Từ thực tế các ý tưởng, đề án khởi nghiệp còn non trẻ, thiếu "đủ thứ"; nhiều buổi tập huấn, thậm chí là môn học khởi nghiệp đã được triển khai cho học sinh, sinh viên. Nhờ đó, các em có những kiến thức nền tảng, tự tin hơn khi khởi nghiệp.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long đang triển khai ý tưởng “Nấm nhà mình”. |
Từ thực tế các ý tưởng, đề án khởi nghiệp còn non trẻ, thiếu “đủ thứ”; nhiều buổi tập huấn, thậm chí là môn học khởi nghiệp đã được triển khai cho học sinh, sinh viên. Nhờ đó, các em có những kiến thức nền tảng, tự tin hơn khi khởi nghiệp.
Tập huấn từ học sinh
Nhằm trang bị kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giúp học sinh hình thành ý tưởng, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai, cuối tháng 3/2022, Sở GD- ĐT Vĩnh Long phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ và Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- Phân hiệu Vĩnh Long, tổ chức tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Buổi tập huấn giúp học sinh được tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp, tiếp cận với tư duy đổi mới sáng tạo và được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ xây dựng phương án khởi nghiệp để phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Ông Vương Khiết- Giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Tinh thần của các bạn rất hăng say. Các bạn hầu như đều có cho mình ý tưởng về khởi nghiệp. Một số bạn đã bắt đầu thực hiện sản phẩm riêng. Tôi cảm thấy các bạn có thể rèn luyện thêm kiến thức kỹ năng cần thiết để khi các bạn có một ý tưởng hay, có một sản phẩm tốt thì các bạn có thể đem sản phẩm đó ra công chúng và thị trường”.
Ngoài tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, học sinh còn được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ những mô hình khởi nghiệp thành công. Từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em; giúp các em phát triển tư duy, tự tin hơn trong việc lựa chọn, phát triển nghề nghiệp tương lai. Em Châu Nhật Thành- học sinh Trường THPT Vĩnh Long cho biết: “Tham gia chương trình, em cảm thấy bản thân tự tin và có thêm được những khía cạnh mới về đam mê của mình giúp em có những ý tưởng mới”.
Qua tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng, học sinh hiểu rõ hơn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, được động viên, khuyến khích và kết nối với vườn ươm hỗ trợ phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Từ đó khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo định hướng được nghề nghiệp tương lai, không ngại đổi mới và tự tin theo đuổi đam mê của mình để khởi nghiệp sớm và thành công.
Học môn khởi nghiệp
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên nhà trường đã xây dựng môn học khởi nghiệp, là môn bắt buộc dành cho sinh viên tất cả các ngành hệ chính quy.
PGS. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Để khắc phục hạn chế của một số sinh viên là còn rụt rè, thiếu kỹ năng, chưa dám sáng tạo biến ý tưởng thành hiện thực, nhà trường xây dựng môn học khởi nghiệp. Hàng năm, chúng tôi còn dành nguồn kinh phí lớn phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Trong đó, nhiều đề tài của sinh viên trở thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đạt kết quả tốt”.
Là giảng viên dạy môn học Khởi nghiệp, thầy Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho hay: “Môn học này dạy cách hiểu đúng về khái niệm khởi nghiệp, lên ý tưởng, lập kế hoạch, cách sắp xếp thời gian và cả kỹ năng xin việc. Qua môn học, tôi thấy sinh viên tự tin và tiến bộ hơn”.
Từ năm 2020-2022, Trường ĐH Cửu Long duyệt và cấp kinh phí thực hiện 48 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở dành cho sinh viên. Ths. Trần Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp, cho biết: “Nhà trường luôn chú trọng hỗ trợ đưa kết quả các công trình nghiên cứu khoa học, các cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ý tưởng và dự án khởi nghiệp ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm”.
Em Nguyễn Hoàng Lê Vy- học sinh lớp 11/14 Trường THPT Lưu Văn Liệt khởi nghiệp từ nến thơm thiên nhiên. |
Hiện nay, Trường ĐH Cửu Long đang xây dựng hình thành cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường. Xây dựng cơ chế hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt các vấn đề về đổi mới, sáng tạo đối với học sinh, sinh viên để học sinh, sinh viên có định hướng xây dựng dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, không ít học sinh, sinh viên đã khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Các em không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, tạo việc làm cho lao động mà quan trọng hơn là góp phần xây dựng quê hương bằng những ý tưởng có lợi cho cộng đồng.
Nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long đã triển khai thành công ý tưởng khởi nghiệp “Nấm nhà mình” đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần IV, năm 2021. Đây là sản phẩm đón đầu làn sóng “ăn uống healthy” của người Việt. Hiện tại, ý tưởng đã triển khai thử nghiệm, có thể sản xuất mỗi ngày 500 phôi nấm, doanh thu trung bình kỳ vọng đạt 5.000.000 đ/ngày. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin