Ra khơi đón Tết với Trường Sa

Kỳ 2: Đảo là nhà, biển đảo là quê hương

Cập nhật, 05:42, Chủ Nhật, 15/01/2023 (GMT+7)

Lớp học đặc biệt của thầy Tình và các học trò ở đảo Trường Sa.
Lớp học đặc biệt của thầy Tình và các học trò ở đảo Trường Sa.

(VLO) Thời gian trên đảo Trường Sa, chúng tôi gần như “làm việc hết công sức” để không cho phép mình “bỏ sót” hình ảnh, hoạt động nào nhưng cũng khó mà ghi chép hết. Những tình cảm chân thành, ý chí rèn luyện, sự gắn bó chung lòng của quân dân… để biến những điều “không thể” thành hiện thực.

Người thầy dạy học ở Trường Sa

“… Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước Việt mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa! Nu na nu nống/ Nu nống nu na…”- theo tiếng đồng dao rộn ràng của các em nhỏ, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học TT Trường Sa có tán cây bàng vuông che nắng.

Đó là “bài ruột” mà các học trò của thầy giáo Bành Hữu Tình (SN 1983, quê Khánh Hòa) hay hát giờ ra chơi, dịp lễ tết văn nghệ với các chú bộ đội. Các em bảo “thầy Tình dạy hát, thầy Tình dạy chữ, thầy Tình cũng dạy múa luôn”.

Thú vị ở đây là các em từ mẫu giáo cho đến lớp 5 đều chung một thầy, một lớp. Thế mới có chuyện thầy giáo đang cầm tay chị lớp 1 nắn nót nét chữ, quay qua dạy anh lớp 3 làm toán, thì bé mẫu giáo mè nheo “thầy ơi con muốn chơi…”.

Nhưng đã quen với “áp lực” như vậy, nên thầy giáo cứ từ tốn làm theo yêu cầu của từng bé. “Đặc thù ở Trường Sa là học sinh ít nên phải học ghép.

Trong khi giảng bài cho lớp 5 thì học sinh lớp 3 tự ôn, lớp 1 tập viết. Dạy học nhưng tôi cũng làm “bảo mẫu” luôn…”- thầy Tình nói như tâm sự: “Vì tôi rất thích trẻ con. Quan trọng là mình biết tổ chức lớp học hài hòa, có lòng yêu trẻ thì mọi khó khăn đều vượt qua”.

Thầy Tình bộc bạch “duyên nợ” với đảo Trường Sa là vì… quá thiết tha dạy học ở Trường Sa: “Trước đó tôi dạy học ở Trường Tiểu học Suối Cát.

Trong một lần đến Khu tưởng niệm Gạc Ma (ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), đứng trước vòng tròn Gạc Ma bất tử, đọc về lịch sử anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma ngay trên mảnh đất quê hương, lòng tôi cuộn lên những cảm xúc thật lạ kỳ.

Tình yêu Tổ quốc, quê hương trỗi dậy. Cảm phục các anh, trong tôi càng thôi thúc mong muốn được làm điều gì đó cho Trường Sa”.

Khi biết Sở GD - ĐT tỉnh Khánh Hòa thông báo tuyển giáo viên đi Trường Sa, thầy Tình thức cả đêm viết bức tâm thư dài gần 5 trang giấy A4. Tháng 6/2018, thầy chính thức ra với Trường Sa, bắt đầu chuyến công tác đặc biệt trong cuộc đời mình.

“Tôi rất quyết tâm ra Trường Sa và sau 5 năm tôi thấy đây là quyết định sáng suốt nhất đời tôi”- thầy Tình khẳng khái.

Có lúc “nhớ nhà muốn khóc” và cũng chạnh lòng khi ai đó hỏi khi nào lập gia đình? Nhưng biển đảo quê hương đã chiếm trọn tình yêu của thầy từ bao giờ rồi, nên thầy Tình luôn đầy tự tin chắc như đinh đóng cột rằng: “Tương lai và trái tim tôi đặt hết cho Trường Sa”.

Vườn rau xanh tươi, nước ngọt thoải mái

Tình yêu của quân và dân bao thế hệ đã và đang bồi đắp cho Trường Sa mỗi ngày thêm xanh tươi, hiền hòa, tràn đầy sức sống. Được mệnh danh là thủ đô của huyện đảo - đảo Trường Sa là nơi dừng chân, trú ẩn cho các con tàu vượt qua phong ba, bão tố.

Các anh lính đảo chăm sóc vườn rau xanh tốt sau những giờ huấn luyện trên thao trường.
Các anh lính đảo chăm sóc vườn rau xanh tốt sau những giờ huấn luyện trên thao trường.

Với phương châm chủ động, tự chủ với ý chí và nghị lực, quân dân trên đảo, mà Trường Sa từ đảo cát trắng trở thành một hòn đảo rợp bóng cây tra, bàng vuông, phong ba… và rất nhiều màu xanh của cây trái, rau củ khác.

Dẫn chúng tôi ra vườn rau tươi tốt phía sau nhà với đủ loại chuối, ớt, mồng tơi, cải… bên cạnh chuồng nuôi gà, heo - anh Nguyễn Minh Vinh - hộ dân nhà số 5, cho biết các hộ dân trên đảo đều tự trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn gia đình.

Mặc dù thời tiết “từ tháng 10 đến ra Giêng gió Đông Bắc tràn về mang theo nhiều sương muối, không trồng rau được”, nhưng “dân đảo” tìm cách che chắn để rau luôn xanh tốt quanh năm “ăn không hết”.

Trong khi đó, chị Võ Thị Sông - vợ anh Vinh, thì khoe hầm trữ nước mưa đầy ắp “nhà nào cũng có” giúp cho các hộ dân ở đây “có nước ngọt xài thoải mái”. Nhờ vậy, việc tắm giặt, sinh hoạt và nước tưới rau không thiếu.

Gia đình chị có 2 cháu, năm học này cháu lớn lên lớp 6 đã chuyển vào đất liền ở với ông bà tiếp tục đi học và theo chị Sông “cháu vừa kết thúc học kỳ 1 và đạt loại khá.

Mặc dù học tiểu học ở ngoài đảo điều kiện thiếu thốn, nhưng nhờ thầy Tình dạy tận tâm nên cháu nắm vững kiến thức từng lớp học và theo kịp chương trình học như các bạn đất liền”.

Nghe nhà kế bên có khách đến, chị Nguyễn Thị Phương Dung - hộ dân nhà số 6, liền bưng chè đậu xanh, chè trôi nước mời chúng tôi rất nhiệt tình: “Phải ăn chén chè trên đảo với gia đình tui”.

Thật ngọt ngào và thân thương làm sao. Chị Dung cho biết vẫn giữ văn hóa truyền thống nấu chè cúng rằm, ngày 30, đi chùa lễ Phật khấn vái cho gia đình mạnh khỏe, cho dân đảo sống an vui.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - hộ dân nhà số 4, cũng góp chuyện: “Người thân ở đất liền thấy chúng tôi sung túc như vậy cũng yên tâm. Chúng tôi rất tự hào bởi mình ở đây cũng là góp tay bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Theo ông Trần Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND TT Trường Sa, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân cả nước hướng về Trường Sa, cơ sở vật chất của đảo được đầu tư ngày càng hoàn thiện, chăm lo đời sống, sức khỏe cho bà con ngày càng tốt hơn.

Hiện nay, “đảo Trường Sa được “khoác áo mới” với cây xanh bao phủ, không gian thoáng mát xanh, sạch, đẹp. Các hộ dân có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống, có phương tiện nghe nhìn để người lớn xem thời sự, ca nhạc, các cháu được xem phim hoạt hình, truyện cổ tích”- ông Hoàng cho biết.

Tình quân dân gắn bó

Thật ngạc nhiên giữa bao la sóng gió biển khơi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng những vườn rau sau nhà người dân hay vườn tăng gia của các đơn vị luôn tươi tốt.

Không chỉ phục vụ bữa ăn gia đình, đơn vị, mà “khi nào chuối chín tôi sẽ đem cho anh em bộ đội cùng ăn”- anh Vinh chăm chút buồng chuối hơn chục nải nói vậy.

Anh Vinh - chị Sông và mái ấm của mình trên đảo Trường Sa.
Anh Vinh - chị Sông và mái ấm của mình trên đảo Trường Sa.

Chị Mỹ Dung cũng bảo rằng: “Đây là cái Tết thứ 5 tôi ở Trường Sa. Xa quê, xa người thân nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm của bộ đội, chiến sĩ quan tâm, hỗ trợ vật chất và cả đời sống tinh thần. Cuộc sống gia đình đầy đủ, ấm no, yên tâm không lo thiếu thốn gì so với trong bờ”.

Theo Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, dù cách xa đất liền, cuộc sống ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, song quân và dân Trường Sa luôn đoàn kết, đồng lòng vượt qua thử thách, hăng say lao động, cống hiến quên mình để xây dựng quần đảo ngày càng phát triển vững chắc, xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước và “làm giàu” cho cuộc sống nơi đảo xa.

Những công trình tưởng chừng không thể thực hiện được thì ở đất liền có gì, bây giờ ở đảo Trường Sa có thứ ấy.

Đó là những vườn rau xanh mướt với đủ các chủng loại, những chậu cây cảnh được cắt tỉa rất công phu, những “tuyệt chiêu” về nuôi gà, vịt, heo… sao cho thích hợp với thời tiết, đều được những người lính đảo cùng người dân thực hiện sau những giờ huấn luyện trên thao trường.

“Đảng ủy, Chỉ huy đảo luôn xác định, dù trong bất luận hoàn cảnh nào, quân và dân trên đảo cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thường xuyên chăm lo, vun đắp mối quan hệ máu thịt quân dân, tạo bầu không khí dân chủ, đoàn kết, thương yêu, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, quân dân trên đảo là anh em ruột thịt”.

Chung tay thi đua xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”- Thượng tá Phạm Thế Nhương nói tình quân dân gắn bó tạo sức mạnh làm nên bao việc phi thường.

Kỳ sau: Từ An Bang qua Đá Đông

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC