Sau 3 năm miệt mài theo đuổi cách làm tranh bằng lá sen, chú Lê Văn Nghĩa (Bảy Nghĩa) sống tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã thành công qua những bức tranh chân dung. Ngoài việc "thổi hồn" vào tranh từ chất liệu mới, chú Bảy Nghĩa còn mang lại nét tươi mới cho nghệ thuật tranh theo phong cách riêng của mình.
Tác phẩm chân dung “Bác Hồ kính yêu” của chú Bảy Nghĩa sáng tác được vinh dự là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Đồng Tháp năm 2020. |
Sau 3 năm miệt mài theo đuổi cách làm tranh bằng lá sen, chú Lê Văn Nghĩa (Bảy Nghĩa) sống tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã thành công qua những bức tranh chân dung. Ngoài việc “thổi hồn” vào tranh từ chất liệu mới, chú Bảy Nghĩa còn mang lại nét tươi mới cho nghệ thuật tranh theo phong cách riêng của mình.
Tiếp sức mạnh từ “người tri kỷ”
Vốn là người yêu thích hội họa, mỗi khi rảnh rỗi chú Bảy Nghĩa mày mò học vẽ. Năm 2015, chú bỏ nghề thợ mộc gia truyền của mình để thử sức với hội họa.
Chưa từng theo học bất kỳ trường lớp nào, chỉ vì đam mê và một ít kiến thức về hội họa, chú bắt đầu thử sức mình với nhiều thể loại như tranh phong cảnh, chân dung,… Nhưng có lẽ, tranh chân dung đã mang lại cho chú nhiều cảm xúc hơn.
Bức tranh chân dung Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa được chú Bảy Nghĩa hoàn thành. |
Trầm tư một lúc chú Bảy Nghĩa bày tỏ, lúc chú đến với hội họa, cũng là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, vì người vợ mà chú thương yêu nhất đã ra đi. “Từ ngày bà xã tôi mất, tôi hụt hẫng, tinh thần lao dốc. Mỗi ngày tôi đều ra cánh đồng tràm- nơi vợ tôi nằm, để nhung nhớ về những hồi ức đẹp. Suốt thời gian dài tôi trầm tư như người mất hồn, mất phương hướng trong cuộc sống. Đến khi nhìn thấy những mảng vỏ tràm bong tróc với màu sắc lạ lẫm, tôi mường tượng chân dung người vợ mình, thử dán lại coi nó sẽ ra sao. Cơ duyên ấy đã đẩy tôi đến với nghệ thuật dán tranh, như thể người vợ quá cố của mình đã chỉ hướng đi mới, giúp tôi có thêm niềm đam mê, động lực”- chú Bảy Nghĩa chia sẻ.
Tác phẩm của chú Bảy Nghĩa, bức tranh làm từ lá sen quê hương Đồng Tháp. |
Từ đó, chú đã bắt tay vào sáng tác miệt mài. “Có những lúc sáng tác được một bức tranh vừa bụng, tôi thao thức trắng cả đêm vì sung sướng và hạnh phúc”- chú Bảy Nghĩa vừa nói vừa khoe thành quả mà chú ưng ý nhất. Đó là bức tranh người vợ quá cố đã để lại nhiều cảm xúc nhất với chú Bảy cũng như người xem. Những mảnh vỏ tràm xù xì, thô sơ nhưng qua bàn tay của chú đã tạo nên đường nét vô cùng sống động, toát lên một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng.
Bức ảnh chân dung bằng vỏ tràm đầu tiên đã để lại nhiều cảm xúc với người xem. |
Kỳ vọng tranh từ vỏ ấu, vỏ quýt…
Sau một thời gian gắn bó với việc sáng tác tranh từ chất liệu vỏ tràm, chú Bảy Nghĩa đã hoàn thành nhiều tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Song, trong trái tim người nghệ sĩ này vẫn đau đáu một nỗi niềm riêng. Chú Bảy Nghĩa nhớ lại: “Nếu làm tranh từ vỏ tràm thì ở đâu cũng có thể làm được, tôi muốn đưa một loại nguyên liệu rất đặc trưng của quê hương mình, đó là sen Đồng Tháp. Nếu may mắn tác phẩm có cơ hội đi xa, thì nhiều người nhìn vào tranh sẽ biết nó đến từ đâu, tôi mơ ước làm được điều gì đó cho quê hương”.
Lá sen được chú Bảy Nghĩa tận dụng triệt để. |
Để tranh sen sống động và có cảm xúc, chú Bảy Nghĩa đã tỉ mỉ qua từng công đoạn như chọn lá sen, phơi nắng, phơi sương... “Khi phác thảo bằng bút chì, chất than chì sẽ làm mất tác dụng trong việc dán tranh. Thế nên, tôi quyết định thử hết toàn bộ các loại keo và làm mọi cách để cho nó dính theo đường nét mình phác thảo, việc dán lá sen lên giấy không thành công như mong đợi, vì qua thời gian, màu keo sẽ làm mất vẻ đẹp tự nhiên của lá sen, nhưng riêng keo sữa lại không làm mất màu nguyên thủy”- chú Bảy Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.
Chú trọng nhất là đường nét khuôn mặt, phải sử dụng đúng màu kết hợp gân lá sen để làm nổi bật nét biểu cảm của nhân vật. Nói thì dễ, nhưng để hoàn thành một bức tranh chân dung, tôi phải tốn khoảng 20- 30 tiếng đồng hồ và phải “có hứng thú” nữa thì mới hoàn thành được.
Chú Bảy Nghĩa cho biết, hướng tới sẽ lấy vỏ quýt, vỏ ấu… sử dụng làm tranh. |
Tranh phong cảnh và tranh chân dung từ sen mỗi loại có cái khó riêng. Riêng tranh chân dung khó nhất là lúc lên “thần”, tức là khắc họa cái hồn của nhân vật. Bức tranh “Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính” vừa hoàn thành khi ông đàm thoại về vấn đề dịch bệnh làm chú Bảy Nghĩa khó quên. “Tôi rất thích nét mặt nghiêm nghị của ông khi điều hành các cuộc họp trực tuyến đối với các tỉnh- thành đang ráo riết chống dịch. Vậy nên tôi quyết định vẽ chân dung ông”- chú Bảy Nghĩa đồng thời cho biết, hướng tới sẽ lấy các phế phẩm đặc trưng của từng địa phương như: vỏ quýt hồng ở Lai Vung, vỏ ấu Lấp Vò, vảy cá ở Hồng Ngự… để làm nguyên liệu cho tranh, nâng tầm giá trị đặc sản địa phương cho nhiều người biết đến.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin