Ở những vị trí công tác, lĩnh vực khác nhau nhưng những đoàn viên thanh niên ấy có chung niềm đam mê công việc và mong muốn cống hiến sức trẻ cho cộng đồng.
Ở những vị trí công tác, lĩnh vực khác nhau nhưng những đoàn viên thanh niên ấy có chung niềm đam mê công việc và mong muốn cống hiến sức trẻ cho cộng đồng. Người thì sáng chế ra vật liệu mới giúp nông dân làm giàu, người thì tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp... Họ lúc nào cũng khao khát được góp phần xây dựng quê hương.
Tài năng khoa học trẻ
Đến thăm chị Cao Lưu Ngọc Hạnh- giảng viên Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ vào một chiều nắng nhẹ. Dù đang tất bật hướng dẫn sinh viên đo độ cơ tính của vật liệu bằng máy đo kéo nén nhưng chị vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Chị cho biết sau khi nghiên cứu tạo ra được vật liệu phải kiểm tra tính chất cơ học như độ bền kéo, độ bền uốn và độ bền va đập. Đây là công đoạn để xác định vật liệu được ứng dụng cho trường hợp nào.
Chị Hạnh cho rằng không có gì ý nghĩa hơn khi tham gia nghiên cứu nhiều đề tài hữu ích cho cộng đồng. |
Chị kể: nghề nhà giáo là ngả rẽ thú vị vì chị trước giờ chưa hề nghĩ mình sẽ làm công việc này. Từ lúc còn là nữ sinh ở TX Bình Minh, chị đã luôn ấp ủ niềm đam mê nghiên cứu hóa học. Và trở thành sinh viên ngành công nghệ hóa học với chị đó là niềm vui và là cơ hội để nghiên cứu.
Rồi được giữ lại trường làm giảng viên tại Khoa Công nghệ, dù bộn bề với việc giảng dạy nhưng chị vẫn dành thời gian để tham gia hướng dẫn và nghiên cứu khoa học. Đối với chị, đó là niềm vui sáng tạo, sự khao khát được đóng góp trí tuệ và cống hiến sức trẻ. Đến nay, dù chỉ hơn 6 năm công tác chị Hạnh đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao.
Trong đó, đề tài “Nghiên cứu vật liệu composite nền nhựa phân hủy sinh học gia cường bằng sợi xơ dừa” do chị làm chủ nhiệm đề tài vinh dự được giải ba Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Theo chị, nghiên cứu này không những góp phần tạo nên bước đột phá lớn cho ngành vật liệu composite, mà còn nâng cao giá trị kinh tế của cây khoai mì và cây dừa, đồng thời còn nhằm mục đích bảo vệ môi trường.
Hay như đề tài “Hoàn thiện công nghệ tách sợi, chế tạo các dạng bán thành phẩm từ sợi dừa và ứng dụng cho vật liệu composite” cũng giúp ích cho nông dân ở Bến Tre. Vì vừa giải quyết việc làm, nâng cao giá trị cho cây dừa...
Đạt giải tài năng khoa học trẻ chị thấy mình càng phải cố gắng nhiều hơn. Chị cho rằng: “Không có gì ý nghĩa hơn khi dùng kiến thức để chỉ dẫn sinh viên và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài hữu ích cho cộng đồng”- chị chia sẻ. Nói về dự định sắp tới, chị cho biết sẽ dành thời gian để học nghiên cứu sinh. Sau đó tiếp tục nghiên cứu vật liệu composite thân thiện môi trường để làm những sản phẩm như: hầm ủ biogas, ngói, nón bảo hiểm...
Góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất gạch ngói
Chị Ly (phải) lúc nào cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. |
Nhiệt tình, thân thiện là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Lư Thị Hồng Ly- Phó Phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương tỉnh). Gần 5 năm công tác là khoảng thời gian chị đã luôn nỗ lực hết mình, bởi theo chị kiến thức ở giảng đường đại học khác với thực tế rất nhiều.
Chị luôn nắm bắt các chính sách, các thông tin, luôn sát cánh để tìm ra các giải pháp hiệu quả tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Đánh dấu bước ngoặt trong công việc là từ khi chị đảm nhận nhiệm vụ: tìm công nghệ mới để chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành sản xuất gạch ngói Vĩnh Long.
Chị cho biết, lúc đầu chị cũng “e ngại” vì trước đó đã có người không thực hiện được, cộng thêm đây là việc không đúng chuyên ngành. Thế nhưng, khi đó chị đã cùng các doanh nghiệp đi tham quan ở một số tỉnh để tìm hiểu về công nghệ cũng như các ưu điểm, hạn chế của các lò sản xuất gạch ngói.
Sau khi tham quan, so sánh với tình hình đặc điểm các miệng lò trong tỉnh chị cho ý kiến đóng góp về kỹ thuật, môi trường. Và ý kiến ấy được doanh nghiệp đồng tình. Thế là chị bắt tay vào làm đề cương với tên giải pháp “Lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long” trình Sở Khoa học công nghệ xét duyệt.
Trong khoảng thời gian 1 năm thực hiện, giải pháp gặp không ít khó khăn nhưng với sự đồng hành của doanh nghiệp cùng sự quyết tâm của chị mà nay giải pháp ấy đã đạt kết quả khả quan. Chị kể: Khi thực hiện giải pháp, có tổ chức hội thảo nhưng doanh nghiệp không chịu vì “chưa chắc ăn lắm”.
Thế nhưng sau khi triển khai thực hiện, họ đã được ứng dụng liền. Từ lợi ích thực tiễn của giải pháp này, các doanh nghiệp đã phục hồi và phát triển sản xuất gạch ngói. Giải pháp cũng được Trung ương Đoàn trao giải Sáng tạo trẻ. “Mặc dù chỉ góp phần công sức nhỏ để thực hiện giải pháp này nhưng tôi thấy vui lắm vì góp phần phục hồi phát triển ngành nghề truyền thống”- chị nói.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin