Một ngày nắng vàng ươm, ngồi trên tàu xuôi dòng Long Hồ, chúng tôi có cơ hội cảm nhận rõ sức sống căng tràn của vùng đất được bồi đắp từ chiều sâu văn hóa, lịch sử và cả khát vọng của những người con sinh ra trên mảnh đất này. Tự hào biết mấy, và cũng cần nhiều nỗ lực để có thể khai thác hết tiềm năng, phát huy hết giá trị của vùng đất- nơi quá khứ và hiện tại luôn song hành.
Dòng Long Hồ chứa đựng câu chuyện văn hóa và tiềm năng du lịch lớn. |
Một ngày nắng vàng ươm, ngồi trên tàu xuôi dòng Long Hồ, chúng tôi có cơ hội cảm nhận rõ sức sống căng tràn của vùng đất được bồi đắp từ chiều sâu văn hóa, lịch sử và cả khát vọng của những người con sinh ra trên mảnh đất này. Tự hào biết mấy, và cũng cần nhiều nỗ lực để có thể khai thác hết tiềm năng, phát huy hết giá trị của vùng đất- nơi quá khứ và hiện tại luôn song hành.
Mạch nguồn của câu chuyện văn hóa trăm năm
Trên dòng Cổ Chiên, vừa rẽ phải ngay đoạn chợ Vĩnh Long là điểm bắt đầu của dòng Long Hồ. Xuồng ghe tấp nập từ nửa đêm trở về sáng, chiếc này neo chiếc kia kéo dài ra nửa sông trở thành chợ nổi. Có cây cầu dây văng từ chợ cá sang xóm Cầu Dài mà mọi người hay nói vui là “cầu Mỹ Thuận phiên bản nhỏ”. Xuôi dòng sông, chiếc tàu lần lượt đi ngang cầu Thiềng Đức qua Phường 5, cầu Chợ Cua gần Bệnh viện tỉnh.
Qua dạ cầu Chợ Cua, cặp theo sông khoảng cây số, ngay chỗ khúc cua ngã ba sông có một ngôi đình: đình Long Hồ, được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Ở vị trí đình tọa lạc, ngày trước là doi đất ngã ba sông. Nơi doi đất ấy là nhà của một người tên Me, khi mất, dân làng chôn ông trên đất này. Ông Me trở thành địa danh của Long Hồ. Vùng đất địa linh, sinh ra nhân kiệt, chỉ một đoạn sông thôi, tính từ cầu Thiềng Đức vào tới khu vực Ông Me có đến 4 vị từng là thủ tướng hoặc tương đương thủ tướng qua các chế độ: Trần Văn Hương, Trần Văn Hữu, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Lộc.
Ông Phạm Công Toàn- Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Long Hồ cho biết, dòng sông Long Hồ nổi tiếng, dài khoảng 7km, bắt đầu từ sông Cổ Chiên đến xã Bình Phước, xã Hòa Tịnh của huyện Mang Thít. Dọc theo tuyến sông này có làng nghề truyền thống rất lâu đời và những di tích lịch sử như: Minh Hương Hội quán, Văn Thánh miếu, đền thờ Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, những ngôi nhà xưa còn nguyên bản thiết kế của người Pháp... Gần khu vực thị trấn Long Hồ có làng nghề chằm nón, làng nghề sản xuất hủ tiếu, bún. Giáp Long Hồ là xã Hòa Tịnh- Mang Thít có làng nghề đan đát rổ, rế tre trúc…
Dòng Long Hồ chứa đựng câu chuyện văn hóa và tiềm năng du lịch lớn. |
Chị Phạm Thị Ngọc Trinh- Giám đốc Mekong Travel, say sưa kể về kỷ niệm những ngày làm hướng dẫn viên cho đoàn khách trên sông Long Hồ. Chỉ một đoạn sông nhưng chứa đựng cả văn hóa trăm năm. Từ đoàn ghe xuồng tấp nập ngay chợ cá, du khách nước ngoài say sưa ngắm nghệ nhân làm gạch men ở đoạn chợ Cua. Và độc đáo hơn khi dọc bờ sông có nhiều trại đóng hòm, khách nước ngoài thích thú đến xem và hiểu hơn những phong tục văn hóa của người Việt Nam. Dọc bờ sông, những rặng bần xanh mướt mắt. Trái bần, bông bần còn là nguyên liệu đặc biệt chế biến những món ăn dân dã, vị đặc biệt khó quên…
Tiềm năng cho tuyến du lịch hấp dẫn
Tàu dừng ở Khóm 6, thị trấn Long Hồ để chúng tôi thăm làng nghề chằm nón trăm năm. Cây xanh xòe tán rợp mát cả ngôi nhà cặp mé sông. Ẩn sau hàng cây là hình ảnh của các cô, vài cụ già thoăn thoắt đôi tay sau khung nón. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Hồ- Trương Thị Vĩnh Xuân cho biết: “Làng nghề truyền thống chằm nón được duy trì rất lâu đời, phát triển nối tiếp từ thời ông cha. Địa bàn có trên 400 hộ dân, trong đó hơn một nửa theo nghề chằm nón. Đa phần là các chị làm việc nông nhàn, thời gian rảnh chằm nón có thu nhập thêm cho gia đình. Sự kết hợp với du lịch có ý nghĩa rất lớn với địa phương, bên cạnh hỗ trợ kinh tế thì góp phần truyền thông, giới thiệu làng nghề đến bạn bè gần xa”.
Làng nghề chằm nón tại Khóm 6, thị trấn Long Hồ. |
Điểm cuối của dòng Long Hồ, tiếp giáp với ấp Vườn Cò, xã Hòa Tịnh- Mang Thít là làng nghề cũng có từ rất lâu đời là đan đát rổ, rế từ tre trúc. Hoàn thành một cái rổ tre, một chiếc rế lót nồi là cả quá trình tỉ mẩn công phu. Thú vị biết bao khi chúng tôi được chứng kiến và cùng tham gia “thui rế”. Chiếc rế tre hoàn chỉnh cần phải lên màu đẹp. Mà chỉ có cách duy nhất là hơ trên lửa của rơm. Xỏ mấy cái rế vào cây tre hơ hơ trên khói, từ màu xanh, tre ngả màu cánh gián. Mùi khói rơm quyện vào tiếng cười giòn giã của các cô. Đon đả tiếp đón khách đến thăm, cô Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Ấp có gần 200 hộ làm. Đây là cái nghề nằm trong tim vì tui làm từ năm 12 tuổi, đến nay cũng 66 tuổi rồi. Không chỉ tận dụng nguyên liệu từ quê nhà, qua bàn tay khéo léo, từng bước đan, đát thể hiện triết lý của người xưa nữa đó: “Liệu bề đát được thì đươn- Đừng gầy rồi bỏ, thế thường cười chê”.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong đề án trình UBND tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch, trong đó có xây dựng tour tuyến mới của tỉnh, thì tuyến du lịch trên dòng Long Hồ là tuyến cần khai thác trong thời gian tới. Đây là một trong những tuyến mới, gắn kết với tuyến truyền thống sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của tỉnh. Trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, có sản phẩm du lịch làng nghề. Để phục hồi du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với làng nghề gạch gốm Di sản đương đại Mang Thít và làng nghề cốm kẹo gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, ngành du lịch bắt đầu khảo sát tuyến sông Long Hồ có làng nghề như chằm nón lá và làng nghề đan rổ, rế Mang Thít.
“Dọc trên dòng Long Hồ có nhiều di tích như: Văn Thánh miếu, Nhà bia kỷ niệm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, di tích của bác Hai Phạm Hùng... Ngoài ra dọc tuyến này có làng nghề dọc theo tuyến sông, điểm du lịch mới như nhà gốm Tư Buôi, một trong những căn nhà được nhiều sự chú ý như nhà thuyền của chú Cao Văn Năm. Nếu làm tốt công tác quảng bá, xây dựng thành sản phẩm chất lượng thì đây sẽ là tuyến thu hút du khách trong thời gian tới. Để làng nghề thành sản phẩm trau chuốt thì cần có những chuyến khảo sát, định hướng cho bà con trong cách làm du lịch, qua đó thành sản phẩm tròn trịa, gắn kết với du lịch”- ông Nguyễn Trọng Tín chia sẻ.
Một ngày xuôi dòng Long Hồ, nghe những câu chuyện lịch sử, thêm yêu vùng đất này khi tiếp xúc với người dân và có thể tự tay cùng làm chiếc nón lá, cái rổ tre. Chúng tôi tự hào và cũng tin tưởng rằng cùng với những nỗ lực của người dân, của ngành văn hóa, tuyến du lịch trên dòng Long Hồ sớm được hoàn chỉnh và tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch Vĩnh Long.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin