Bác Sáu Dân trong lòng dân Nam bộ

12:12, 23/12/2022

Nói về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, quả thật không có cụm từ nào đầy đủ để nói về "chất ngọc" trong con người ông, nhưng có thể hiểu tư tưởng xuyên suốt làm nên "Dấu ấn Võ Văn Kiệt" là đại đoàn kết toàn dân tộc, đã làm nên một bác Sáu của nhân dân.

Nói về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, quả thật không có cụm từ nào đầy đủ để nói về “chất ngọc” trong con người ông, nhưng có thể hiểu tư tưởng xuyên suốt làm nên “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” là đại đoàn kết toàn dân tộc, đã làm nên một bác Sáu của nhân dân.

Với bác Sáu, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân nên mỗi vị trí, việc làm trái tim bác như đập chung nhịp đập với nhân dân và cái gì có lợi cho dân thì làm. Xin học ở bác Sáu Dân bài học vì Dân, tính khiêm tốn, tinh thần cầu thị, lòng khoan dung, nói đi đôi với làm … sống trọn nghĩa vẹn tình, để làm hành trang cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Chúng tôi hiểu rằng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt- bác Sáu Dân và những “dấu ấn Võ Văn Kiệt” không gói gọn thời gian 100 năm mà còn mãi về sau.

Kỳ 1: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm!

Thăm tượng đài, công viên bên dòng Kênh Võ Văn Kiệt.
Thăm tượng đài, công viên bên dòng Kênh Võ Văn Kiệt.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công bài học từ Người “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

Con người của Nam bộ thành đồng ấy, có sự táo bạo, cái nhìn thời đại, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Qua những công trình mang dấu ấn Võ Văn Kiệt là bài học “khơi sức dân” lấy dân làm “gốc” khi đã làm thì “có trước có sau”, “trọn nghĩa vẹn tình”.

Những quyết định làm nên “lịch sử”

Trong chuyến thăm kênh Võ Văn Kiệt (trước đây là kênh T5 - PV) ở xã Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang), chúng tôi được nghe câu chuyện “đất nhờ người có tên”. Đứng bên công viên và tượng đài Võ Văn Kiệt lồng lộng gió, hai bên bờ đồng lúa xanh mơn mởn, dòng nước son đã về nặng phù sa nhìn dòng kênh thông thống, chúng tôi lắng nghe câu chuyện về bác Sáu Dân như những “anh hùng mở cõi” trong lòng dân.

Ông Huỳnh Lộc - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Quới dẫn chúng tôi đi thực địa. Chỉ chúng tôi xem cánh đồng phía trước, ông nói: “Nguyên cánh đồng này nè, ngày trước toàn bộ nhiễm phèn, hoang hóa không trồng được gì, chỉ tính riêng xã Lạc Quới trên dưới 500 ha coi như bỏ”.

Ngày khởi công, dân trong vùng đến xem đông nghẹt, “thú thiệt hồi đó người dân cũng nửa tin nửa ngờ, không biết có xổ phèn được không nữa” - ông Lộc bộc bạch.

Rồi con kênh được khởi công, “toàn xe cơ giới mới không, đào thần tốc chưa tới 120 ngày xong, thẳng bon, bự chảng” - ông Lộc nhớ lại.

Kênh T5 đào xong, đầu tiên là giao thông đường thủy thuận lợi, ghe tàu chở lúa gạo, nông sản, vật tư, … từ Châu Đốc, Hà Tiên tới Tịnh Biên, tàu ghe chạy “ngon lành”. Tiếp đó là những cánh đồng hoang hóa hoặc trồng lúa mùa nổi đã trồng lúa được 1 vụ, giờ là 2 - 3 vụ.

Không chỉ đào kênh làm thủy lợi, người dân còn được bố trí tuyến dân cư vượt lũ, chỉ riêng xã Lạc Quới là 200 hộ sống an toàn. Từ đó, người dân Tri Tôn không gọi kênh T5 mà quen miệng gọi là kênh ông Kiệt và năm 2009, UBND tỉnh An Giang có quyết định đổi tên kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt.

Theo ThS. Lê Minh Tùng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật An Giang, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi xướng và để cả tâm huyết của mình vào vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ năm 1997 - 1999 các công trình được thi công là T4, T5 và T6. Với tinh thần khẩn trương vừa thiết kế, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công; bên cạnh đó, các kênh thông ra biển được mở rộng tấm ngăn mặn được xây dựng, “ông đã dành thời gian đi khảo sát thực địa, chủ trì nhiều cuộc tranh luận, hội thảo khoa học và đi đến quyết định mang tính đột phá và táo bạo là đào hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây để xổ phèn, lấy nước ngọt và đẩy mạnh khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên”- ông Tùng nói.

Công trình thoát lũ ra biển Tây gồm kênh T4, T5, T6 và các công trình phụ trợ đã phát huy tốt hiệu quả cải tạo lại đất đai, giúp hình thành nên một vùng lúa rộng 125.000 ha làm thay đổi diện mạo cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Cho đến hôm nay, hệ thống công trình của bác Sáu Dân để lại còn đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc trữ ngọt, chống hạn hán cho vùng.

Đối với tỉnh Kiên Giang, khi công trình thoát lũ ra biển Tây hoàn thành đã giúp tỉnh giảm thiệt hại do lũ; đồng thời, tăng hiệu quả các mặt từ kinh tế, đời sống, xã hội. Nước ngọt dồi dào giúp Kiên Giang đã giúp rửa và ém phèn, chuyển đổi từ trồng bạch đàn kém hiệu quả sang trồng lúa 2 vụ. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ phát triển.

Sau hơn 20 năm, Tứ giác Long Xuyên đã thành vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất ĐBSCL với diện tích khoảng 353.000 ha, tổng sản lượng lúa hằng năm đạt gần năm triệu tấn.

Ông Lương Thanh Hải - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Thành quả công trình thoát lũ ra biển Tây để có vựa lúa phát triển nông thôn hôm nay là có công rất lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đảng và nhân dân Kiên Giang nhớ ơn ông, đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt, ngoài ra một con đường lớn và một trường THPT ở TP Rạch Giá cũng vinh dự mang tên ông”.

Trên cơ sở công trình thoát lũ ra biển Tây, hiện nay thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Kiên Giang đã rà soát và từng bước điều chỉnh quy hoạch vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc Kiên Giang, quy hoạch, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Những cuộc “cách mạng” vì dân

Ngồi trên tắc ráng băng băng tung nước trắng xóa trên “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh”, chúng tôi nghe câu chuyện về khai phá vùng đất chua phèn mà nhiều nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu phải “bó tay”, như một cuộc cách mạng xanh. Giờ đây, Đồng Tháp Mười đã trở thành vùng sản xuất lúa, khóm, tràm, bạch đàn, … chủ lực của ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.

Theo báo cáo tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười của UBND tỉnh Đồng Tháp: “Giữa năm 1980, Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt triệu tập cán bộ lãnh đạo của ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang lên TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo việc khai thác Đồng Tháp Mười. Ông động viên ba tỉnh phải mạnh dạn tấn công vào Đồng Tháp Mười, không nhất thiết phải làm theo bài bản sách vở nào cả. Có gì khó khăn tôi sẽ giúp các anh”. Trước khi ra về, ông còn dặn thêm “các anh phải mạnh dạn tiến công vào Đồng Tháp Mười bằng màu sắc mới, kết hợp khoa học với kinh nghiệm thực tế địa phương để vận dụng. Nếu có mất thì chỉ mất một phần của Đồng Tháp Mười nếu được thì được cho cả nước”.

Hành trình 10 năm cải tạo đất đã mang về trái ngọt là Đồng Tháp Mười hôm nay, TS. Nguyễn Văn Đúng - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Chủ trương của Trung ương và các biện pháp của các địa phương tiến công vào Đồng Tháp Mười là sáng suốt, hoàn toàn đúng đắn và đã thành công”. Từ một vùng đất chết bạc ngàn lau sậy năm nào, Đồng Tháp Mười đã trồng được hơn 312.000ha lúa vào năm 1987 và gần 700.000ha vào năm 1996, năng suất lúa từ 1 - 2 tấn/ha tăng lên 3 - 7 tấn/ha tùy vùng.

Không chỉ có những công trình, dự án mà nhiều chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng xuất phát từ lợi ích nhân dân, vì dân mà làm.  Đó chính là Chỉ thị cấm đốt pháo, dù là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng gặp không ít phản ứng đến từ sự nuối tiếc của không ít người, vì giao thừa thiếu tiếng pháo như thiếu Tết. Nhưng chính cái tập quán hàng trăm ngàn năm ấy đã khiến nhiều người dân thiệt mạng, bị thương do đốt pháo; môi trường, sức khỏe và tiền bạc của nhiều người dân sống bị ảnh hưởng. Tết Nguyên đán Giáp Tuất 1994 đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra làm chết 71 người, bị thương 765 người và tiêu tốn 20 - 30 tỷ đồng.

Tết Ất Hợi 1995 - Tết đầu tiên thiếu tiếng pháo, nhưng vui hơn rất nhiều vì không có tai nạn thương tích gây ra. Giờ đây, đêm giao thừa mọi người cùng tập trung xem bắn pháo hoa vừa đẹp, vừa an toàn hơn rất nhiều.

Cùng với việc ký chỉ thị cấm đốt pháo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn chăm lo đời sống của người dân ở Bình Đà - nơi chuyên sản xuất pháo, chỉ đạo tìm nghề mới cho bà con. Bác Sáu Dân đã đến thăm người dân Bình Đà (Thanh Oai- Hà Tây), xem người dân sống ra sao và rất vui vì phần lớn người dân ở đây đã sống được bằng nghề may mặc.

Có thể nói, một lãnh đạo luôn “tận hiếu với dân”, luôn cảm thông và đặt mình vào vai trò nhân dân mới có những suy nghĩ thấu đáo cho dân như vậy.

Một tuyến đường quê tại xã nông thôn mới nâng cao, xã Mỹ Đông (Tháp Mười - Đồng Tháp)
Một tuyến đường quê tại xã nông thôn mới nâng cao, xã Mỹ Đông (Tháp Mười - Đồng Tháp)

Chỉ thị 200 về nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn do Chính phủ ban hành năm 1994 là Chỉ thị của một Thủ tướng gần dân, hiểu rõ về tập quán người dân nông thôn. Có thể, một số người dân khi từ bỏ thói quen có sự không hài lòng nhưng nhờ đó, người dân nông thôn có nước sạch, xóa nhà vệ sinh trên ao - hồ - sông - rạch.

Năm tháng rồi sẽ trôi qua nhưng những công trình, vùng đất gắn liền với tên tuổi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân sẽ luôn gắn liền với mảnh đất, con người Nam Bộ. Trăm ngàn năm sau, bia đá có thể mòn nhưng tượng đài bác Sáu Dân trong lòng dân sẽ còn mãi mãi.  

 

TS. Nguyễn Văn Đúng cho biết: “Người dân Đồng Tháp Mười coi Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một kiến trúc sư, cũng là tổng chỉ huy tài ba trong cuộc khai phá Đồng Tháp Mười những ngày đầu đầy gian nan thử thách”.

 

TS. Nguyễn Văn Đúng cho biết: “Người dân Đồng Tháp Mười coi Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một kiến trúc sư, cũng là tổng chỉ huy tài ba trong cuộc khai phá Đồng Tháp Mười những ngày đầu đầy gian nan thử thách”.

                                                                                                                     

 

BVL_at.JPG

 

Theo ThS. Lê Minh Tùng: “Có thể nói những thành tựu về khai thác phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên 40 năm qua là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng bộ và nhân dân trong vùng. Trong đó, giai đoạn đầu thì công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vô cùng to lớn”.

>> Kỳ 2: Người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh