Từ 1/7, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt qua bưu điện

02:06, 30/06/2016

Từ ngày 1/7/2016, thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến người dân (theo yêu cầu) chính thức có hiệu lực thi hành. 

Từ ngày 1/7/2016, thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ đến người dân (theo yêu cầu) chính thức có hiệu lực thi hành.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với Đại tá Thái Văn Bền- Trưởng Phòng CSGT đường bộ- đường sắt thuộc Công an tỉnh về một số nội dung cụ thể xoay quanh vấn đề này.

* Xin ông cho biết người vi phạm giao thông muốn sử dụng dịch vụ nộp tiền phạt qua bưu điện thì phải đăng ký ở đâu?

- Từ ngày 1/7/2016, người vi phạm muốn sử dụng dịch vụ nộp tiền phạt qua bưu điện thì có thể đăng ký tại bưu điện hoặc cơ quan công an- nơi lập biên bản vi phạm giao thông đường bộ. Người vi phạm có thể đăng ký một trong 3 dịch vụ: dịch vụ thu tiền phạt kèm chuyển phát giấy tờ tạm giữ; dịch vụ chuyển phát giấy tờ để phục vụ cho việc ra quyết định; dịch vụ thu tiền phạt không chuyển phát giấy tờ tạm giữ.

* Những trường hợp nào thì người vi phạm giao thông có thể đăng ký sử dụng các dịch vụ trên, thưa ông?

- Người vi phạm có thể sử dụng dịch vụ nộp phạt qua bưu điện đối với tất cả các hành vi vi phạm giao thông, trừ một số hành vi vi phạm khi đang xác minh có hay không có vi phạm hoặc xác minh tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự; hành vi vi phạm có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

* Thời gian chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm là bao lâu, thưa ông?

- Bưu điện có trách nhiệm chuyển phát giấy tờ tạm giữ đến đúng người vi phạm kể từ ngày nhận giấy tờ tạm giữ tại nơi ra quyết định xử phạt theo thời gian cụ thể như sau: tại trung tâm tỉnh, thành phố tối đa là 2 ngày; tại các huyện, thị xã tối đa là 3 ngày; các trường hợp chuyển liên tỉnh tối đa là 5 ngày.

Trường hợp sau 2 lần không chuyển phát được giấy tờ đến tận tay người vi phạm, bưu điện để lại giấy mời, mời người vi phạm mang giấy mời và chứng minh nhân dân đến địa chỉ bưu điện ghi trong giấy mời để nhận lại giấy tờ tạm giữ. Thời gian trên không bao gồm ngày lễ, tết và chủ nhật.

* Ông có thể cho biết quy trình thực hiện đối với dịch vụ thu tiền phạt kèm chuyển phát giấy tờ tạm giữ?

- Với dịch vụ này, người vi phạm có thể đăng ký với cơ quan công an hoặc bưu điện. Việc đăng ký với cơ quan công an được thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm, với bưu điện, người vi phạm liên hệ trực tiếp qua điện thoại hoặc đến bưu cục cung cấp thông tin, nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ) và ký nhận trên tờ giấy chứng nhận nộp tiền do bưu điện cung cấp.

Sau khi nhận yêu cầu từ người vi phạm thì bưu điện liên hệ với cơ quan công an để lấy thông tin về quyết định xử phạt, qua đó biết được mức phạt tiền cụ thể để cung cấp thông tin và thu tiền phạt của người vi phạm. Bưu điện đề nghị người vi phạm cung cấp biên bản vi phạm hành chính do cơ quan công an lập hoặc đơn cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú (trường hợp bị mất biên bản vi phạm hành chính) để kiểm tra, đối chiếu.

* Đối với dịch vụ thu tiền phạt không chuyển phát giấy tờ tạm giữ thì sao, thưa ông?

- Đối với dịch vụ này, người vi phạm nộp tiền phạt tại các điểm giao dịch có cung cấp dịch vụ của bưu điện.

Khi người vi phạm đến nộp tiền, bưu điện thực hiện thu đúng, thu đủ số tiền phạt mà người vi phạm phải nộp căn cứ vào quyết định xử phạt và được thu tiền phí dịch vụ theo bảng cước phí công khai của bưu điện.

Bưu điện có trách nhiệm cung cấp giấy chứng nhận nộp tiền có ký tên của nhân viên thu tiền, người nộp tiền và có đóng dấu bưu cục cho người vi phạm.

Người vi phạm mang giấy chứng nhận nộp tiền do bưu điện cấp đến cơ quan công an để họ kiểm tra và ghi nhận việc hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt của người vi phạm và bàn giao giấy tờ tạm giữ cho người nhận hoặc trả lại phương tiện cho người vi phạm.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm trong việc nộp tiền, ngoài nộp tiền tại bưu cục, cơ quan công an và bưu điện trên địa bàn xem xét và thống nhất việc bưu điện bố trí bàn thu tại trụ sở cơ quan công an để thu tiền phạt.

* Cảm ơn ông!

PHẠM PHONG (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh