Chúng tôi "đưa biển đảo về với đất liền"

Cập nhật, 13:49, Chủ Nhật, 19/06/2022 (GMT+7)

 

Phóng viên chụp ảnh cùng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long.
Phóng viên chụp ảnh cùng đoàn công tác tỉnh Vĩnh Long.

(VLO) Vượt qua những ngày dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, những ngày tháng Chạp năm Tân Sửu, chúng tôi- những nhà báo tỉnh Vĩnh Long- cùng đoàn công tác tỉnh nhà và các tỉnh khu vực phía Nam đến thăm, chúc Tết Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Vùng V Hải quân.

Hành trang mang đi là tình nghĩa đất liền và “chòng chành” mang về đầy ắp ba lô và cả trong tim là tình yêu biển đảo. Tình yêu ấy đã giúp chúng tôi vượt mọi khó khăn để mang hình ảnh và “tâm hồn” biển đảo yêu thương đến với mọi người.

Phòng “hồi sức”

Nhóm báo chí Vĩnh Long chúng tôi có 3 người, là anh Nguyễn Thành Phương, chị Võ Tường Vi- Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long và tôi Cao Huyền.

Chúng tôi đều đã từng đi công tác biển nhiều lần nhưng chưa lần nào tham gia một chuyến hành trình dài 8 ngày lênh đênh trên biển. Trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Khi mà những F0, F1 còn phải cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế và trước khi lên tàu thì đã có một đồng nghiệp báo “bị F0”. Tôi hồi hộp một chuyến đi mới để thử thách bản thân, mong chờ đến những hòn đảo xa xôi mà chưa một lần đặt chân đến đó.

Trước ngày lên đường, chúng tôi phải đến điểm test nhanh COVID-19 cùng đoàn Vĩnh Long và gấp rút hoàn thành công việc chuyên môn.

Gặp nhau tại điểm xuất phát, chúng tôi buồn cười về hành lý 7kg trong 8 ngày của mình. Ba lô trên vai, có thể quên lược, quên son nhưng luôn có máy ảnh + ống kính và laptop đi kèm. Đó là “cục cưng” của tôi, tôi sẵn sàng hứng mưa, chịu đau để bảo vệ “cục cưng” đó của mình.

Chúng tôi có thể giảm tải những vật dụng cho sinh hoạt cá nhân nhưng đồ dùng tác nghiệp thì “không thể thiếu”, để mang tin, bài, hình ảnh đẹp nhất, nhanh nhất của hành trình biển đảo về đến đất liền.

Tôi và chị Tường Vi được ở cùng phòng, căn phòng nhỏ nằm dưới tầng hầm của Tàu 924, phòng có tên, không phải số như những căn phòng khác, là Phòng Hồi sức.

Căn phòng chừng 10m2 được bố trí 4 giường tầng cho 8 người, chừa lối nhỏ đủ một người đi. Ngược lại với cái gió lồng lộng bên ngoài boong tàu và cái lạnh không chịu nổi ở máy lạnh tầng trên, phòng chúng tôi nóng như “hỏa diệm sơn” và vào đến phòng thì dù ở đâu điện thoại cũng không có sóng.

Nhưng “ưu điểm của phòng là ít rung lắc”, vì đây là phòng dùng cho những ca say sóng cần “hồi sức”.

Đêm đầu tiên trên tàu, tôi và chị Vi không ngủ được, trăn trở mãi và đợi mọi người ngủ xong thì chúng tôi lên phòng sinh hoạt chung viết tin. Xong việc lại mò mẫm xuống hầm, cố gắng ngủ để có sức cho hành trình “lắc lư” cùng con tàu.

Cái “lắc lư” khác nhiều so với ngủ trên xe giường nằm tầng trên; càng khác so với đi máy bay gặp thời tiết xấu. Nghe tiếng “bồm bộp” cứ ngỡ là mưa đêm, thương cho các anh em “ê kíp” tàu đang thức trắng vượt biển. Những con sóng làm người ta say như say rượu, để khi đặt chân lên đất liền mà thấy dưới chân mình mặt đất ngả nghiêng.

Nhưng đó chỉ là đêm đầu tiên, đêm thứ hai trở đi mới là “nỗi nhớ không bao giờ quên” của những người từng đi trong chuyến hành trình.

Bởi vì biển đẹp và cũng hay dỗi hay hờn như “em chưa 18”. Đêm thứ 2 biển động, cả tàu “nhảy sóng”, cái cảm giác chao đảo kiểu “chơi tàu lượn” liên tục 6- 7 giờ thì dường như không ai là không “uệ uệ”. Một người chưa từng biết say tàu xe như tôi cũng vật vã nằm trên giường, chị Tường Vi không húp nổi nước mì gói...

Khi tàu neo, muốn vào Hòn Khoai phải đổi sang tàu nhỏ và muốn sang tàu nhỏ phải leo cầu thang dọc mạn tàu lớn, đợi con sóng đưa tàu nhỏ lên cao thì nhảy xuống.

Đến tận bây giờ, tôi còn không tin nổi mình là một trong những người đầu tiên, ôm “cục cưng” nhảy xuống tàu nhỏ. Mắt không dám nhìn xuống, hai tay vịn chặt thanh cầu thang và lòng thì lo “ướt máy ảnh và laptop”.

Kỷ niệm vui của phóng viên Tường Vi với các chiến sĩ.
Kỷ niệm vui của phóng viên Tường Vi với các chiến sĩ.

Chị Vi dù xanh như tàu lá vẫn kiên quyết lên đảo tác nghiệp, chị ngồi bệt trên tàu nhỏ. Ấy vậy mà khi đến bờ, không biết sức lực đâu mà chị Vi tỉnh dậy “như một con chích chòe” hoạt động liên lục; tôi và những anh chị nhà báo khác lại bắt đầu chạy trước mọi người. Ừ thì mặc kệ mặt đất có bấp bênh, công việc phải hoàn thành thì có “say” cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những đêm ngày sau đó, con sóng có nhẹ nhàng hơn và thêm mấy bận đi tàu chuyền như thế mới đến được hòn, đảo nhỏ, nhưng dường như chúng tôi quen dần.

Và chị Vi đã đủ sức để check in “dù sóng nhồi tơi tả, sáng ra vẫn tươi rói luôn vì hôm nay có cái hẹn đặc biệt với Hòn Chuối”.

Rồi cũng có những ngày “cục cưng” của tôi trở thành “cục nợ” khi phải cuốc bộ con đường dốc 2,5km lên ngọn hải đăng; lội hơn 600 bậc thang lên xuống để lên đến đỉnh hòn,… làm lưng nhễ nhại mồ hôi.

Đã quen với cường độ “làm trước, ăn sau”, nhà báo chúng tôi quên mệt mỏi khi ăn nhanh, ăn muộn. Nhanh chóng ôm “cục cưng” xuống trước khi tàu neo bến để chụp ảnh, nhanh chóng tìm tư liệu, viết tin và gửi về trước khi tàu tiếp tục hành trình vì “tàu chạy là không có 4G, 3G gì”.

Tàu là nhà, biển là quê hương

Dùng những từ “sảng khoái”, “no nê” “hạnh phúc”,… là chưa đủ khi được nhìn rừng vàng biển bạc quê hương. Sau tất cả những gian lao của những người làm báo, chúng tôi hạnh phúc vì được đi, nghe, viết và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Chị Tường Vi chia sẻ: “Cảm ơn những anh em, những người bạn, những tình cảm mà mình vô cùng trân quý, các anh ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã hỗ trợ mình tác nghiệp.

Mình sẽ không thể quên những đêm thức cùng con sóng lớn giữa trùng khơi hay mê mải giấc mơ nơi tiếng sóng nhẹ ru êm bên mạn tàu… Mình nhớ cả đoàn, nhớ từng gương mặt anh chị em, nhớ những bạn đồng nghiệp yêu mến. Mình sẽ cay mắt khi nhớ lại từng kỷ niệm đong đầy, những khoảnh khắc chia xa. Mình sẽ gói trọn tất cả vào tim”.

Vượt dốc thăm đảo, phóng viên mang hành trang nặng trĩu trên vai.
Vượt dốc thăm đảo, phóng viên mang hành trang nặng trĩu trên vai.

Mỗi hòn đảo, mỗi vùng biển quê hương chúng tôi đi qua, chúng tôi gửi lại tình yêu từng tất đất, từng hòn đá và mang tình yêu ấy đến với mọi người để nhân tình yêu biển đảo ra “n” lần như thế.

Chị Tường Vi chia sẻ: “Mình thấy các chiến sĩ ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió trong điều kiện vất vả vẫn chắc tay súng, tình đồng đội gắn kết, tình cảm thiêng liêng giữa biển đảo và đất liền là động lực cho phóng viên như mình tác nghiệp không mệt mỏi”.

Với tôi, 8 ngày “chòng chành” với hành trình biển đảo, như một chiến sĩ, lội bộ lên các trạm ra đa là những ngày “không bao giờ quên”. Biển đảo quê hương xinh đẹp, thiêng liêng biết chừng nào!

Hãy sống sao cho xứng đáng với những gì mình đang có bằng cách làm tốt việc mình đang làm. Hãy sẵn sàng là hậu phương vững chắc mang tin yêu, mang mùa xuân đến cho các chiến sĩ “xuân này con không về”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN