Đến xứ sở triệu voi cảm nhận nét đẹp văn hóa Lào

06:12, 08/12/2022

"Tình hữu nghị Việt - Lào"- tôi đã được nghe, thấy và có dịp tiếp xúc những người bạn Lào ở Việt Nam. Nhưng khi đến Lào, tôi càng quý mến đất nước và con người xứ sở triệu voi hơn. Đó là tình cảm láng giềng "chua ngọt đã từng", là "tình cảm anh em, đồng chí" trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa.

 

“Tình hữu nghị Việt - Lào”- tôi đã được nghe, thấy và có dịp tiếp xúc những người bạn Lào ở Việt Nam. Nhưng khi đến Lào, tôi càng quý mến đất nước và con người xứ sở triệu voi hơn. Đó là tình cảm láng giềng “chua ngọt đã từng”, là “tình cảm anh em, đồng chí” trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa.

5 ngày đêm ở Lào là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để tôi cảm nhận được về đất nước Lào hiền hòa, thân thiện với những nét đẹp văn hóa rất riêng. Để yêu thương vùng đất, con người nơi đây và trân quý hơn tình hữu nghị Việt - Lào “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Kỳ 1: “Sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn”

Sân bay Pakse - Champasack, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Sân bay Pakse - Champasack, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Nửa ngày di chuyển đến những vùng khác nhau của hai đất nước Việt Nam - Lào cho tôi những trải nghiệm, tích góp thế giới quan sinh động, thú vị. Người Lào và người Việt Nam có nhiều nét tương đồng về ngoại hình nhưng cách đi đứng, ứng xử, cách làm việc cũng khá khác biệt và có những nét hay riêng. Sự hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và cách “sống chậm” làm nên sự điềm đạm của người Lào. Phải chăng, cuộc sống vội vã đã khiến ta quên đi nhiều thứ, ngẫm cách “sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn” là điều rất thú vị.

3 sân bay 2 nền văn hóa

Len lỏi giữa dòng người - xe hối hả, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rao chào hàng,… xe chúng tôi đã đến sân bay. Khởi hành từ Vĩnh Long đến sân bay Tân Sơn Nhất ngót nghét hơn 5 tiếng vì xe cộ đông đúc. Vào sân bay lại thêm một hành trình rồng rắn xếp hàng làm thủ tục. Sắp tới phiên mình, tôi đã tháo sẵn ba lô, nón,… tôi có kinh nghiệm sợ sự chậm chạp làm ảnh hưởng mọi người.

Chiếc máy bay ART - 72 - 500 màu trắng với điểm nhấn là hoa chăm pa không thể nhầm lẫn với bất kỳ máy bay nước nào. Thích thú, nhiều người tranh thủ chụp hình “check in” vài tấm. Hoa chăm pa là quốc hoa Lào, là đại diện cho tính cách đôn hậu, hiền hòa, chân thành của người dân Lào và niềm vui, may mắn, tốt lành trong cuộc sống.

Lào Airlines cũng như Việt Nam Airlines từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang Thủ đô Viêng Chăn sẽ quá cảnh sang nước khác hoặc khu vực khác. Nếu như Việt Nam Airlines quá cảnh sang Thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia để rước thêm khách sang Lào thì Lào Airlines dừng tại sân bay Pakse - tỉnh Champasack để đón thêm khách từ Nam Lào đi Thủ đô Viêng Chăn.

Check in máy bay Lào Airlines.
Check in máy bay Lào Airlines.

Sân bay Pakse nhỏ hơn sân bay Cần Thơ nên không quá khó di chuyển hay sợ lạc. Tuy nhiên, việc quá cảnh cũng cần xếp hàng đợi chờ. Khi sắp đến lượt nhóm chúng tôi làm thủ tục thì mới biết mình xếp… nhầm hàng. Hàng vào cửa số 1 dành cho khách quá cảnh và hàng thứ 2 chỗ chúng tôi đứng, là dành cho khách mới lên máy bay từ sân bay này. Các cô đi chung máy bay xếp hàng sau chúng tôi nhanh chóng quay về cửa số 1.

Chuẩn bị tinh thần “bị ăn mắng”, chúng tôi quyết định là “lỡ rồi”, xem phản ứng nhân viên sân bay rồi tính. Trong đầu tôi đã chuẩn bị, sắp xếp tiếng Anh để “lý do lý trấu” cái chuyện nhầm lẫn của mình. Tới lượt tôi- người đầu tiên của nhóm “đi lộn”, chuẩn bị tinh thần cho thái độ khó chịu của nhân viên sân bay. Tôi cố gắng sắp xếp từ “Excuse me, can you help me?”. Nhưng đáp lại là thái độ niềm nở của anh chị nhân viên làm tôi nhẹ lòng và tôi hoàn tất thủ tục quá cảnh mà không bị “ăn mắng” lời nào. Chị nhân viên ở bộ phận soi hành lý còn nhẹ nhàng giúp tôi để hành lý nhanh chóng qua băng chuyền. Trái với cái không khí nóng ẩm, những nhân viên sân bay ở Lào đã cho chúng tôi cảm giác dễ chịu, thoải mái và an lòng dù vẫn phải chờ đợi.

Điềm đạm như người Lào

Máy bay Lào Airlines cất cánh một lần nữa, dòng sông Mekong uốn lượn như một tấm khăn choàng màu đỏ gạch ôm màu xanh ngút ngàn của vườn cây, cánh đồng. Những ngôi chùa cổ kính mái vòm cong vút, vàng óng ánh dưới nắng chiều, từ trên cao vẫn thấy rõ tượng Phật trước cổng chùa.

Thủ đô Viêng Chăn đón khách bằng ánh nắng nhè nhè ban chiều, không khí oi ả dù trời đã sang thu. Cùng những người khách Lào từ từ bước xuống sân bay Wattay bằng cách đi bộ vào nhà điều hành, mọi mệt mỏi của chuyến hành trình dài cũng vơi đi.

Những người bạn Lào ra đón chúng tôi tận sân bay trong trang phục truyền thống Sinh, búi tóc cài hoa chăm pa duyên dáng. Sân bay quốc tế Wattay có lượng khách vừa phải như sân bay quốc tế Cần Thơ, do đó hành khách thoải mái không phải đợi chờ quá lâu. Về cái không khí hơi oi bức và lượng xe ô tô thì như Thủ đô Hà Nội sắp vào hè.

Đoạn đường từ sân bay về khách sạn không xa nhưng cũng mất tầm 45 phút đi ô tô. Chúng tôi say mê ngắm nhìn những công trình, ngôi chùa ở nước bạn. Thỉnh thoảng, lại thấy trụ sở ngân hàng, công ty Việt Nam tại Lào: VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Unitel... theo anh bạn hướng dẫn người Lào thì ngân hàng lớn ở đây là Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt.

Xe chúng tôi từ từ chạy trên những con đường, không có thắng gấp và không có tiếng còi xe. Anh bạn đi cùng cười, nói: “Xe ở Lào rẻ hơn Việt Nam vì không có gắn kèn xe đó mọi người”. Thật vậy, dù đông đúc, chờ đợi chúng tôi không nghe một tiếng còi xe nào, điều thật hiếm thấy ở quê mình.

Đường phố Lào tấp nập xe cộ, ít thấy thùng rác nhưng ít thấy rác ven đường.
Đường phố Lào tấp nập xe cộ, ít thấy thùng rác nhưng ít thấy rác ven đường.
Ở Lào, nếu vào quán ăn mà thiếu thứ gì hoặc chờ đợi lâu thì không nên nhắc nhở nhiều lần. Có lẽ câu “muốn nhanh thì phải từ từ” được xuất phát từ Lào. Hãy học cách chờ đợi, đừng vội vã, đừng hối thúc vì như vậy sẽ làm nhân viên rối và chậm thêm.

Một điểm đặc biệt ở Lào là thùng rác không dày đặc nhưng trên đường dù có hay không có vỉa hè cũng không thấy rác bừa bãi. Ít quán cà phê ăn sáng và không có người bán vé số dạo. Vé số Lào được để trên bàn nhỏ dọc lề đường, bàn được trải khăn chỉnh tề, nhìn từ xa cứ như là bán đồ mỹ nghệ.

Anh VilayPhon Vonesy (biệt danh là Út) - cán bộ Bộ Nông lâm Lào đang là học viên Trường ĐH Cửu Long, người dẫn tôi tham quan Viêng Chăn nói: “Ở Lào ít có những quán ăn mở cửa sớm như Việt Nam vì người Lào thường ăn sáng tại nhà. Đặc biệt, như cà phê đá thì không phải lúc nào cũng có vì khoảng 8 giờ mới có nước đá”.

Người Lào rất chú ý ăn mặc, đi đâu, làm gì họ đều ăn mặc chỉn chu, lịch sự. Phụ nữ Lào mặc váy truyền thống dài qua gối, áo tay dài hoặc lửng, không có áo sát nách, ngắn tay và khi đi làm thường trang điểm tinh tế.

Có thể nước bạn Lào còn nhiều khó khăn về kinh tế, khoa học công nghệ chưa tiến bộ như nhiều nước trên thế giới nhưng giá trị tinh thần, phong cách con người Lào làm tôi suy nghĩ, học hỏi rất nhiều. Phải chăng, thỉnh thoảng chúng ta nên “sống chậm” lại để yêu thương mình và mọi người thân nhiều hơn. Sự thân thiện, điềm đạm, thanh lịch của người dân nước bạn Lào là bài học bổ sung văn hóa đầu tiên tôi mang về như thế.

Những ngày sau đó ở Lào, hình ảnh con người ở đây vẫn không thay đổi. Chúng tôi chưa từng bắt gặp sự vội vã, ồn ào của người Lào, cũng chưa thấy người Lào lớn tiếng gây gổ về chuyện gì. Trong những cuộc hội thảo hay việc tính tiền trong siêu thị, người Lào tự động xếp hàng ngay ngắn, từ tốn chờ đến phiên mình.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 2: Viêng Chăn - Thủ đô hiền hòa bên dòng Mekong

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh