâng trần lãi suất cho vay lên 1,5 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương tự.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những dự án chưa ký hợp đồng, những dự án BOT đã ký hợp đồng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn áp dụng mức trần lãi suất không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ.

Trong khi đó, các ngân hàng ra điều kiện chỉ cho dự án vay vốn nếu dự án được áp dụng thông tư 75/2017/TT-BTC.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng hai phương án xử lý:

Phương án 1: Đồng ý với đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư về việc gia hạn thời hạn ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng, tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/5/2018.

Hết thời hạn này vẫn chưa ký được hợp đồng thu xếp vốn đủ 100% phần vốn để thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng dự án (tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và xử phạt theo các quy định của hợp đồng đã ký).

Phương án 2: Chấm dứt ngay hợp đồng dự án với nhà đầu tư hiện nay và điều chỉnh lại hồ sơ để tổ chức đấu thầu lại.

Theo phương án này, thời gian hoàn chỉnh hồ sơ dự kiến mất khoảng 3 tháng, sau đó đấu thầu quốc tế 2 bước mất khoảng 1 năm để lựa chọn xong nhà đầu tư, việc thực hiện đầu tư sẽ kết thúc vào quý 1/2022.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, ưu điểm của phương án 1 là nếu vay được vốn dự án có thể triển khai thi công ngay, tránh được những tranh chấp hợp đồng, vẫn đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2020.

Nhưng nếu nhà đầu tư không vay được vốn sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng dự án, tổ chức đấu thầu lại, thời gian hoàn thành của dự án sẽ kéo dài tới quý 2 năm 2022.

Do Chính phủ đang giao Bộ Tài chính sửa đổi thông tư 75/2017/TT-BTC nên Bộ GTVT đã chấp thuận phương án 1 (gia hạn thời hạn ký hợp đồng van vốn với ngân hàng hết ngày 31/5/2018) để có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét sửa đổi thông tư 75/2017/TT-BTC cho phù hợp với thực tế làm cơ sở triển khai dự án.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh