Thời gian qua, các trường ĐH trong tỉnh đã thành lập các "vườn ươm khởi nghiệp" để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên (SV). Để các ý tưởng của SV được thành hiện thực, mang lại lợi ích cho cá nhân, cộng đồng; các "vườn ươm" có vai trò lớn và được đặt nhiều kỳ vọng.
Anh Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ về Dự án “Sữa chua sấy đông khô Yobite” bằng công nghệ sấy thăng hoa. |
(VLO) Thời gian qua, các trường ĐH trong tỉnh đã thành lập các “vườn ươm khởi nghiệp” để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên (SV). Để các ý tưởng của SV được thành hiện thực, mang lại lợi ích cho cá nhân, cộng đồng; các “vườn ươm” có vai trò lớn và được đặt nhiều kỳ vọng.
Vườn ươm khởi nghiệp
Sữa chua sấy đông khô Yobite của anh Nguyễn Trường Thịnh là dự án từng được ươm tạo tại Viện Đổi mới sáng tạo- Trường ĐH UEH. Sữa chua sấy đông khô Yobite là một dự án ra đời giữa tâm dịch COVID-19 giữa năm 2020. Chứng kiến hàng ngàn lít sữa bị đổ bỏ mỗi ngày đã hình thành ý tưởng sản phẩm sữa chua sấy khô.
Từ kinh nghiệm, truyền thống gia đình với khoa học công nghệ áp dụng làm nên sản phẩm. Nghiên cứu đã khó, quá trình chuyển giao công nghệ cho nông dân hay thương mại hóa sản phẩm cũng không dễ dàng.
Anh Thịnh giới thiệu: “Ưu điểm của nó còn nằm ở chỗ sữa chua sấy thăng hoa có thể bảo quản ở nhiệt độ thường không cần phải bỏ tủ lạnh và rất tiện lợi khi mang theo.
Bằng cách loại bỏ 98% nước ra khỏi sản phẩm, sữa chua sấy thăng hoa trở nên gọn nhẹ đến bất ngờ. Đặc biệt, khi được bảo quản ở nơi thoáng mát với bao bì kính sáng chuyên dụng thì có thể giữ nguyên vẹn dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị, kết cấu
lên đến 25 năm.
Cuối tháng 11/2022, tiếp nối Viện Đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH), “Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mê Kông” được thành lập tại phân hiệu Vĩnh Long.
TS Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH, Giám đốc UEH phân hiệu Vĩnh Long cho biết: “Vườn ươm Mê Kông sẽ là bệ phóng cho việc phát triển những ý tưởng của SV từ khi ngồi ghế nhà trường, giúp đỡ cho các thanh niên có những ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ và kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế để phát triển các dự án khởi nghiệp trở thành các công ty khởi nghiệp thành công”.
Cũng tại lễ ra mắt này, ThS Trần Nhật Hoàng - đại diện Ban Điều hành “Vườn ươm đổi mới sáng tạo Mê Kông” đã chia sẻ sứ mệnh và trách nhiệm của vườn ươm: “Chương trình ươm tạo dự án, chương trình huấn luyện đào tạo ngắn hạn, hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp; từ đó giúp người tham dự có được một góc nhìn tổng quan về mô hình hoạt động của vườn ươm, cũng như các bạn SV để truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Sau hơn 1 tháng hoạt động, “Vườn ươm đổi mới sáng tạo Mê Kông” đang hỗ trợ 6 dự án, ý tưởng khởi nghiệp trong khu vực ĐBSCL. Trong đó, chỉ có 1 ý tưởng là của SV, còn lại là các ý tưởng, dự án bên ngoài.
Chị Lê Hương Bình - trợ lý vườn ươm này cho biết: “Mỗi năm chúng tôi có 2 đợt tuyển chọn các ý tưởng, dự án để hỗ trợ và hoàn toàn miễn phí. Trong quá trình tiếp xúc đó, nhiều SV có ý tưởng hay nhưng không tự tin biến ý tưởng thành hiện thực”.
Đó cũng là thực trạng chung, khá nhiều SV còn ngại khó, thiếu kỹ năng nên không mạnh dạn đem ý tưởng cụ thể hóa thành dự án khởi nghiệp, dù được vườn ươm hỗ trợ, tư vấn.
Vun bồi ý tưởng sáng tạo
Trong 7 ý tưởng, dự án khởi nghiệp vào chung khảo xếp hạng Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp Vĩnh Long lần thứ V năm 2022, có 2 ý tưởng của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây là “Trang trại nông sản sạch kết hợp du lịch sinh thái” của SV Nguyễn Ngọc Bảo Trúc đạt giải nhất và ý tưởng “Xây dựng mô hình trang trại giáo dục trải nghiệm” của tác giả Nguyễn Quốc Hậu - Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đạt giải khuyến khích.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, Bảo Trúc cho biết đó là sự tích hợp giữa việc trồng rau hữu cơ và tham quan du lịch; hướng đến bảo vệ môi trường vì tiết kiệm nước, xử lý rác hữu cơ và sử dụng năng lượng mặt trời.
Trong quá trình nghiên cứu, Trúc được các thầy cô hướng dẫn thực hiện đề tài tốt hơn. Tuy nhiên, từ ý tưởng tới hiện thực là một tầm vĩ mô và để thực hiện: “Cần phải có kinh nghiệm, phải đầu tư, tìm người đồng hành,… nên việc biến ý tưởng thành hiện thực thì tôi chưa nghĩ đến vì đang phấn đấu cho năm học cuối”- Trúc bộc bạch.
Nói về sự hỗ trợ của trường cho các ý tưởng sáng tạo, TS Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết: “Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được nhà trường hỗ trợ chuyên gia tư vấn, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ chi phí tham gia, khen thưởng kịp thời sau khi cá nhân đạt giải thưởng cao”.
Hiện tại, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đang phối hợp các đơn vị trong và ngoài trường tiếp tục nghiên cứu đề xuất hỗ trợ triển khai mô hình đạt giải cao trong Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung khởi nghiệp trong các hoạt động ngoại khóa của SV, đưa nội dung chương trình về khởi nghiệp vào các chuyên đề tự chọn của SV, giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của SV với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp qua việc xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ SV khởi nghiệp, tạo môi trường hỗ trợ SV khởi nghiệp” - anh Nguyễn Cao Phong - Bí thư Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết.
Các CLB khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp đã được thành lập tại các trường ĐH. Vấn đề là, các trường cần quan tâm, vận động hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của SV.
Có như vậy, các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, SV với các hoạt động khởi nghiệp mới thực sự mang lại hiệu quả, để ý tưởng thành hiện thực.
Dự án Sữa chua sấy đông khô Yobite từng đạt giải nhất Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2021” do Sở KH - CN và Sở Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức. Hiện nay, sản phẩm được thương mại hóa trên thị trường và được nhiều khách hàng ưa chuộng. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin