Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động đối phó khô hạn, xâm nhập mặn

07:03, 25/03/2018

Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dòng chảy sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang biến động phức tạp, giảm mạnh so với thời điểm đầu mùa khô, khả năng gia tăng xâm nhập mặn từ cuối tháng 3 đến tháng 4 và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2017. 

Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dòng chảy sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang biến động phức tạp, giảm mạnh so với thời điểm đầu mùa khô, khả năng gia tăng xâm nhập mặn từ cuối tháng 3 đến tháng 4 và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2017. 

Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương thường xuyên báo cáo và cung cấp thông tin độ mặn và tham khảo thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước do Viện Khoa học Thủy lợi miền nam cung cấp hằng tuần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước.

Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) các tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn. Phối hợp các địa phương liên quan thực hiện vận hành các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng dùng nước. Thực hiện xuống giống lúa phù hợp với điều kiện nguồn nước, hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến cây trồng; các vùng không chủ động cấp nước cần chờ có mưa mới xuống giống. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân; vận động nhân dân phối hợp các đơn vị quản lý, khai thác công trình tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

* Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng vốn đầu tư cho việc quy hoạch thủy lợi vào khoảng 19.530 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, các chương trình của quốc gia, vùng, doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã và tư nhân.

 

* Tỉnh Quảng Trị hiện có 202 công trình cấp nước nông thôn, trong đó có gần 100 công trình hoạt động kém hiệu quả. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thanh lý các công trình cấp nước không ổn định; lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng cơ chế xã hội hóa; trợ giá nước sinh hoạt ở vùng khó khăn, vùng khan hiếm nước sạch.

 

* Trong 152 công trình cấp nước tập trung tại tỉnh Đác Lắc, hiện có 22 công trình hoạt động kém hiệu quả, 45 công trình ngừng hoạt động. Trước thực trạng này, tỉnh đã phân cấp quản lý các công trình cấp nước tập trung; chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận các công trình hoạt động kém hiệu quả để sửa chữa, tái vận hành nhằm phát huy công năng sử dụng, tránh lãng phí.

 

* Khắc phục tình trạng thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và đã chọn vị trí đầu tư xây dựng hai hồ chứa nước ngọt với dung tích khoảng 50.000 m3, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh, dự kiến khoảng 38 tỷ đồng.

 

* Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định cho biết, hồ Hóc Sấu (huyện Hoài Ân, được xây dựng hơn 30 năm nay, có dung tích 2,35 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 170 ha đất nông nghiệp, hiện hư hỏng, xuống cấp. Trước mắt, địa phương xử lý tạm thời bằng gia cố bao tải cát và hạ thấp ngưỡng tràn. Mặt khác tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ 2018.

 

* Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có diện tích trồng đậu xanh hơn 1.000 ha nhưng do thời tiết bất lợi cho nên đến thời điểm này vẫn chưa thể xuống giống khiến nhiều nông dân trồng đậu xanh thường niên tại địa phương có nguy cơ thất thu. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, sẽ xuất hiện mưa trái mùa tại địa phương, bà con không nên xuống giống vụ đậu xanh vì khả năng mất mùa sẽ rất cao.

 

* Vụ muối năm nay, diêm dân tỉnh Bến Tre đưa vào sản xuất khoảng 1.500 ha, sản lượng muối đạt khoảng 70.000 nghìn tấn. Trong đó, huyện Bình Đại hơn 652 ha, huyện Ba Tri 861 ha, giảm 108 ha so với niên vụ trước đó. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích muối của Bến Tre sẽ chỉ còn khoảng 600 ha, số diện tích còn lại được chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Theo Nhân Dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh