Tết về, bạn trẻ tất bật làm thêm

06:02, 05/02/2021

Tết là "cơ hội vàng" để kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế, tranh thủ những ngày này không ít cho bạn trẻ đi làm thêm, kinh doanh online hay đầu tư cho nghề "tay trái" để có thêm "chút đỉnh" trang trải cuộc sống, mua sắm hay chỉ là "tích lũy vốn sống"…

(VLO) Tết là “cơ hội vàng” để kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế, tranh thủ những ngày này không ít cho bạn trẻ đi làm thêm, kinh doanh online hay đầu tư cho nghề “tay trái” để có thêm “chút đỉnh” trang trải cuộc sống, mua sắm hay chỉ là “tích lũy vốn sống”…

Nghề “tay trái” vẽ thư pháp lên trái dừa bán cho khách trang trí tết.
Nghề “tay trái” vẽ thư pháp lên trái dừa bán cho khách trang trí tết.

Làm thêm có thu nhập lại được trải nghiệm

Năm mới tết đến là dịp cho sinh viên học tập xa nhà có thể kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập.

Chiều nào, bạn Ngọc Hân- sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long- cũng đến HighLand Coffee để làm việc. Vừa đến nơi, cô sinh viên liền thay đồng phục và bắt đầu công việc dọn dẹp bàn ghế và order đồ uống cho khách.

Cô sinh viên hoạt bát, nhanh nhẹn cùng cách nói chuyện gần gũi thổ lộ: “Em bắt đầu công việc này hơn tháng nay rồi, việc cũng nhẹ nhàng lại tính theo ca nên rất dễ thích nghi. Đi làm thêm cũng có nhiều cái hay, nhất là vừa có tiền lương đỡ gánh nặng kinh tế cho cha mẹ, quen thêm nhiều bạn mới lại giúp em được “thử lửa”, trở nên mạnh dạn hơn”.

Sinh viên làm thêm dịp tết vừa có thêm chi phí trang trải việc học lại tích lũy kinh nghiệm.
Sinh viên làm thêm dịp tết vừa có thêm chi phí trang trải việc học lại tích lũy kinh nghiệm.

Bạn Tâm Như- sinh viên Trường ĐH Cửu Long- cũng không ngoại lệ. Mỗi trưa, sau khi làm thu ngân cho một quán cơm tấm thì em lại chạy bàn cho quán cà phê ở gần trường. Như cho biết: Quê em ở Sóc Trăng, hoàn cảnh gia đình khó khăn vì vậy mà tết năm nào sau khi kết thúc học kỳ là thì em đi làm thêm. Mỗi ngày thu nhập của em trên 120.000đ.

Với Tâm Như, công việc không quá vất vả nhưng thu nhập lại cao hơn ngày thường. Thêm nữa “em học được nhiều thứ lắm. Ví dụ như niềm nở chào hỏi khách tới quán, đi đứng phải nhanh lẹ, nói năng cũng phải nhẹ nhàng hơn, làm việc trách nhiệm hơn”- Như cười tươi nói.

Bên cạnh những công việc làm thêm quen thuộc như nhân viêc phục vụ, bán hàng, gói quà, không ít sinh viên cũng tìm được cho mình công việc phù hợp với ngành nghề mà lại có mức lương khá ổn.

Như nhóm bạn của Hoàng Phúc- sinh viên Kiến trúc- vừa nhận thiết kế cho cửa hàng bán trà sữa lại nhận thêm hợp đồng tại một shop thời trang ở TP Vĩnh Long. Phúc phấn khởi khoe: “Mỗi “job” như thế em tụi em được trả công cũng kha khá”.

Phúc chia sẻ, bản thân không đặt nặng vấn đề mưu sinh mà em làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Bởi đây không phải là năm đầu tiên em đi làm. Những năm trước em làm phục vụ ở quán trà sữa, khu vui chơi đến trang trí nhà cửa. “Mỗi công việc có vất vả, niềm vui riêng nhưng cho em cơ hội va chạm, giúp em tự tin và ngày một hoàn thiện bản thân”- Phúc cho biết.

Tất bật nghề “tay trái”

Cận kề tết, nhiều bạn trẻ ngoài công việc chính đi làm tại cơ quan, công ty còn tìm thêm nghề “tay trái”. Kinh doanh online các món ngon chuẩn vị “nhà làm” như tôm khô, khô cá lóc, lạp xưởng, dưa kiệu, kẹo chuối, mứt dừa,… chính là sự lựa chọn của không ít bạn trẻ. Bởi đây là những món quà tết rất ý nghĩa dành tặng gia đình, người thân, bạn bè mỗi dịp xuân về.

Những lon nước giải khát được bạn trẻ vẽ và trang trí bắt mắt rất được khách hàng chuộng.
Những lon nước giải khát được bạn trẻ vẽ và trang trí bắt mắt rất được khách hàng chuộng.

Hễ trước Tết Nguyên đán tầm 1- 2 tháng là chị Kim Hương (Phường 9- TP Vĩnh Long) lại tranh thủ giờ nghỉ để “order” các mặt hàng bánh phồng, mứt gừng, dưa kiệu truyền thống của gia đình. Theo chị, những năm trước, gia đình chị khá chật vật vì phải bán ở các chợ đầu mối.

Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ tận dụng mạng xã hội để kinh doanh cộng thêm buôn bán có uy tín nên chị được khách hàng quý mến, ủng hộ. “Nhờ thế mà tôi vừa có thêm thu nhập để chi xài cuối năm vừa giữ gìn những món ăn truyền thống của gia đình”- chị chia sẻ.

Còn chị Ngọc Linh (phường Trường An- TP Vĩnh Long) ngoài giờ làm việc ở cơ quan thì chị cùng với mẹ mình chuẩn bị các loại lạp xưởng, mắm tép, pa tê, tôm khô…

Một phần, chị bày bán tại nhà, phần khác chị tiếp thị trên mạng. Giá cả phải chăng, vừa ngon lại an toàn nên khách của chị ngày một nhiều hơn.

Chị cho biết: “Tôi học cách làm trên mạng, thử mấy lần đến khi thấy ngon thì mới làm bán. Tôi thường giới thiệu sản phẩm qua facebook, zalo cá nhân. Ai cần mua đến nhà lấy, còn số lượng lớn được giao hàng miễn phí”.

Không chỉ thế, các bạn trẻ còn kinh doanh hoa tươi, hoa vải, bao lì xì handmade, tranh thư pháp,… bởi những mặc hàng này không cần đầu tư nhiều vốn hay cửa hàng lớn mà vẫn dễ bán và có lời.

Gần tết là chị Thúy Hồng (Phường 9- TP Vĩnh Long) rủ thêm chị gái ở quê lên để cùng nhau vẽ thư pháp lên trái dừa cho khách trang trí tết.

Tết năm ngoái, chị bán gần trăm cặp dừa với giá khoảng 110.000- 160.000 đ/cặp. Năm nay chị còn mở rộng thêm vẽ chữ thư pháp Tết bình an- Xuân an khang, Tài, Lộc… lên lon nước giải khát theo yêu cầu. Bên những trái dừa tươi được trang trí bắt mắt, chị chia sẻ: “Nghề “tay trái” này đã mang đến cho tôi thu nhập kha khá khi tết đến xuân về”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh