Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5

"Hãy đo đúng, kiểm soát tốt huyết áp để sống khỏe, sống lâu!"

Cập nhật, 15:06, Thứ Tư, 17/05/2023 (GMT+7)
Người trẻ bị biến chứng THA gây đột quỵ điều trị tại BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ.
Người trẻ bị biến chứng THA gây đột quỵ điều trị tại BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ.

(VLO) Đó là chủ đề của Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp (THA) của năm nay. Đây là bệnh lý có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tăng huyết áp ở người trẻ

Khi nghe đến bệnh lý THA, nhiều người nghĩ đây là bệnh ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhịp sống nhanh và lối sống sinh hoạt không đúng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh lý THA là do lối sống, chế độ sinh hoạt không đúng, dẫn đến nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh như: thói quen ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu, ít vận động, tình trạng béo phì, thường xuyên căng thẳng, lo âu…

Bệnh THA đa phần không có triệu chứng. Nguy hiểm hơn, có đến 90% người bệnh không có nguyên nhân gây bệnh.

Ở người trẻ tuổi, tâm lý chủ quan khiến nhiều người vô tình phát hiện bệnh khi đến khám sức khoẻ tổng quát hoặc nghiêm trọng hơn là khi đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Nằm điều trị đột quỵ tại BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, anh N.D.Q. (42 tuổi, TP Cần Thơ) chia sẻ, do công việc nên uống bia, hút thuốc lá khá thường xuyên và gần như ngày nào cũng có.

Gần đây anh cảm thấy mệt mỏi, hay choáng váng chóng mặt, mất thăng bằng, bị đột quỵ nhẹ và đã khám ở một BV khác nhưng chẩn đoán chưa rõ ràng. Anh Q nói: “3 ngày trước anh thấy tê yếu nửa người nên vào SIS Cần Thơ, phát hiện anh bị hẹp động mạch não giữa, THA, đồng thời bị luôn đái tháo đường”.

Trường hợp khác là anh V.T.C. (34 tuổi, TP Vĩnh Long). Anh cho biết: Trước đây, mỗi lần đo huyết áp thấy chỉ số hơn 160 nhưng thấy cơ thể không có gì bất ổn nên anh cho rằng đó là chỉ số bình thường ở bản thân mình.

“Chiều đi làm về, tôi thấy nhức đầu, mệt, rồi vợ thấy bị méo miệng nên đưa qua BV SIS khám. Qua kiểm tra, bác sĩ cho biết bị biến chứng do THA”- anh C. cho biết.

Mỗi người có thể chủ động phát hiện THA bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Mỗi người có thể chủ động phát hiện THA bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường- Trưởng khoa Tim Mạch, BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, khi huyết áp tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan như tim, thận, não, mắt...

Cụ thể là làm cho cơ tim dày lên, dẫn đến suy tim; nguy cơ gây đột quỵ do nhồi máu não hoặc xuất huyết não; gây phù gai thị; tăng nguy cơ suy thận. THA gây ra đau đầu, chóng mặt, choáng váng.

Tuy nhiên cũng có khi THA diễn biến âm thầm, nên còn gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. THA lâu ngày làm cho mạch máu xơ vữa, vôi hóa, hẹp dần gây biến cố tim mạch, não, suy tim âm thầm.

“Nguyên nhân THA, bên cạnh việc ngại đến BV tái khám, bệnh nhân bỏ, không uống thuốc huyết áp, uống lại toa thuốc cũ,…Ngoài ra, những thói quen sinh hoạt, áp lực cuộc sống làm cho người dân căng thẳng, stress, mất ngủ. Các tác động đó làm cho chỉ số huyết áp dao động, tăng vọt”- BS  Mạnh Cường  cho biết.

Hãy nhớ huyết áp như… nhớ tuổi của mình

Trước tình trạng bệnh THA ngày càng trẻ hóa, GS-TS Trương Quang Bình khuyến cáo, cách tốt nhất để phát hiện bệnh THA kịp thời là đi khám sức khỏe định kỳ. Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, là rất quan trọng.

Mỗi người có thể chủ động phát hiện THA bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là THA.

Ngay khi phát hiện THA hoặc có những triệu chứng (dù chỉ thoáng qua) như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... thì nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ: thói quen ăn mặn, môi trường sống ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc THA nên khám sức khỏe định kỳ.

Người bệnh duy trì theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp tự động.
Người bệnh duy trì theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp tự động.

Để đạt hiệu quả trong điều trị THA, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh THA buộc phải uống thuốc theo toa bác sĩ hàng ngày để kiểm soát huyết áp dù chỉ số huyết áp đã ổn định.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn. Khi thăm khám trực tiếp, bác sĩ đánh giá triệu chứng, có thể yêu cầu thêm xét nghiệm máu, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính... Trên cơ sở đó, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc, đổi thuốc mới và tư vấn chăm sóc phù hợp.

Người bệnh THA kèm các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận, suy tim… cần tái khám định kỳ để được kiểm tra tình trạng huyết áp và bệnh đi kèm để điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc nếu cần.

Để phòng tránh và kiểm soát tốt bệnh THA, BS.CK2 Lê Thanh Đức- Trưởng khoa Cấp cứu BVĐK Vĩnh Long khuyến cáo: Người dân cần có một lối sống lành mạnh. Trong chế độ ăn, nên hạn chế ăn mặn; ít ăn thức ăn nhiều chất béo, thức ăn chế biến sẵn như mỡ, nội tạng động vật, dưa cà muối, thịt nguội, xúc xích…; hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá; nên ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Ngoài ra, cần duy trì cân nặng hợp lý, không để béo phì; tập thể dục thể thao đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng. Đo huyết áp thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh…

GS-TS-BS Trương Quang Bình chia sẻ: “Trị số huyết áp rất quan trọng cho sức khỏe của mỗi người, phải cập nhật trị số huyết áp định kỳ để có thể có kế hoạch phòng tránh THA và phát hiện THA sớm nhất có thể.Từ đó việc điều trị sớm sẽ giảm thiểu được những biến chứng của THA”.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN