Bị dị ứng với thuốc, hải sản, phấn hoa, phải làm gì?

Cập nhật, 09:53, Thứ Ba, 16/05/2023 (GMT+7)

Các bác sĩ cho biết tùy vào cơ địa mỗi người sẽ mắc một số loại dị ứng khác nhau. Phải chú ý xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiều người có cơ địa dễ bị dị ứng sau khi ăn hải sản - Ảnh: THU HIẾN
Nhiều người có cơ địa dễ bị dị ứng sau khi ăn hải sản - Ảnh: THU HIẾN

Làm gì khi xuất hiện dị ứng?

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị đang điều trị cho bệnh nhi T.N.S. (nam, 8 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) bị dị ứng, lở loét toàn thân nặng nề sau hai ngày ăn cua.

Bác sĩ kết luận bé bị hội chứng Stevens-Johnson. Sau hơn 20 ngày nằm viện điều trị, bệnh nhân đã tự do thở khí trời, tương tác với nhân viên y tế tốt và tự ăn cháo.

Hội chứng Stevens-Johnson (Stevens-Johnson Syndrome - SJS) là một loại phản ứng quá mẫn với thuốc, bao gồm thuốc không theo đơn, hoặc nhiễm trùng, như herpes hoặc viêm phổi không điển hình gây ra bởi Mycoplasma pneumoniae.

PGS Nguyễn Hữu Đức, thuộc Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho hay dị ứng là phản ứng của cơ thể để chống lại một chất lạ xâm nhập vào cơ thể. 

Mỗi người có cơ địa khác nhau, có thể dễ bị dị ứng hoặc không. Nhiều người uống thuốc nhưng không bị dị ứng, nhưng có những người sau khi uống thuốc cơ thể dễ bị dị ứng với thuốc.

Nếu dị ứng do uống thuốc, ăn uống mà cơ thể phát sinh những triệu chứng bất bình thường như: nổi mề đay, ngứa, khó chịu, buồn nôn, nôn…, người bệnh có thể đến nhà thuốc mua thuốc chống dị ứng.

“Người bệnh chỉ cần kể cho dược sĩ bán thuốc các triệu chứng dị ứng để được kê đúng thuốc. Nếu uống thuốc không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe”, PGS Đức cho hay.

PGS Đức cũng lưu ý trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng như sốc phản vệ, khiến người bệnh hôn mê, thì phải được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.

Bên cạnh đó, những người có tiền sử dị ứng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, hoặc chú ý đến các loại thức ăn.

Người dị ứng phấn hoa cần làm gì?

Bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn và bác sĩ Huỳnh Quốc Kha, trưởng phòng khám dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết dị ứng phấn hoa thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc mùa hè khi phấn hoa trong không khí nhiều nhất.

Còn dị ứng theo mùa có thể xuất hiện vào một mùa cụ thể như mùa thu (dị ứng với phấn hoa cây dương xỉ) hoặc mùa đông (dị ứng với bụi nhà hoặc nấm mốc).

Dị ứng phấn hoa thường đi kèm với triệu chứng như ngứa và chảy nước mắt, trong khi dị ứng theo mùa có thể có triệu chứng như ho, khạc, ngứa mắt, đau mắt, hoặc chảy nước mũi.

Một số cách tránh các triệu chứng dị ứng phấn hoa:

Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc nước muối sinh lý: Cách này có thể được sử dụng để rửa mắt và mũi thường xuyên, giúp loại bỏ phấn hoa và giảm triệu chứng như ngứa và chảy nước mắt.

Ngoài ra, nên đóng cửa sổ và sử dụng máy điều hòa: Trong mùa phấn hoa, hãy đóng cửa sổ để ngăn phấn hoa từ bên ngoài xâm nhập vào trong nhà.

Việc sử dụng máy điều hòa không khí trong nhà giúp lọc và làm sạch không khí, giảm lượng phấn hoa trong không gian sống.

Đồng thời, trong mùa phấn hoa, tránh phơi quần áo ngoài trời để không bị phấn hoa bám vào bề mặt quần áo và mang vào nhà.

Tránh khu vực nhiều cây cối: Cố gắng tránh tiếp xúc với khu vực có nhiều cây cối, đặc biệt vào đầu mùa xuân khi phấn hoa phổ biến nhất. 

“Nếu các biện pháp trên không đủ để giảm triệu chứng dị ứng, bạn hãy tìm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chi tiết về tình trạng và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm việc sử dụng thuốc dị ứng hoặc tiêm dị ứng”, các bác sĩ cho hay.

Theo THU HIẾN/Báo điện tử Tuổi trẻ