Bóng đá là bản sắc văn hóa cộng đồng

Cập nhật, 19:36, Thứ Hai, 09/01/2023 (GMT+7)
Trận bán kết 2, Malaysia thắng Thái Lan 1-0 trên sân nhà Bukit Jalil, nhưng CĐV nhà vẫn quăng vỏ chai nhựa xuống sân uy hiếp tinh thần đối phương. Ảnh: Chụp màn hình
Trận bán kết 2, Malaysia thắng Thái Lan 1-0 trên sân nhà Bukit Jalil, nhưng CĐV nhà vẫn quăng vỏ chai nhựa xuống sân uy hiếp tinh thần đối phương. Ảnh: Chụp màn hình

(VLO) Bóng đá là môn đối kháng tập thể, sự cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân bóng và còn thể hiện trên cả khán đài hàng vạn người xem, hàng triệu khán giả qua truyền hình.

Phong cách chơi, lối chơi và tất cả những ứng xử của cầu thủ, BHL và CĐV làm nên bản sắc của một đội bóng. Một đội bóng chiến thắng chưa chắc được sự mến mộ của nhiều người, bởi yếu tố văn hóa.

1. Bóng đá ngày càng trở nên tính “toàn cầu hóa” khi sự giao thoa giữa những cầu thủ xuất ngoại khắp thế giới. Nhưng bản sắc của mỗi CLB, mỗi ĐTQG vẫn không hề thay đổi. Điều này làm nên tính đa dạng, tính hấp dẫn của bóng đá.

Khi nhắc đến Nam Mỹ, người ta liên tưởng đến lối chơi đậm chất kỹ thuật thăng hoa, nhưng cũng không thiếu những cầu thủ rất tinh quái, làm trò. Bóng đá châu Phi thường thể hiện sức mạnh, lối chơi hơi hướm hoang dã ít tính toán. Bóng đá Đức đề cao tính kỷ luật…

Mặc dù ngày nay những ranh giới của phẩm chất này cũng mờ nhạt đi, nhưng vẫn còn những yếu tố gốc để phân biệt rõ ràng giữa các đội bóng.

Trong đó, đóng vai trò không kém phần quan trọng so với những “vai chính” trên sân cỏ, là lực lượng CĐV trên khán đài. Xem bóng đá Anh quyến rũ người xem trên thế giới chính là nét đẹp từ những khán đài đầy ắp và những âm thanh đặc trưng riêng của từng đội bóng.

Dù có thể thay đổi HLV, dù cầu thủ mua bán từ CLB này chuyển đến CLB khác là thường xuyên, nhưng bản sắc của mỗi đội bóng thì vẫn vậy. Cái yếu tố văn hóa rất cần thiết, như một sự “sống còn” trong suốt quá trình lịch sử của đội bóng.

Nhưng dù có chơi hay, chơi dở qua từng trận, hay lịch sử khẳng định đẳng cấp của mỗi CLB, nhưng những CĐV chân chính bao giờ cũng yêu chuộng, tôn vinh lối chơi đẹp, hiệu quả cùng với ứng xử văn hóa, mang tinh thần cao thượng của thể thao.

Các tổ chức bóng đá thế giới cũng ngày càng khắt khe với những hành vi phi thể thao, phi văn hóa, những thái độ phân biệt bằng những định luật khắt khe.

Wolrd Cup 2022, chứng kiến Argentina cùng Lionel Messi vô địch một cách trọn vẹn, hoàn mỹ cũng bởi đáp ứng trọn vẹn những yếu tố “bên ngoài sân cỏ” nêu trên.

2. Vì vậy, một đội bóng chiến thắng chưa chắc là đội bóng chiếm được tình cảm NHM chân chính. FIFA đang cố gắng đem lại sự công bằng nhất có thể cho những cuộc tranh tài thông qua những ứng dụng tiên tiến, hiện đại của khoa học công nghệ để hỗ trợ các trận đấu.

Như VAR hỗ trợ cho đội ngũ trọng tài chính điều hành trên sân. Nhưng vẫn không thể nào có sự công bằng tuyệt đối.

VAR chung quy cũng được điều khiển bởi con người và chiến thắng thiếu công bằng sẽ trở thành đề tài tranh luận, tranh cãi, dẫn đến những căng thẳng bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ.

Mà một trong những vấn đề bị lên án mạnh mẽ nhất là lối chơi thô bạo, triệt hạ đối phương và những hành động phi văn hóa, dẫn đến bạo lực trên khán đài.

Sự nhiệt huyết, tình yêu dành cho đội bóng mình yêu thương làm nên tính hấp dẫn của môn túc cầu, nhưng đi quá giới hạn nó trở thành xấu xí, phi văn hóa và thiếu tinh thần cao thượng vốn làm nên vẻ đẹp của thể thao.

Nhìn lại bóng đá Đông Nam Á, cụ thể là Giải AFF Cup đang diễn ra, chất lượng “vùng trũng” của bóng đá thế giới này chưa có sự phát triển đột phá tiệm cận với châu lục, nhưng “mảng tối” thì vẫn còn hơi nhiều.

Sau một kỳ Wolrd Cup 2022 quá hay, chắc hẳn người yêu bóng đá sẽ… hụt hẫng khi xem bóng đá khu vực, nhưng nhiều người cũng sẽ không bỏ sót trận nào cũng bởi vì tình yêu đối với ĐTQG của họ
mà thôi.

Trên “chảo lửa” Bung Karno trong cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Indonesia, dù BTC đã hạn chế số vé vào sân so với hơn 8 vạn chỗ ngồi, nhưng sức nóng “quá khích” quả khủng khiếp.

Chúng ta chấp nhận vì đó là lợi thế của luật chơi sân nhà, sân khách; nhưng chẳng ai đồng tình hay hoan nghênh cái kiểu chiếu tia laser vào đối thủ, nó hơi… bẩn.

Hay trước đó, là màn uy hiếp tinh thần, đạp bể kính xe chở Thái Lan đến sân khi gặp Indonesia. Còn mới đây, trên sân Bukit Jalil mỗi khi cầu thủ Thái Lan thực hiện quả đá phạt góc, thì rất nhiều vỏ chai nhựa quăng xuống sân.

Kiểu ủng hộ quá khích của CĐV, hay kiểu chơi xấu có tính bạo lực trên sân, có thể giúp đội bóng chiến thắng trong khoảnh khắc, trong một trận đấu hay một giải đấu. Nhưng nó chẳng bao giờ làm cho nền bóng đá quốc gia có thể “lớn lên”.

Không hề thiên vị, nhưng khán giả Việt Nam ngày càng thể hiện tinh thần thân thiện, văn hóa và thể thao cao thượng cụ thể qua kỳ SEA Games 2022 tổ chức trên đất nước mình, chúng ta tự hào về điều đó.

Cùng với đó, chúng ta mong mỏi ĐTQG cũng ngày càng chơi hay, chơi đẹp và hiệu quả. Là nền tảng để chúng ta vươn tầm xa hơn, không chỉ lẩn quẩn ở những mục tiêu Đông Nam Á mãi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG