Đến xứ sở triệu voi cảm nhận nét đẹp văn hóa Lào

Kỳ cuối: Những "đại sứ" nâng tầm mối quan hệ Việt - Lào

Cập nhật, 18:45, Chủ Nhật, 11/12/2022 (GMT+7)

 

Cặp đôi Lào thân thiện sẵn lòng chụp ảnh cùng khách Việt.
Cặp đôi Lào thân thiện sẵn lòng chụp ảnh cùng khách Việt.

Thong thả trên những nẻo đường của Thủ đô Viêng Chăn không khó để bắt gặp một bảng hiệu có 2 loại chữ Lào, Việt Nam và cũng không khó để tìm một người biết nói tiếng Việt tại Lào. Khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Lào và hàng chục ngàn người Lào đã từng học ở Việt Nam là những “đại sứ” giới thiệu về văn hóa con người Việt Nam- Lào, Lào - Việt Nam gắn kết tình hữu nghị.

Chợ đêm Viêng Chăn

Dạo chợ đêm hay các khu thương mại sẽ thấy sự gắn bó giữa người Lào - Việt Nam qua việc học hỏi ngôn ngữ, văn hóa của hai dân tộc. Chợ đêm rực rỡ sắc màu như ở Việt Nam và đan xen những quầy hàng “rất Việt Nam” là những quầy bán quà lưu niệm “rất Lào”.

Tại một quầy bán phụ kiện điện thoại, chúng tôi định hỏi xem có bán thẻ sim dung lượng dữ liệu không. Đang băn khoăn không biết nên dùng tiếng Anh hay tiếng Việt hay ra dấu để hỏi thì anh chủ quầy hỏi: “Anh chị muốn mua gì?”.

Cảm giác hạnh phúc ùa đến khó tả, chúng tôi không chỉ hỏi mua thẻ sim mà còn chuyện trò với anh như người thân quen. Anh tên Tuấn, quê ở Nghệ An buôn bán ở chợ đêm này cả chục năm rồi. Anh Tuấn thuê nhà trọ ở đây buôn bán, anh cười: “Anh chị cứ nói tiếng Việt nha, ở chợ đêm này khoảng 50% là người Việt nhá”.

Vậy là từ đó, chúng tôi muốn mua gì, giá bao nhiêu anh sẽ giới thiệu cho từ các quầy người Việt đến người Lào. Thật ngưỡng mộ cách nói hai thứ tiếng Việt - Lào liến thoắng như không có sự khác biệt của anh Tuấn.

Chính vì sự đan xen của nhiều quầy hàng Việt Nam - Lào nên chúng tôi có thể sử dụng tiền Việt Nam tại Lào. Tại các trung tâm thương mại, siêu thị của Lào cũng có quầy đổi tiền đồng Việt Nam sang kip Lào với giá quy định, nên không cần phải lo lắng đổi nhiều tiền kip trước khi sang Lào.

Vì có nhiều khách du lịch, kinh doanh tại Lào là người Việt Nam nên tiếng Việt khá phổ biến. Đó là chưa kể những bạn học sinh Lào, có thể nghe hiểu tiếng Việt vì được gia đình cho học tiếng Việt từ sớm, xong chương trình phổ thông có thể sang Việt Nam du học.

Nếu thèm món ăn Việt Nam thì bạn cứ yên tâm là Viêng Chăn có rất nhiều nhà hàng người Việt. “Ở đây món Việt nào cũng có hết á” - anh Út, người bạn Lào giới thiệu. Anh dẫn chúng tôi vào quán ăn khá nổi tiếng ở Thủ đô Viêng Chăn- quán Khởi Việt. Khởi Việt có 2 cửa hàng tại thủ đô và bán nhiều món ăn Việt Nam, cả món Lào.

Tô bún riêu Việt Nam giữa Thủ đô Viêng Chăn.
Tô bún riêu Việt Nam giữa Thủ đô Viêng Chăn.

Quán Khởi Việt thuộc hạng sang và điểm cộng đầu tiên là có “wifi free”. Bước vào quán, chúng tôi được mời nước đá- một phong cách Việt Nam không lẫn vào đâu được. Tôi mở menu ra, một hàng dài các món ăn Việt Nam có, Lào có như bún riêu, bò bía, phở,… (nhìn hình đoán tên - menu chữ Lào - PV). Tô bún riêu to và có rất nhiều riêu cua. Nếu không nhìn những người khách Lào đông đúc trong quán, chúng tôi đã nghĩ rằng mình đang ở Việt Nam.

Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có khoảng 7 triệu dân. Có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Lào. Hơn 60 năm qua, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Lào hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên ở mọi lĩnh vực.

 

Hòa nhập cùng phát triển

Trong những ngày làm việc tại Lào, từ trường học, diễn đàn, hội nghị,… ra đến chợ hầu như đâu đâu cũng có bóng dáng người Việt Nam. Cộng đồng người Việt ở Lào đã mang đến xứ sở hoa chăm pa những nét màu sắc văn hóa mới, trở thành những “đại sứ” với trách nhiệm thiêng liêng gắn kết tình hữu nghị keo sơn giữa hai đất nước Việt Nam - Lào.

Thành quả mà những đại sứ đem lại trước mắt là tình đoàn kết dân tộc, sâu xa hơn là những nét đẹp trong cách sống, trong văn hóa của nhau, để từ đó hòa nhập thành một cộng đồng cùng phát triển, hòa nhập nhưng không hòa tan vì mỗi dân tộc đều có nét đẹp riêng vốn có của mình.

Tại quán Khởi Việt, tôi có dịp trò chuyện cùng chị Trang- chủ quán, chị Trang mặc chiếc đầm xòe với nhiều hoa nhỏ, dài qua gối, tay áo dài tới khuỷu tay, lịch sự một cách rất Việt Nam. Chị Trang quê Hà Nội lấy chồng Lào hơn chục năm nay và định cư ở đây.

Chị Trang cười, chia sẻ: “Ở Lào quen, tôi cũng học cách sống từ tốn, không đặt nặng việc kiếm tiền. Mỗi năm vợ chồng tôi đóng cửa hai quán chừng mươi bữa, nửa tháng để về Hà Nội chơi. Mình làm cũng có lúc nghỉ ngơi, vui chơi chứ. Kỳ dịch rồi, tôi về mấy tháng luôn”.

Ở Viêng Chăn không chỉ có mỗi quán Khởi Việt mà còn nhiều quán ăn khác nữa của người Việt và người Trung Quốc vì đa phần người Lào không thích kinh doanh buôn bán.

Những người Lào từng sống, học tập ở Việt Nam cũng là những đại sứ ngoại giao văn hóa, góp phần giữ gìn và củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Cô Orlady Chanthavong- giảng viên Trường CĐ Tài chính Nam Lào, người hướng dẫn viên chính của đoàn Vĩnh Long hình như “chưa biết mệt mỏi và tức giận bao giờ”. Cô luôn niềm nở với tất cả chúng tôi và sẵn lòng giúp đỡ từ khi chúng tôi đến Lào tận lúc về Việt Nam.

Cô Orlady có tổng cộng gần 10 năm sống tại Việt Nam, từ lúc học tiếng Việt, ĐH và thạc sĩ ở Hà Nội. Bây giờ cô đang bảo vệ luận án Tiến sĩ ở TP Hồ Chí Minh. Có lẽ vì vậy, ở cô tôi bắt gặp sự giao thoa văn hóa Lào - Việt, ở sự chịu thương, chịu khó và tinh thần học tập, học nữa, học mãi. “Người Lào và Việt Nam giống nhau vì đều yêu hòa bình, hiền lành, hiếu khách và giàu tình yêu thương con người” - cô Orlady Chanthavong nói.

Tôi nhớ nụ cười và ánh mắt tươi vui, thân thiện để nhìn mọi người, trên môi luôn thường trực nụ cười để chúc bạn có một ngày mới vui vẻ, cách chấp tay lại hướng về phía trước và cuối đầu tỏ lòng thành kính “sa bai đê - xin chào”.

Nếu như trong chiến tranh Việt Nam - Lào đã kề vai sát cánh vượt gian nan bảo vệ Tổ quốc, thì trong thời bình hai nước cùng nhau phục hồi kinh tế - xã hội, cùng hợp tác trên các lĩnh vực để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân.

Kết thúc hành trình ở Viêng Chăn, tôi hẹn lòng sẽ đến đây vào một dịp khác, khám phá những vùng đất khác của nước bạn Lào. Chợt nhớ đến những câu thơ của Bác: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Hiện nay Việt Nam đang đứng thứ ba trong các nước đầu tư tại Lào với số vốn 4,6 tỷ USD. Trong đó, có các doanh nghiệp sản xuất điện, khai khoáng, nông nghiệp và dịch vụ các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN