Phát triển thủy lợi trên quê hương bác Sáu Dân

Cập nhật, 06:31, Thứ Hai, 28/11/2022 (GMT+7)

 

 Cống Vũng Liêm - công trình thủy lợi lớn, tiêu biểu của huyện Vũng Liêm, của tỉnh Vĩnh Long đang vận hành, khai thác hiệu quả.
Cống Vũng Liêm - công trình thủy lợi lớn, tiêu biểu của huyện Vũng Liêm, của tỉnh Vĩnh Long đang vận hành, khai thác hiệu quả.

Vũng Liêm, quê hương của Nam Kỳ khởi nghĩa, của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân. Những năm qua, quê hương này đã có những bước tiến nhanh chóng về thủy lợi, góp phần to lớn trong phát triển nông nghiệp - nông thôn của địa phương, trong đó có những góp ý quan trọng của bác Sáu.

Bác Sáu Dân góp ý về xây dựng cống Vũng Liêm

Trong những lần về thăm quê, nói chuyện với các vị lãnh đạo của tỉnh và huyện Vũng Liêm, sau khi hỏi thăm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bác Sáu nhiều lần gợi ý rằng Vũng Liêm là vùng đất khó, bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn, còn nhiều diện tích đất phèn, mặn nên cần quan tâm đến công tác thủy lợi, mới có thể tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp - nông thôn của huyện.

Còn nhớ, khoảng năm 2006, khi đó tôi là một cán bộ kỹ thuật thủy lợi, có dịp tháp tùng với đoàn công tác của tỉnh để đón bác Sáu về thăm quê kết hợp khảo sát tình hình thủy lợi, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy không trực tiếp dự họp, nhưng được biết, sau khi nghe lãnh đạo huyện Vũng Liêm báo cáo về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân sau kỳ hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt mùa khô năm 2004 - 2005 và nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT trình bày về thực hiện Tiểu Dự án thủy lợi Nam Măng Thít do Bộ Nông nghiệp - PTNT đầu tư từ năm 2000, cùng với dự án tiền khả thi xây dựng cống Vũng Liêm trên sông Vũng Liêm để ngăn mặn, trữ nước tưới, sinh hoạt cho huyện Vũng Liêm, bác Sáu đã có góp ý mang tính mới, định hướng hết sức rộng mở.

Cụ thể, dự án tiền khả thi xây cống Vũng Liêm do Bộ Nông nghiệp - PTNT đề xuất và đầu tư, dự kiến xây cống Vũng Liêm trên đất liền như xây cống Nàng Âm tại xã Trung Thành Đông đã khởi công năm 2005, tại vị trí trùng với phần đất của UBND xã Trung Thành Tây ngày nay và tại đoạn cong của sông Vũng Liêm sau khi qua cầu Vũng Liêm. Cống có chiều rộng 50m, 2 khoan, đóng cửa tự động, thu hẹp hơn 50% mặt cắt dòng sông Vũng Liêm. Sau khi xây xong cống, đoạn cong của sông Vũng Liêm sẽ được chặn dòng, hướng dẫn nước sẽ qua cống Vũng Liêm.

Nghe xong, bác Sáu liền góp ý là đầu tư xây dựng cống Vũng Liêm là rất cần thiết, nhưng làm cống theo công nghệ cũ như vậy sẽ thu hẹp dòng chảy, cản trở giao thông thủy, mất nhiều đất đai, nhà cửa. Bác Sáu gợi ý cần nghiên cứu áp dụng công nghệ xây cống tiên tiến hơn sao cho không thu hẹp dòng chảy, không làm mất đất đai, nhà cửa của dân, thi công trên lòng sông.

Các năm sau đó, khi đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - PTNT, Ban Quản lý dự án thủy lợi 419 (chủ đầu tư) làm việc với tỉnh Vĩnh Long về dự án tiền khả thi xây cống Vũng Liêm, phía Sở Nông nghiệp - PTNT, UBND huyện Vũng Liêm có đề xuất phương án xây cống theo gợi ý của bác Sáu. Chủ đầu tư tiến hành khảo sát lại và đồng ý theo đề xuất của tỉnh, chuyển vị trí xây dựng cống tại vị trí như ngày nay, tức xây dựng trên lòng sông Vũng Liêm, cách cửa sông khoảng 700m, phương án thiết kế cống không thu hẹp lòng sông, thi công trong điều kiện “nền ướt”, không chặn dòng sông, ít ảnh hưởng cản trở đến giao thông thủy...

Ngày 17/9/2018 (hơn 10 năm sau), gợi ý của bác Sáu trở thành hiện thực, Bộ Nông nghiệp - PTNT khởi công xây dựng cống. Đến ngày 22/9/2020, cống xây xong, được bàn giao cho tỉnh Vĩnh Long quản lý. Cống Vũng Liêm có khẩu độ lên đến 75m (gồm 3 cửa, mỗi cửa rộng 25m), tăng 25m so với ban đầu, chiếm từ 70 - 75% diện tích mặt cắt ngang dòng sông, phục vụ tưới, tiêu, ngăn triều và xâm nhập mặn cho 11.375ha (thuộc huyện Vũng Liêm). Ngày nay, huyện Vũng Liêm cũng như tỉnh Vĩnh Long có công trình thủy lợi quy mô, hiện đại như vậy là nhờ góp ý thiết thực, sâu sắc và lớn lao của bác Sáu.

… và những công trình, dự án thủy lợi lớn ra đời

Từ khó khăn về điều kiện tự nhiên do thường niên bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn và nhằm mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nên sau năm 1975, công tác thủy lợi là quan tâm hàng đầu của tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Vũng Liêm, nguồn lực đầu tư cho thủy lợi của tỉnh tập trung rất nhiều cho huyện. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mô hình mẫu về thủy lợi của tỉnh đều dồn về đầu tư áp dụng tại đây, kết hợp với vận dụng sáng tạo của địa phương trong kế thừa khai thác những công trình thủy lợi đã có từ trước.

Có thể thấy, thủy lợi của Vũng Liêm có bước phát triển vượt bậc là từ khi được triển khai đầu tư thực hiện Tiểu Dự án thủy lợi Nam Măng Thít (năm 2000 - 2007) và khi xây dựng cống Vũng Liêm, đây là động lực thúc đẩy thủy lợi của huyện phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều công trình, dự án thủy lợi lớn được ra đời, không những nhằm mục tiêu dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng NTM và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong đó, có thể kể đến các công trình thủy lợi có quy mô lớn, hiện đại, như: Kênh Mây Phốp - Ngã Hậu dài 9.313m (nạo vét, mở rộng hoàn thành năm 2019), cống Nàng Âm rộng 20m (xây dựng năm 2007), cống Vũng Liêm rộng 75m, cống Cái Tôm cửa rộng 20m (xây dựng năm 2020), đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) dài 19.778m…

Theo ông Hồ Công Nguyên - nguyên Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, thay đổi lớn nhất trong vùng là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và giao thông nông thôn. Nhờ đầu tư lớn về thủy lợi đã “ngọt hóa” vùng đất nhiều phèn, mặn này trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, rồi dần dà chuyển mình trở thành vùng sản xuất chuyên canh cam sành, bưởi da xanh, xoài, sầu riêng, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong đóng góp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Đến nay, toàn huyện có hơn 526.000m đê bao, bờ bao, trên 1.100 cống, đập, bộng, 5 trạm bơm điện và hơn 600 tuyến kênh, rạch (dài trên 1.100km). Hệ thống thủy lợi hiện đã khép kín chủ động tưới, tiêu 100% diện tích canh tác (24.500ha, trong đó 50% là cây lâu năm), đồng thời tạo nền cho hệ thống giao thông bộ, nhất là giao thông nông thôn phát triển.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH