Khoảng giữa thế kỷ trước, khi những trò chơi cho trẻ con còn đơn điệu, chủ yếu là các trò chơi có tính chất dân gian và thường theo mùa... thì khi các hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống các giồng cát của TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và các vùng phụ cận cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi háo hức vào mùa chơi bọ rầy.
Khoảng giữa thế kỷ trước, khi những trò chơi cho trẻ con còn đơn điệu, chủ yếu là các trò chơi có tính chất dân gian và thường theo mùa... thì khi các hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống các giồng cát của TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và các vùng phụ cận cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi háo hức vào mùa chơi bọ rầy.
Bọ rầy là loại côn trùng cánh cứng, thân bằng ngón tay cái người lớn, hình dạng gần giống bọ hung, nhưng khác ở chỗ bọ hung màu đen thích chui rúc vào các đống phân để tìm thức ăn, còn bọ rầy thích ăn lá cây và có vòng đời khá ngắn... Bọ rầy có hai loại: loại có cánh màu nâu đen của đất và loại có cánh màu trắng mà lũ trẻ chúng tôi thường gọi là “bọ rầy mốc”.
Bọ rầy mốc có rất ít trong tự nhiên, có lẽ vì vậy bọn trẻ kháo nhau rằng bọ rầy mốc siêng bay và bay lâu hơn bọ rầy nâu. Giá của bọ rầy mốc bằng vài con bọ rầy nâu tùy theo thỏa thuận của người trao đổi.
Bắt bọ rầy rất dễ, lúc trời chập choạng tối, bọn trẻ vùng ngoại ô chúng tôi dùng phân trâu bò khô un khói là bọ rầy ở các vùng xung quanh nghe hơi tìm tới bay là là trên mặt đất, cứ lấy cành cây quơ cho chúng rơi xuống đất là bắt được.
Có cách bắt đơn giản hơn là sáng sớm dùng sào đập vào các cành cây, bọ rầy bám vào lá, đang lúc ngủ say sẽ bị rơi xuống đất. Một buổi bắt như vậy cũng có vài chục con, đủ chơi mệt nghỉ! Nhóm trẻ trong thành phố nếu có nhiều tiền cứ sáng ra chợ vào mùa này là có người bán bọ rầy và các loại đồ chơi đi kèm. Nếu không tiền chịu khó đêm đêm đến các trụ điện cũng bắt được một ít con bị ánh sáng đèn thu hút.
Chơi bọ rầy chủ yếu là dựa vào tập tính hay bay của chúng. Khi bay cặp cánh cứng và cặp cánh lụa bên trong vỗ liên tục và bay như vậy bao lâu còn tùy theo từng con. Cách chơi đơn giản nhất là dùng ngón cái và ngón trỏ lật đôi cánh cứng của con bọ rầy lên và giữ chặt rồi thổi mạnh vào đít nó.
Bọ rầy bị kích thích liền giang đôi cánh lụa bay liên tục tạo thành một chiếc “quạt máy sinh học” gây mát nhè nhẹ, lúc này muốn đưa chiếc quạt này vào đâu tùy thích, từ má cho đến tai, mũi và cả... nách!
Có nhiều cách chơi bọ rầy thú vị hơn như: bọ rầy chạy xe (có vài chiếc làm bằng kẽm là có thể chơi trò đua xe), bọ rầy lái máy bay... Chiếc xe kiểu “du lịch” dùng cho bọ rầy chạy rất đặc biệt, người viết không biết tác giả của mẫu xe này là ai, nhưng phải công nhận nó rất độc đáo.
Nó gồm hai giàn bánh xe, mỗi giàn có hai bánh xe ở hai đầu một ống trúc nhỏ như đũa ăn cơm dài khoảng 8cm, đường kính ống trúc này càng nhỏ càng tốt để trọng lượng chiếc xe giảm tối đa.
Nói là bánh xe, nhưng kỳ thật đó là một đoạn dây kẽm loại nhỏ, đoạn kẽm này sau khi hình thành vòng tròn bánh xe thứ nhất thì được bẻ ngoặc vào tâm rồi bật ra một góc 90 độ trước khi luồn qua lỗ rỗng của thân ống trúc nói trên để bẻ tiếp bánh xe thứ hai. Lúc ấy, ống trúc trở thành trục quay của hai bánh xe.
Hai giàn bánh xe này nối với nhau bởi hai đoạn dây kẽm xoắn chặt với nhau và xoắn ở ngay khoảng giữa mỗi giàn để cố định khoảng cách của chúng, theo tỷ lệ hài hòa với khoảng cách giữa hai bánh xe.
Để làm cho chiếc xe du lịch này thêm xinh đẹp, đầu phía trước của hai đoạn kẽm sau khi xoắn chặt giàn bánh xe trước, vẫn tiếp tục xoắn thêm một đoạn ngắn đến ngang bánh xe trước, hai đoạn kẽm còn dư lại được bẻ ngang sang hai bên rồi ngoặc lại phía sau để bẻ thành hai nửa vòng tròn trên hai bánh xe trước trông như hai vè xe, có người khéo tay trước khi bẻ hình vè xe còn bẻ thêm hình hai chiếc đèn xe.
Đầu phía sau của hai cọng kẽm xoắn chặt nối hai giàn bánh xe, sau khi tiếp tục xoắn lùi về phía sau một đoạn ngắn thì bẻ vòng lên phía trước và chấm dứt bằng hình một chiếc nĩa có hai chia bằng nhau dùng để gắn hai chân sau của con bọ rầy khi cho nó chạy xe.
Đầu chiếc nĩa hai chia này phải ở vị trí cân đối so với chiều dài cả chiếc xe (khoảng 1/3 chiều dài tính từ phía sau) và có độ cao thích hợp so với bánh xe để khi vận hành xe không bị lật. Khi cho bọ rầy chạy xe có hơi ác một chút, là bẻ hai chân sau cùng của bọ rầy, nhưng nhớ chừa lại hai cái đùi để găm bọ rầy dính vào xe tại nơi có chiếc nĩa hai chia. Xong xuôi thổi mạnh vào đít bọ rầy kích thích cho nó bay.
Khi bọ rầy bắt đầu vỗ cánh, đặt xe xuống đất là chiếc xe lăn bánh chạy như bay, lũ trẻ chúng tôi muốn đuổi kịp nó cũng “xịt khói lỗ tai”! Nếu không muốn chạy theo xe thì bẻ thân xe hơi cong về một phía, lúc này xe sẽ chạy hình vòng tròn, xe có thể chạy hàng chục vòng.
Muốn tiếp tục chơi thì thay “bác tài” khác! Chơi bọ rầy lái máy bay cũng tương tự. Thân máy bay phải bằng vật liệu nhẹ như giấy carton hay gỗ gòn thật khô. Máy bay cũng đủ cánh trước, cánh sau, bánh lái, nhưng thay vì có cái ăng ten thì thay bằng một cái nĩa hai chia gắn ở giữa phía trên thân máy bay để cố định “phi công” bọ rầy vào đó.
Vì là máy bay nên phải treo chiếc máy bay này dưới một cành cây hay dưới hiên nhà, dĩ nhiên là máy bay chỉ bay được vòng tròn và giới hạn theo độ dài sợi dây treo. Người khéo tay có thể làm hai chiếc chong chóng bé tí gắn ở đôi cánh trước. Khi máy bay bay các chong chóng này quay tít trông rất đã con mắt.
Cũng có thể làm chiếc máy bay rất nhẹ bằng lá lợp nhà, cũng có cánh trước, cánh sau và thân, nhưng tất cả đều dẹp lép theo bề dẹp của lá. Khi gắn xong một con bọ rầy khỏe mạnh vào chiếc nĩa hai chia, thổi cho bọ rầy bay cũng là lúc máy bay đã khởi động. Nhẹ nhàng phóng máy bay lên không rồi... ngẩn ngơ nhìn theo chiếc máy bay “một đi không trở lại” mất hút dần trong không trung...
Mùa mưa lại về, thú chơi của lũ trẻ ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức!
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin