Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa rất sâu và rộng, khẳng định và ghi nhớ công ơn thời kỳ các Vua Hùng đã dựng nước. Hơn thế nữa, một nước có nền văn hóa được tôn vinh và phát triển, thể hiện qua sự tích truyền ngôi của Vua Hùng thứ 16, chứng tỏ từ buổi đầu bình minh lịch sử, nước ta đã khởi nguồn không chỉ bằng sức mạnh của quân sự, mà lấy sức mạnh "mềm" là văn hóa dân tộc làm nền tảng quan trọng.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa rất sâu và rộng, khẳng định và ghi nhớ công ơn thời kỳ các Vua Hùng đã dựng nước. Hơn thế nữa, một nước có nền văn hóa được tôn vinh và phát triển, thể hiện qua sự tích truyền ngôi của Vua Hùng thứ 16, chứng tỏ từ buổi đầu bình minh lịch sử, nước ta đã khởi nguồn không chỉ bằng sức mạnh của quân sự, mà lấy sức mạnh “mềm” là văn hóa dân tộc làm nền tảng quan trọng.
Vĩnh Long đã long trọng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 28/4. |
Lịch sử ghi nhận Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức năm 1470 được vua Lê Thánh Tông khởi xướng với mục đích tưởng nhớ công ơn khai thiên lập quốc của các vị Vua Hùng thời xưa, dựng nên quốc gia ta ngày nay.
Thời kỳ đầu, vua Lê Thánh Tông và vua Lê Kính Tông chọn ngày 11 và ngày 13/3 theo lịch âm để tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng (đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định mới chọn ngày mùng 10/3 âm lịch là ngày chính thức tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên cả nước cho đến ngày nay).
Cũng nhờ sắc dụ các vua Lê, mà trong thế kỷ XV nước ta đã xây dựng Khu di tích Đền Hùng với quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh (nay là xã Huy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đó là di sản vô giá như tài sản vật thể, phi vật thể thuộc hàng đặc biệt bậc nhất lịch sử mà tiền nhân đã để lại cho cháu con.
Bởi thông qua di tích, thông qua ngày giỗ tổ, tiền nhân muốn truyền lại muôn đời cháu con tinh thần chung nguồn cội, ý nghĩa sâu xa của chữ “đồng bào” rất đặc biệt của dân tộc, đất nước Việt Nam.
Là người con dân Việt, không chỉ đến ngày giỗ này mà ai cũng hướng vọng, mong ngóng ít nhất một lần trong đời được hành hương về vùng đất tổ linh thiêng leo hàng trăm bậc thang lên viếng Đền Hùng. Còn ai đã một lần đến sẽ mãi ấn tượng sâu sắc, không thể nào quên.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng Vua Hùng. Trong đó, lăng Vua Hùng với tương truyền là mộ Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân bay lên trời, Vua Hùng đã “hóa” ở đây.
Từ chân núi, leo 225 bậc thang xây bằng gạch mới lên đến đền Hạ. Ðền cũng được xây vào thế kỷ XV, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các Vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây, Hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giày lên cho vua cha nhân dịp Tết.
Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng- nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, thần Núi và thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng. Từ lăng Vua Hùng đi xuống, dưới chân núi (phía Ðông Nam) là đền Giếng. Trong đền có giếng Ngọc, 4 mùa đầy nước, trong vắt soi mặt được.
Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của Vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi mặt ở giếng này. Tại đây, mọi người có dịp được nhắc lại câu nói bất hủ của Bác Hồ, trên đường về tiếp quản thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngoài ra, quần thể di tích còn có đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim.
Đặt chân lên núi Nghĩa Lĩnh, viếng đền Hùng, thực sự cảm nhận niềm tự hào to lớn, khi dân tộc ta có một ngày giỗ tổ cho toàn dân mà có lẽ là đặc biệt nhất trên thế giới này. Trải qua thời gian, năm tháng ngày giỗ tổ càng được tôn vinh, chính thức trở thành ngày lễ trọng đại của nhân dân cả nước. Đó cũng là lý do UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Ngay từ năm 2007, Vĩnh Long đã tổ chức đoàn cán bộ về núi Nghĩa Lĩnh cung thỉnh “đất- nước” về an vị tại bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Kể từ năm 2008 đến nay, vào dịp mùng 10/3 âl hàng năm, lễ giỗ tổ luôn được tổ chức trang trọng tại đây. Ngày giỗ tổ năm nay, Sở Văn hóa-TT-DL đã đưa vào chương trình một sự kiện truyền dạy kỹ thuật gói bánh chưng, thay cho ngày hội gói bánh tét như mọi năm.
Tổ chức truyền dạy kỹ thuật gói bánh chưng tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. |
Có thể xem đây là việc làm có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tình yêu của lớp trẻ, nhất là người dân Nam Bộ, vừa có tính chất lưu truyền, bảo tồn một sản vật bánh chưng. Đó không chỉ là một món ăn trong văn hóa ẩm thực, mà là một thành tố đặc biệt quan trọng trong Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại- Giỗ Tổ Hùng Vương.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin