Bác Sáu Dân trong lòng dân Nam bộ

Kỳ 2: Người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm

Cập nhật, 11:36, Thứ Bảy, 24/12/2022 (GMT+7)

 

Đường dây 500kV Bắc - Nam đã giúp đất nước nhanh chóng thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đường dây 500kV Bắc - Nam đã giúp đất nước nhanh chóng thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực tế lao động, chiến đấu đã tôi luyện nên một “anh Sáu, chú Sáu, bác Sáu Dân”- người luôn tha thiết với cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mọi người dân, cái gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm.

Từ nhận thức đi đến hành động thực tiễn của một người nói ít làm nhiều, đã làm thì làm cho hết sức và dám chịu trách nhiệm, sống có trước có sau, trọn nghĩa vẹn tình và với tư duy đổi mới, bác Sáu là tác giả, là kiến trúc sư của nhiều công trình quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước.

Cái tâm và tầm Võ Văn Kiệt

Câu chuyện về việc xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, tính quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện ở phía Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế đất nước.

Tháng 2/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam. Ngày 5/4/1992, lễ khởi công xây công trình đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam tổ chức đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành... Điểm đặc biệt của việc xây dựng đường dây 500 kV chính là thời gian thi công chỉ trong vòng hai năm, sớm hai năm so kế hoạch. Thủ tướng Võ Văn Kiệt được phân công làm tổng chỉ huy công trình. Chỉ sau 3 năm vận hành (1994 -1997) đường dây 500 kV Bắc - Nam đã hoàn vốn, là công trình hoàn vốn nhanh nhất so với nhiều dự án lớn khác.

Trong “Những câu chuyện về anh Sáu Dân” - NXB Thông Tấn 2008, ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên Chuyên gia cao cấp văn phòng Chính phủ, Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1985 - 1994, ghi: “Tôi nhớ rất rõ những buổi cùng anh Sáu leo lên những đỉnh núi cao vút, kiểm tra việc xây dựng cột điện, kéo dây điện, anh em thanh niên quây quần, tíu tít bên chú Sáu thân mật như người nhà, không có sự phân biệt, xa cách giữa lãnh đạo với thanh niên. Anh Sáu ân cần hỏi thăm từng người gia đình, quê quán hỏi kỹ thức ăn, nước uống của anh em”.

Cũng trong quyển sách này, theo lời ông Vũ Ngọc Hải - Cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng: “Nếu không có anh Sáu Dân, công trình 500 kV Bắc - Nam không thể ra đời sớm và suôn sẻ như vậy được”. Đường dây 500 kV được chỉ đạo xây dựng theo cách “đánh du kích”, chia làm nhiều đoạn rồi cùng “đồng khởi” sau đó chỉ việc ghép nối các đoạn với nhau.

Trong hai năm thực hiện công trình, 6 lần Thủ tướng trực tiếp đi kiểm tra không chỉ qua loa, dễ dãi mà trực tiếp đến hiện trường, kể cả những nơi rất gian khổ như đỉnh đèo Lò Xo (Kon Tum). Mỗi lần đi kiểm tra, Thủ tướng không chỉ hỏi cán bộ mà còn quan tâm đến đời sống, công việc của từng công nhân. Nếu không có anh Sáu Dân trực tiếp chỉ đạo quyết liệt thì không thể hoàn thành sớm như vậy được”.

Ông Võ Văn Thạch (Tư Thạch) ở xã An Phước, Mang Thít) - chủ doanh nghiệp gạch gốm, đã từng được Thủ tướng ghé thăm, kể rành rọt từng lời bác Sáu Dân nói với ông, trong lần về Vĩnh Long sau khi đóng điện thành công. Ông Tư Thạch thuật lại y nguyên lời bác Sáu Dân: “Tới ngày hoàn thành đóng điện ở trạm Phú Lâm, nghe tiếng reo, “điện có rồi Thủ tướng ơi” chú sung sướng mà ra nước mắt”.

Chiều 27/5/1994 đóng điện thì 5 giờ sáng ngày hôm sau, bác Sáu Dân đã đến thăm  ông Vũ Ngọc Hải - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng khi đang chấp hành án là minh chứng cho thấy tấm lòng của Thủ tướng đối với cấp dưới.

 “Ông Hải có tội thì pháp luật đã xử rồi, còn công của ông với việc thực hiện đường dây 500 kV thì không thể nào phủ nhận được”. Sau đó, ngay tại phòng tiếp khách của trại giam Thanh Xuân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lấy chiếc huy hiệu đường dây 500 KV mà anh em ngành điện tặng trao lại cho ông Vũ Ngọc Hải.

Dám chịu trách nhiệm

Mỗi một công trình thành công là một quá trình nghiên cứu khảo sát từ các chuyên gia, đối với dự án xây dựng nhà máy lọc dầu, sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chọn Dung Quất (Quảng Ngãi).

Ngay cả đến khi về hưu, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn là người sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những dự án, những việc mình làm khi còn là Thủ tướng. Trong bức thư tay gửi kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XI, tháng 6/2005 góp ý cho dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác gắn liền với ý thức trách nhiệm của mình.

Ông viết: “Cho đến nay nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu, góp phần có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu bây giờ, trước những diễn biến của tình hình, Quốc hội phân tích và kết luận việc lựa chọn đó là sai thì người nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm đó phải chính là tôi Võ Văn Kiệt”.

Có thể nói, quyết định xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đặt nền móng cho sự phát triển Quảng Ngãi và kinh tế cả miền Trung bây giờ. Sau thời gian nghiên cứu, chọn địa điểm và dù gặp không ít khó khăn vì gặp không ít ý kiến trái chiều, đã có nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam như bây giờ. “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã cho chủ trương xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - người có ơn rất lớn với Quảng Ngãi”- ông Nguyễn Phú Đức - Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi nói. 

Không phụ lòng Thủ tướng, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - Đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, kể từ khi bán dòng sản phẩm thương mại đầu tiên năm 2009 đến nay, đã sản xuất hơn 75 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, tổng doanh thu ước đạt 1,29 tỷ đồng và nộp ngân sách đạt gần 194.000 tỷ đồng. Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động với 112% công suất, cung ứng khoảng 35% lượng xăng dầu trong nước, nộp ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Bác Sáu Dân là vậy! Mỗi công trình đều được khảo sát, nghiên cứu dựa trên lợi ích của nhân dân; điều gì tốt cho dân thì quyết tâm làm và làm cho bằng được.

Cầu Mỹ Thuận - cầu giây giăng đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á -  công trình mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cầu Mỹ Thuận - cầu giây giăng đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á - công trình mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những việc bác Sáu làm vì dân biết kể sao cho hết, chỉ tính riêng trong thời gian làm Thủ tướng ông đã đi đến 34 nước và Liên minh Châu Âu mở cánh cửa hội nhập cho Việt Nam. Năm 1994, email đầu tiên của nước Việt Nam là của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 1997, Việt Nam chính thức chính thức mở Internet và trên hành trình hội nhập ấy, mọi người sẽ không bao giờ quên công lao to lớn bác Sáu Dân, người giản dị, gần dân với tư duy đổi mới, có tâm, có tầm.

Những công trình, những dự án, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại trong thời gian 6 năm ông làm Thủ tướng:

- Năm 1992: Khởi công xây công trình đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam hoàn thành sau 2 năm. Quyết định 96/TTg về bãi bỏ chế độ đối với hàng hóa, ngoại tệ của Việt kiều mang theo khi về nước và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về nước.

- Năm 1993: Gặp gỡ kiều bào tại dinh Thống Nhất, thành lập Hội đồng Kiến trúc quốc gia; thành lập tổ chuyên gia tư vấn về Cải cách kinh tế và cải cách hành chính; ĐH Quốc gia Hà Nội ra đời.

- Năm 1994, thông xe cao tốc Thăng Long - Nội Bài; quyết định chọn địa điểm để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Quảng Ngãi; Chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.

- Năm 1995: Bình thường hóa quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam, xóa bỏ bao vây cấm vận; Việt Nam gia nhập ASEAN; xây tuyến đường, đê bao Yên Phụ cho Thủ đô Hà Nội; Quyết định thành lập ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

- Năm 1996: Quyết định 99/TTg “Về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL; quyết định xây dựng đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.

- Năm 1997:  Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho thành phố xây dựng đường hầm Thủ Thiêm; thi công hệ thống kênh T4, T5, T6; chỉ thị đẩy mạnh khai thác và phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười; cầu Mỹ Thuận được khởi công và khánh thành 3 năm sau đó; mở ra cao tốc Láng - Hòa Lạc đã giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh; phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam với điểm đầu tại Hòa Lạc, điểm cuối tại Bình Phước, tổng chiều dài khoảng 1.800 km, dự kiến đến năm 2025, toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau sẽ thông xe.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ 3: “Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng”

Các tin khác: