Thông qua những chuyến về nguồn, thế hệ trẻ như được tiếp lửa trên con đường lập thân lập nghiệp. Những hành trình ý nghĩa mà với chúng tôi, không hẳn là chuyến đi, đúng hơn là được trở về…
Đoàn viên thanh niên bên biểu trưng của Mũi Cà Mau và Cột mốc quốc gia. |
Thông qua những chuyến về nguồn, thế hệ trẻ như được tiếp lửa trên con đường lập thân lập nghiệp. Những hành trình ý nghĩa mà với chúng tôi, không hẳn là chuyến đi, đúng hơn là được trở về…
Còn nhớ, chuyến hành trình 8 ngày đêm của tuổi trẻ Vĩnh Long viếng các địa danh lịch sử như: Thành cổ Quảng trị, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nhà thờ Lý Tự Trọng,...
Trở về với những địa danh lịch sử này, chúng tôi ngược dòng quá khứ với những tư liệu lịch sử sống động qua những câu chuyện kể, những thước phim, những hiện vật của cha anh còn để lại.
Đó là câu chuyện về anh sinh viên mới cưới vợ dăm ngày đã quyết ra đi, lao vào trận chiến và vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ và Tổ quốc ghi khắc tên anh- liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.
Đó là tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, đồng loạt hy sinh vào ngày 24/7/1968 tại Ngã Ba Đồng Lộc khi tất cả đang bước vào độ tuổi đẹp nhất đời người. Những chiến công hào hùng, sự anh dũng hy sinh đó mãi mãi là những tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước, soi mình.
Trong chuyến về nguồn tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ngang qua miền quê hương Đất Đỏ, chúng tôi có dịp dừng chân thắp nén hương, tưởng niệm chị Võ Thị Sáu- người nữ anh hùng với bao hình ảnh đẹp mà chúng tôi được biết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Không biết tự bao giờ, hình ảnh người nữ anh hùng, kiên cường, bất khuất “… Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đóa hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh…” (trích từ tác phẩm Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn của tác giả Phan Thị Thanh Nhàn) đã in hằn sâu vào trong ký ức của mỗi học trò.
Câu chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu do cô hướng dẫn viên kể lại như đưa chúng tôi quay ngược lại với thời gian, sống lại với những trang sử hào hùng của dân tộc, thêm tự hào với những ca khúc cách mạng còn âm vang mãi tới muôn đời sau và cảm nhận được thế nào là “lấy tiếng hát át tiếng bom”.
Đó là khi biết sắp bị hành hình, suốt đêm chị Sáu đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng. Trên đường ra pháp trường, chị đã ung dung ngắt một đóa hoa tươi cài lên mái tóc.
Trước họng súng kẻ thù, chị dõng dạc: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!” Nói xong, chị bắt đầu cất cao giọng hát bài “Tiến quân ca”.
Rồi chị hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” Cô hướng dẫn viên đưa tay hướng tầm mắt chúng tôi về phía bức tranh chị Sáu bị xử bắn và ngưng lời kể…
Tuổi trẻ Vĩnh Long thăm tượng đài Nắm Đấm (Phú Quốc). |
Một lần được đến với đảo xa, chúng tôi cảm nhận trọn vẹn một tình yêu mang dáng hình Tổ quốc.
Từ huyện đảo Phú Quốc, chúng tôi mang theo cả những hoài niệm bi tráng của nhà lao Cây Dừa để đến với các đảo tiền tiêu của biển trời Tây Nam. Hình hài Tổ quốc được vẽ nên từ những mất mát, hy sinh của bao thế hệ cha ông và cả quyết tâm bám biển, bám đảo của thế hệ hôm nay.
Lần được trở về với xúc cảm thiêng liêng nhất, với chúng tôi là chuyến về thăm quê Bác. Đến Nghệ An vào một ngày cuối tháng 8, trời rả rích mưa như nói hộ chúng con nỗi niềm thương nhớ Bác.
Những câu chuyện về Bác, về những người thân của Bác qua giọng thuyết minh da diết của hướng dẫn viên tại làng Hoàng Trù- quê ngoại và làng Sen- quê nội, cùng với những hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Bác càng khiến chúng con thêm yêu kính bội phần.
Viếng Lăng Bác, cũng như bao người, chúng tôi đã không cầm được giọt nước mắt, càng muốn làm điều gì ý nghĩa hơn, có ích hơn để kính dâng lên Người.
Một anh bạn trẻ làm công tác Đoàn xúc động bày tỏ: “Tôi may mắn được về Nghệ An thăm quê Bác và đã viếng lăng Bác ở Thủ đô, coi như mãn nguyện rồi!” Thật vậy, được hiểu thêm về Bác, gặp Bác là ước mơ của bao người dân Việt Nam.
“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam, ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”- lời trong bài hát “Áo mới Cà Mau” của tác giả Thanh Sơn thật sự là không xa đâu.
Một cảm xúc trào dâng trong lòng mọi người khi trước mặt là Đất Mũi thiêng liêng, nơi bờ đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Chúng tôi đã thỏa niềm mong ước khi thấy biểu trưng của mũi Cà Mau với hình tượng một con tàu đang vươn ra biển, trên tàu là lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió. Đây là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây.
Chúng tôi đã thấy cột mốc quốc gia là điểm tận cùng cực Nam của Việt Nam (trên đất liền). Bất chợt, con tim mình đập rộn ràng, mắt cay cay, thấy yêu đất Mẹ thiêng liêng hơn lúc nào.
Chúng tôi nghiêng mình cảm phục trước những bậc cha anh đã ngã xuống trên vùng đất này, cả những con người đã đổ mồ hôi xương máu cho những công trình giao thông, đưa non sông liền một dải...
|
Hành trình về nguồn nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ Đoàn. Để từ đó, các cán bộ Đoàn tự ý thức hơn trong việc công tác, trau dồi đạo đức, lý tưởng để mỗi đồng chí là một tấm gương cho thanh thiếu niên noi theo. Với hình thức giáo dục trực tiếp, mỗi cán bộ tham gia hành trình sẽ là một báo cáo viên, một tuyên truyền viên về các địa điểm, sự kiện đã trải nghiệm. Tổ chức Đoàn sẽ tiếp tục phát huy loại hình giáo dục này. Hàng năm, sẽ tổ chức các đoàn đến các di tích, địa danh đi vào lịch sử của đất nước. |
Bài, ảnh: CHI ĐOÀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin