Về thăm 18 thôn vườn trầu

Cập nhật, 17:46, Thứ Sáu, 23/12/2022 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn - Bà Điểm) - vùng đất lưu giữ nhiều chiến công, hào khí của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 83 năm trước.

Nói đến địa danh 18 thôn vườn trầu, không ai không nhớ đến những người con ưu tú của vùng đất huyện Hóc Môn đó là đồng chí: Nguyễn Ánh Thủ, Phan Văn Hớn, Tố Kí… Cũng chính nơi đây những người chiến sĩ ưu tú kiên trung của Đảng, của dân tộc đã hoạt động, chiến đấu và anh dũng hy sinh như đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…

Bài 1: Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng

Một địa phương có hơn 70 địa chỉ đỏ, với 328 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.000 liệt sĩ như huyện Hóc Môn đủ minh chứng cho sự cống hiến và hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Một địa phương có hơn 70 địa chỉ đỏ, với 328 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.000 liệt sĩ như huyện Hóc Môn đủ minh chứng cho sự cống hiến và hy sinh vô bờ bến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

18 thôn vườn trầu - địa danh đã đi vào lịch sử với ý chí sáng ngời của lòng người, nơi chở che cho cán bộ cách mạng và là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng. Ở đó, người dân một lòng một dạ với Đảng, với quê hương, sự đoàn kết keo sơn đó được ví như “trầu hòa quyện với cau”.

Truyền thống hào hùng

Hóc Môn - Bà Điểm là một trong những vùng đất lâu đời thuộc phủ Gia Định, nơi cư dân người Việt đặt chân đến từ rất sớm trong hành trình mở cõi về phương Nam. Thời chúa Nguyễn, việc khuyến khích cư dân đến khẩn hoang đã thúc đẩy quá trình lập ấp, dựng làng. Từ 6 thôn ban đầu, vùng đất trù phú này phát triển thành 18 thôn với đặc điểm thổ nhưỡng tốt, phù hợp với cây trầu, cộng với kinh nghiệm của người dân, nơi đây trở thành vùng chuyên canh và cung cấp trầu, cau cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh.

Không chỉ vậy, 18 thôn vườn trầu còn gắn liền với lòng yêu nước, ý chí kiên cường của người dân và tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng sâu sắc. Khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Ðịnh năm 1859, nhân dân Hóc Môn - Bà Ðiểm không hề sợ "tàu đồng, súng thép", mà đã tham gia chiến đấu dưới các ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Trương Ðịnh (1859 - 1870), Nguyễn Anh Thủ (1871).

Nối tiếp tinh thần kháng chiến của những nghĩa quân, ngày 9/02/1885, tại 18 thôn vườn trầu, ông Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá đã lãnh đạo nghĩa quân từ Bà Điểm tiến vào huyện lỵ Bình Long (Hóc Môn), giết chết tên Ðốc phủ sứ Trần Tử Ca và tay sai, giải thoát nhiều người dân vô tội bị giam cầm.

Với cuộc khởi nghĩa mang tên Thập bát phù viên ấy, tên tuổi hai ông mãi được lịch sử lưu danh.

Chiếc nôi cách mạng

Xác định 18 thôn vườn trầu là nơi có tình cảm sâu sắc với cách mạng, nên nơi đây được chọn làm căn cứ để hoạt động. Theo TS. Ngô Chơn Tuệ - Khoa Lịch sử ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh: "địa lý của 18 thôn vườn trầu thuận lợi cho việc tấn công Sài Gòn - Gia Định, và rút lui về Long An, Đồng Nai nếu không may bị địch truy kích".

Nhiều người con ưu tú của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai đã về đây gây dựng phong trào cách mạng.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Mai Công Tài, lúc bấy giờ, nhà nhà trồng cau trầu đan xen như thành lũy che chắn để các chiến sĩ của ta ẩn nấp an toàn. Bởi vậy dân gian có câu ca: “Trầu vàng che những cánh chim/ Trung ương Đảng ở trong tim vườn trầu”.

Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương từ 18 thôn vườn trầu cũng được chuyển đi khắp nơi, một phần nhờ mưu trí của bà con xóm trầu.

"Một buồng cau cả trăm trái, người ta đánh dấu 1 trái thôi, chẻ ra, rồi chỉ thị, nghị quyết được nhét vào trong trái cau. Buồng cau đó được đưa đi, tới nơi, sẽ có người hỏi mua cau trầu, nói đúng mật khẩu, người bán sẽ cắt nhánh cau đó đưa cho người mua. Hồi xưa phần lớn phụ nữ đều ăn trầu, mỗi bà têm 5 - 10 tép, để vào cái khăn đi đâu cũng mang theo. Trong những miếng têm đó có miếng là tài liệu. Xong thì thôi, còn trong trường hợp bị xét quá, bố quá thì lấy miếng trầu có tài liệu bỏ vô miệng nhai nuốt luôn”- ông Tài từ tốn kể.

Hóc Môn- Bà Điểm trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống của người dân cả nước.
Hóc Môn- Bà Điểm trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống của người dân cả nước.

Không chỉ vận chuyển tài liệu mật, những người dân bán trầu ngày ấy còn làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, đưa cán bộ từ thành vào căn cứ và ngược lại. “Tài liệu, thuốc men, vật liệu tiếp tế cho căn cứ cách mạng ở vùng Bến Dược (Củ Chi hiện nay), Long An,… thì được ngụy trang, giấu vào các giỏ trầu, cau đưa tài liệu vào trong đó, rồi mình đưa đi bằng xe thổ mộ. Đó là cách liên lạc giữa đơn vị này với đơn vị khác để thông suốt chỉ đạo, điều hành cách mạng của Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy Sài Gòn - Chợ Lớn”- ông Nguyễn Sỹ Phước - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sỹ Ngã Ba Giồng kể.

Ðêm 22 rạng sáng 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Hòa cùng đồng bào 18/21 tỉnh, thành, nhân dân 18 thôn vườn trầu với gậy gộc, giáo mác đã dũng cảm chiến đấu. Cuộc khởi nghĩa đã gây chấn động toàn quyền Đông Dương, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân và viết thêm khúc tráng ca bất tử vào thiên sử hào hùng của dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

>> Bài 2: Giữ trọn hào khí “đất thép thành đồng”